Thức với đường biên

VOV.VN -Những tháng cuối năm 2017, đầu năm 2018, lòng hẹn với lòng, tôi về Quảng Ninh, cùng các chiến sĩ biên phòng đi tới các cột mốc biên giới.

“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ/Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương”…Câu thơ ấy cứ vang lên trong tôi một cách tự nhiên, không có lời nhắc nhở nào. Như lẽ ra phải vậy, lẽ ra là thế.

Những tháng cuối năm 2017, đầu năm 2018, lòng hẹn với lòng, tôi về Quảng Ninh, lần theo con đường tuần tra biên giới trải dài từ cửa khẩu Chi Ma (Đình Lập Lạng Sơn) tới cửa khẩu Hoành Mô - Bắc Phong Sinh – Pò Hèn rồi ra tận mũi Sa Vĩ (Trà Cổ) nơi có cột mốc biên giới cuối cùng 1378. Một dải nước non hùng vĩ hiện ra theo con đường cấp 6 miền núi rộng chừng 3 mét đổ bê tông, độ dốc có nơi khoảng 14 – 15%.

Cửa sông Bắc Luân rộng mênh mông thấp thoáng bóng tàu thuyền cắm cờ đỏ sao vàng chạy ngược xuôi. Những bản làng mái ngói nhấp nhô ẩn sau những đồi cây trẩu cây quế cây sở… Không biết là mái nhà người người Tày, người Nùng, người Dao, người Sán Chỉ hay người Kinh… Chỉ thấy những dấu hiệu vui vui như cái chảo ăng ten thu truyền hình VTV, VTC… trên các mái nhà.

.Cột mốc cuối cùng đường biên giới trên bộ ở cửa sông Bắc Luân (Quảng Ninh).

Thấy những con đường liên thôn liên xã đổ bê tông chạy dài. Những bể nước i-nốc treo trên mái, đặt trong sân. Những chiếc xe máy để lộn xộn.. Những cây đào cây mai hoa đỏ hoa trắng chợt hiện ra trên mỗi cung đường…Và những đồi lau bát ngát… Những ruộng bậc thang như những làn sóng xanh lan toả ra vô tận. Những dải núi chồng lên núi, đan xen, giao hoà… Giữa ban trưa mà mây mù cuồn cuộn, phủ kín thung sâu..Và nổi bật lên là những cột mốc biên giới quốc gia, mốc một,mốc đôi… hiên ngang, sừng sững vạch giữa trời xanh , hiên ngang giữa biển khơi gợi nhớ lời tuyên ngôn bất hủ” “Nam quốc sơn hà… rành rành phân định tại sách trời”.

Theo sách địa lý Việt Nam thời hiện đai, thì chúng tôi đang ở cánh cung Đông Triều. Cánh cung này gồm hai dãy núi Nam Mẫu và Bình Liêu, cũng là cánh cung cuối cùng của vùng Đông Bắc. Nhìn lên bản đồ thấy lúc đầu chạy theo hướng Tây-Đông sát bờ vịnh Bắc Bộ ở khu vực Đông Triều – Hòn Gai. Sau đó càng lên phía Bắc càng lùi dần vào phía trong đất liền. Ngày và đêm, những đỉnh núi lớn nhỏ đứng sừng sững, đầu như chạm tới trời mây trăng sao, chân thoải ra vững chãi. Khen cho ai gọi đây là những cánh cung. Những cánh cung căng , khoẻ khoắn. Những cánh cung bảo vệ biên giới của Tổ quốc.

Ông Bày trao đổi về tình hình đường biên với cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Pò Hèn.

Và người sống trên những cánh cung ấy là cộng đồng dân tộc Việt Nam…Kinh, Tày- Nùng, Dao, Sán Chỉ - Hoa… Cùng với họ, là những chiến sĩ quân hàm xanh, quân hàm đỏ…bộ đội biên phòng, công an, cảnh sát biển…Vào một buổi chiều trong những ngày rét lạnh cuối năm, chúng tôi tới thăm nhà ông Lê Văn Bày, ở tổ Pò Hèn, thôn Pò Hèn xã Hải Sơn huyện Hải Hà. Nhà ông chỉ cách đường tuần tra biên giới mấy bước chân. Sát với đường tuần tra là con sông biên giới. Phía bên kia sông là đất Trung Quốc.

Sau tháng 2/1979 một thời gian, gia đình ông chuyển về đinh canh định cư ở mảnh đất này. Là một người lính Cụ Hồ, ông bảo ông không muốn chuyển sâu vào trong. Ngày dõi theo động tĩnh của đường biên, đêm đêm trong giấc ngủ lắng nghe tiếng nước chảy, xem vẳng trong đêm đen có hay không tiếng bước chân của kẻ xấu muốn vượt biên sang quấy rối. Năm nay đã ngoài 60, nhưng ông Lê Văn Bày xem ra còn khoẻ lắm. Cái áo bu dông mỏng khoác ngoài chiếc áo bộ đội đã cũ, ông thong thả dẫn chúng tôi đi dọc đường biên, hướng về phía cột mốc  1347 (số 2) vừa đi vừa kể chuyện làm giầu trên mảnh đất mà ông nhận là quê hương thứ hai của mình.

Thật là một sự tình cờ thú vị, ở thôn Nà Gian xã Hoành Mô huyện Bình Liêu, ông Hà Văn Dường, người dân tộc Tày cũng có cùng một suy nghĩ như ông Bày. Năm 1990 khi tình hình biên giới ở khu vực này bình thường trở lại, từ nơi sơ tán, ông cùng gia đình quay lại bản cũ. Rồi cũng như ông Bày và bao gia đình khác, khai hoang phục hoá ruộng đất, rà phá mìn bẫy, xua đuổi thú dữ, tạo dựng cơ nghiệp mới. Dáng người cao to, giọng nói sảng sảng, ông Dường kể rằng ngày ấy đường ra mốc 1316 không có.

Ông Dường trả lời phỏng vấn của PV Đài TNVN.

Hàng ngày hàng đêm, ông cùng bộ đội dân quân đi tuần cũng phải băng rừng lội suối khá vất vả. “Tôi bắn khá lắm đấy. Bắn bia không viên nào ra ngoài đâu”. Ông Dường khoe như thế. Nhiều năm liền ông được bầu là phó bí thư rồi bí thư chi bộ, trưởng thôn. Nay đã ngoài 50 , ông xin nghỉ các chức vụ, nhường chỗ cho lớp con cháu trẻ hơn. Chúng tôi ngồi uống nước trong gian nhà xây hai tầng bề thế của ông, trông ra cánh đồng trước mặt, nơi có ruộng cam tươi tốt của gia đình ông, thầm cảm phục cái tâm trong sáng của ông đối với Tổ quốc. Ông Dường bảo: phía bên kia ruộng cam đã là đường biên rồi đấy. Mình cứ ở đây thôi. Ra đường biên để giữ đường biên mốc giới chứ, còn ai giữ đất giỏi hơn bà con mình đâu.

Ông tự hào khẳng định: Dân bản tuyệt không buôn lậu. Đặc biệt là dịp Tết đến, không ai mua pháo nổ. Đồng bào mình trước ngày Tết hay đốt pháo lắm đấy. Mấy hôm Tết đến chơi nhà ai, đều có bánh pháo đốt từ cổng. Vậy mà Chính phủ cấm, là mọi người bỏ luôn.

Chúng tôi có mặt ở thôn Nà Sa xã Hoành Mô đúng vào dịp Đồn biên phòng cửa khẩu Hoành Mô đến tặng quà Tết cho một số gia đình khó khăn trong thôn. Trừ môt gia đình ở sát ngay nhà văn hoá thôn, còn mọi người đều đi xe máy đến nhận quà. Tôi nêu nhận xét này với thượng tá Bùi Đức Hạnh, chính trị viên đồn. Thượng tá Bùi Đức Hạnh cho biết: “Việc chọn gia đình khó khăn để trao quà là từ thôn và xã. Đời sống bà con mình khá lên. Cái xe máy bây giờ như chiếc xe đạp ngày xưa thôi”.

Ngày cuối năm rét buốt, trao quà tặng bà con, chính trị viên Bùi Đức Hạnh còn lồng vào đấy nội dung nhắc bà con phòng chống rét cho người già, trẻ con và gia súc. Hạnh bảo: việc của biên phòng là vậy. Ngoài việc cùng nhân dân giữ vững an ninh, bảo vệ đường biên mốc giới, thì việc gì cũng đến tay cả.

Đoàn chúng tôi đi sát đường biên, thấy bên kia biên giới, một đơn vị lính Trung Quốc cũng căng lều bạt giữa cánh đồng, lố nhố người đứng người nằm không biết luyện tập khoa mục gì. Cứ theo đường tuần tra biên giới, đến cột mốc 1320 (2) thuộc xã Đồng Văn, chúng tôi gặp đơn vị tuần tra biên giới do trung tá Lê Văn Vương làm đội trưởng. Cùng các anh, chúng tôi đứng nghiêm thực hiện nghi thức chào cột mốc theo quy định. Quả thật, đã đi nhiều đoạn đường biên giới trên cả nước, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được đứng cùng đội ngũ với những người lính. Xúc động và tự hào lắm chứ. 

Lại nhớ những ngày chiến tranh biên giới Tây Nam, một buổi đêm ở thị trấn Hà Tiên tỉnh Kiên Giang, tôi gặp Đào Duy Kỳ, một người bạn cùng khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, đi Công an nhân dân vũ trang tháng 10/1972. Kỳ đang ở Cục tác chiến, được điều vào tăng cường cho Tây Nam Bộ. Kỳ bảo: ở Hà Tiên, có một cột mốc mà khi nước triều lên, chìm dưới nước.

Tiểu đội tuần tra mỗi lần đến khu vực này, bao giờ cũng cử một đồng chí lặn xuống “sờ” thấy cột mốc mới được coi là “hoàn thành nhiệm vụ”. Đào Duy Kỳ đã nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi hay ôn lại kỷ niệm gặp nhau ở Hà Tiên và Kỳ hay hỏi thăm tôi những đồng đội cũ mỗi khi biết tôi vừa đi biên giới về. Với những người đã từng là lính quân hàm xanh, dường như đường biên mốc giới vẫn luôn thường trực trong tâm thức của họ.

Đội tuần tra thực hiện nghi thức "Chào cột mốc".

Là một sự tình cờ, đêm ấy trong khu nhà nghỉ, tôi nhận được điện thoại của Đoàn Văn Phúc, cũng là bạn học Văn khoa, cũng có giấy gọi bộ đội tháng 8/1969. Phúc vào công an vũ trang, đóng quân ở đồn 99 (Bản Giàng) nay là đồn 575 ở xã Hương Liên huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi giải ngũ, Đoàn Văn Phúc quay về học hết Đại học, rồi về Viện Đông Nam Á làm việc, bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) ngữ văn, có nhiều đầu sách về ngôn ngữ một số dân tộc thiểu số ở miền Trung và Tây Nguyên.

Phúc kể vừa đi thăm lại Hương Khê, ghé thăm mấy nhà dân quen cách đây  hơn nửa thế kỷ…Nhiều nhà nay chỉ còn lớp con cháu đón Phúc. Vậy mà nghĩa tình vẫn thắm thiết, quấn quýt như xưa. Thế mới hiểu tình “quân với dân như cá với nước” sâu đậm biết chừng nào. Tôi kể câu chuyện của Phúc, của Kỳ cho chính trị viên Bùi Đức Hạnh. Hạnh cười rất vui, nhắc rằng thế hệ Hạnh cũng được hưởng những niềm vui như thế. Đấy chính là động lực để lớp lớp chiến sĩ quân hàm xanh sống thuỷ chung với đường biên mốc giới.

Bao giờ cũng vậy, các đồn biên phòng biên giới phía Bắc là nơi đón Xuân sớm nhất. Ở đồn biên phòng Đàm Thuỷ (Trùng Khánh, Cao Bằng) thậm chí đầu tháng 10, hoa đào đã nở. Trong những ngày rét lạnh cuối năm Đinh Dậu, nhiều chiến sĩ đồn biên phòng Hoành Mô trên đường tuần tra biên giới, tiện tay ngắt một nhánh đào rừng cắm trên ba lô. Những cây đào bích trong sân đồn cũng đã bung hoa. Một mùa xuân mới đang về.

          “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

          Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương

          Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

          Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn…”

          Dường như khi viết những câu thơ này, nhà thơ Chế Lan Viên dành tặng những “ chiến sĩ quân hàm xanh” thì phải !./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ đội Biên phòng “nâng bước trẻ” tới trường
Bộ đội Biên phòng “nâng bước trẻ” tới trường

VOV.VN - Bộ đội chở học sinh tới trường, bộ đội nấu cơm cho học sinh đã trở nên thân thuộc trên các tuyến biên giới của Gia Lai gần chục năm nay.

Bộ đội Biên phòng “nâng bước trẻ” tới trường

Bộ đội Biên phòng “nâng bước trẻ” tới trường

VOV.VN - Bộ đội chở học sinh tới trường, bộ đội nấu cơm cho học sinh đã trở nên thân thuộc trên các tuyến biên giới của Gia Lai gần chục năm nay.

Ảnh: Chiều cuối năm của các chiến sĩ biên phòng nơi biên giới
Ảnh: Chiều cuối năm của các chiến sĩ biên phòng nơi biên giới

VOV.VN - Chiều cuối năm, không khí tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị sôi động hơn với ngày thường.

Ảnh: Chiều cuối năm của các chiến sĩ biên phòng nơi biên giới

Ảnh: Chiều cuối năm của các chiến sĩ biên phòng nơi biên giới

VOV.VN - Chiều cuối năm, không khí tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị sôi động hơn với ngày thường.