Thuốc lá điện tử tăng nhanh trong giới trẻ, bao giờ mới cấm?
VOV.VN - Vụ việc nam sinh bị tổn thương não, phải thở máy do hút thuốc lá điện tử tiếp tục khiến dư luận lo lắng. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ thanh, thiếu niên hút thuốc lá điện tử đang gia tăng nhanh chóng. Cấm thuốc lá điện tử liệu có cần thiết và khả thi? Giải pháp nào bảo vệ thế hệ trẻ khỏi sự bủa vây của thuốc lá thế hệ mới?
N. V. H, học sinh một trường THPT tại Hà Nội, đã hút thuốc lá điện tử hơn một năm nay, sau khi xem một Tiktoker sử dụng và cảm thấy rất “sành điệu”. Dù có biết tác hại nhưng với H., việc hút thuốc lá điện tử đã trở thành thói quen khó bỏ:
"Ban đầu hút là vì tò mò, sau dùng nhiều thành quen, không dùng thì thấy người khó chịu, bứt rứt. Giám thị nhìn thấy không bắt được vì tưởng đó là cái bút. Chỗ nào không cấm là bọn em hút được hết".
Theo điều tra, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở Việt Nam với nhóm tuổi từ 13-15 đang tăng nhanh chóng, từ 2,6% năm 2019 lên 3,5% năm 2022.
Đặc biệt, 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nhóm này chỉ là 1,2%. Dù các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo nhưng nhận thức của nhiều học sinh và phụ huynh vẫn chưa đầy đủ.
"Những bạn hút thuốc lá điện tử thường cho rằng không có hại và đây là một xu hướng thời thượng".
"Em biết thuốc lá điện tử không có lợi cho sức khỏe nhưng các bạn hút rất nhiều".
"Tôi để ý ngoài cổng trường có nhiều học sinh, cả con trai lẫn con gái đều hút. Nói chung là gia đình cũng thấy hoang mang khi có tin không có hại bằng thuốc lá thường, nhưng một số bác sỹ nói trong thuốc lá đấy có chất gây hại cho sức khỏe".
ThS. Nguyễn Hạnh Nguyên, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, giống như thuốc lá truyền thống, nicotine trong thuốc lá điện tử là chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư, đặc biệt gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em.
Hình dáng bắt mắt (dạng thỏi son, cây bút, USB,…), mùi thơm hấp dẫn cũng là cách mà các nhà sản xuất thực hiện để nhắm tới giới trẻ.
Có hơn 15.000 loại hương liệu, hóa chất khác nhau để lựa chọn, thành phần chưa được kiểm soát và chưa có nghiên cứu đầy đủ về tác hại với sức khỏe. Người dùng có thể tự phối trộn thêm các loại hương liệu, thậm chí cả ma túy, không chỉ gây tác hại lâu dài mà còn có thể gây ngộ độc cấp tính khi sử dụng quá liều.
Đó là còn chưa kể nguy cơ cháy nổ với những thiết bị không đảm bảo an toàn.
Nguy hại là vậy nhưng việc mua bán thuốc lá điện tử hiện nay vẫn rất phổ biến trên internet, mạng xã hội với nhiều quảng cáo, lời chào mời “có cánh”.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Lê Minh Trường, Giám đốc Công ty luật Minh Khuê cho rằng: "Chúng ta đã có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định 117 năm 2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, tuy nhiên, không có bất kỳ quy định pháp lý nào về thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới. Chúng ta đang có “khoảng trống” pháp lý vô cùng lớn đối với việc quản lý, giám sát thuốc lá điện tử, không có căn cứ pháp lý để xử phạt các hành vi vi phạm, mà phải dựa vào các văn bản khác".
Chính vì vậy, Bộ Y tế đã từng đề nghị cấm toàn bộ sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bởi những nguy hại cho sức khỏe, làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt ở trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ; tiềm ẩn nguy cơ cao tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy.
Đề nghị cấm thuốc lá điện tử cũng phù hợp với xu hướng của nhiều quốc gia và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, khi đã có ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử.
Ủng hộ đề nghị này, ThS. Nguyễn Hạnh Nguyên, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho rằng: "Xu hướng trên quốc tế hiện nay tiến dần đến việc cấm, bên cạnh đó, tất cả quốc gia có quy định đều đặc biệt coi trọng việc ngăn ngừa sự tiếp cận của thanh, thiếu niên với các loại thuốc lá mới. Chúng ta nên ban hành những quy định nghiêm ngặt ngay từ đầu, cấm việc lưu hành, quảng cáo các sản phẩm này trước khi thị trường tiêu dùng lớn và khó kiểm soát".
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc xây dựng hành lang pháp lý đối với thuốc lá điện tử là rất cần thiết và cần sớm thực hiện, tuy nhiên, lộ trình không thể chỉ trong “ngày một ngày hai”.
Do vậy, trong lúc chờ những quy định cụ thể, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh nhiều giải pháp bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là tăng cường công tác truyền thông.
"Tôi nhận thấy rằng, nhận thức của phần đông về thuốc lá điện tử rất mơ hồ, thậm chí một số phụ huynh vẫn không quan tâm lắm về việc con em mình sử dụng thuốc lá điện tử. Trong khâu truyền thông, khuyến nghị của Bộ Y tế là vô cùng quan trọng. Thứ hai, trong các nhà trường, cấm tất cả hình thức sử dụng thuốc lá thì cấm thuốc lá điện tử cũng phải đẩy mạnh với sự quản lý rất chặt chẽ", bà Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan, lực lượng chức năng cũng cần được đẩy mạnh dựa trên những quy định hiện hành. TS, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp cho rằng: "Đối với hành vi vận chuyển, mua bán, quảng cáo trái phép thuốc lá thế hệ mới, chế tài tương đương với thuốc lá truyền thống hiện nay. Mức phạt hành chính cao nhất là 100 triệu đồng, ngoài ra, số lượng lớn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, tùy hành vi cụ thể để áp dụng các chế tài xử phạt về quảng cáo, kinh doanh, vận chuyển trái phép qua biên giới".
Dù Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được ban hành từ năm 2012 nhưng đến nay, hành vi hút thuốc nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến. Với các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới, nơi vẫn là “khoảng trống” về pháp lý, thì việc quản lý càng trở nên khó khăn hơn.
Do vậy, dưới góc nhìn của VOV Giao thông, để độc tố chết người ẩn sau vỏ bọc thời thượng không còn bủa vây cộng đồng, “Cần nhận diện rõ ràng thuốc lá điện tử”, từ cả phía các cơ quan quản lý nhà nước đến người sử dụng và toàn xã hội.
Hơn 2.800 trường hợp tổn thương phổi cấp tính và 68 ca tử vong do thuốc lá điện tử được ghi nhận tại Mỹ tính đến năm 2020. Hơn 33% học sinh trung học Mỹ sử dụng ma túy thông qua hình thức thuốc lá điện tử. Nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần thuốc lá thông thường.
Đó là những con số chắc chắn khiến nhiều người giật mình, đặc biệt là các bậc phụ huynh, khi không ít người bấy lâu nay vẫn có suy nghĩ sai lầm rằng, thuốc lá điện tử là một cách cai nghiện thuốc lá điếu, là “thú chơi” mới sành điệu, không gây hại hoặc ít gây hại.
Và “giật mình” hơn nữa khi biết rằng Việt Nam đang có trên 1,1 triệu người hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ gia tăng tới… hơn 36 lần chỉ sau 5 năm (giai đoạn 2015-2020). Đặc biệt, ở nhóm học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lên tới 12,6%. Để dễ hình dung thì trung bình cứ một trường cấp 3 sẽ có khoảng trên dưới 100 em từng sử dụng.
Tác hại của thuốc lá điện tử đã được cảnh báo rất nhiều lần trong gần chục năm qua, nhưng tỷ lệ sử dụng không những không giảm mà còn tăng “chóng mặt”, đòi hỏi các biện pháp quản lý cụ thể và quyết liệt hơn nữa, chứ không thể dừng lại ở mức cảnh báo.
Trước hết là từ phía cơ quan quản lý, việc đầu tiên phải làm và cần làm sớm là hoàn thiện hàng lang pháp lý liên quan thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để khỏa lấp “khoảng trống” hiện nay. Trong đó, đề nghị cấm toàn bộ sản phẩm thuốc lá thế hệ mới của Bộ Y tế được đông đảo giới chuyên gia và người dân ủng hộ, phù hợp với xu hướng thế giới.
Tuy nhiên, việc xây dựng hành lang pháp lý cần thời gian dài, do vậy, trước mắt, các cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh biện pháp xử lý theo những quy định hiện hành.
Cơ quan quản lý thông tin, truyền thông cần tích cực rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời, gỡ bỏ các trang web, mạng xã hội quảng cáo, mua bán sản phẩm thuốc lá điện tử; phối hợp cơ quan công an, lực lượng quản lý thị trường để thu giữ sản phẩm, bởi thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha chưa được phép nhập khẩu vào Việt Nam, hành vi buôn bán là trái phép.
Thứ hai là sự “nhận diện” từ phía người dân. Bên cạnh việc mỗi người tự cập nhật thông tin thì việc đẩy mạnh truyền thông, giáo dục là trách nhiệm của các ban, ngành, địa phương, đặc biệt là các trường học.
Các chương trình cảnh báo tác hại của thuốc lá điện tử cần được thực hiện thường xuyên, liên tục trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là thông qua các hội nhóm, fanpage, cá nhân có tầm ảnh hưởng trên Facebook, Instagram, Tiktok…
Thông điệp truyền thông cần dễ hiểu, ấn tượng, nhấn mạnh vào tác hại của thuốc lá điện tử thậm chí hơn cả thuốc lá truyền thống và đi kèm hình ảnh minh họa cụ thể. Trên thực tế, những hình ảnh rùng rợn từ các bệnh lý liên quan thuốc lá được in trên bao bì đã có tác động mạnh đến ý thức người sử dụng, đặc biệt là nhóm người vẫn hút thuốc dù đã biết nguy hại.
Với đối tượng học sinh, sinh viên, cần sự quan tâm, giám sát từ phía nhà trường và đặc biệt là gia đình. Các em đang ở độ tuổi thích khám phá, thích thể hiện bản thân, thậm chí là chống đối thầy cô và cha mẹ, nên việc nhắc nhở, khuyên bảo cần được thực hiện khéo léo, kiên trì.
Chương trình giáo dục trong nhà trường cũng cần thường xuyên cập nhật kiến thức mới, trang bị cho học sinh kỹ năng “chống đỡ” các thông điệp mời gọi từ internet hay bạn bè.
Không chỉ quan tâm giám sát người thân, mỗi người cũng cần lên tiếng trước hành vi hút thuốc nơi công cộng, cùng chia sẻ kiến thức với cộng đồng và tố giác hành vi phạm tội. Chỉ khi có sự “nhận diện” đầy đủ và chung tay thực hiện từ cả cơ quan quản lý đến mỗi người dân, thì thuốc lá điện tử nói riêng và thuốc lá nói chung mới không còn bủa vây cộng đồng./.