Thương tiếc tiễn đưa Thiếu úy Phạm Đức Trung về nơi an nghỉ
VOV.VN - Thiếu úy Phạm Đức Trung đã hy sinh để lại nhiều tiếc thương trong lòng đồng chí, đồng đội.
Sáng nay (27/8), tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên, Trường Sỹ quan Không quân tổ chức Lễ tang Thiếu úy Phạm Đức Trung, học viên phi công Trung đoàn 910 theo nghi thức Lễ tang quân đội. Thiếu úy Phạm Đức Trung đã hy sinh để lại nhiều tiếc thương trong lòng đồng chí, đồng đội.
Vào lúc 8h45 hôm qua (26/8), Thiếu úy Phạm Đức Trung, học viên đào tạo phi công quân sự khóa 41, Phi đội 1, trung đoàn 910, Trường Sỹ quan Không quân đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu. Tại lễ tang, Trung tướng Lê Huy Vịnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân đã trao quyết định truy phong quân hàm Thiếu úy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho đại diện gia đình Thiếu úy Phạm Đức Trung.
Thiếu úy Phạm Đức Trung sinh ra và lớn lên tại Khu tập thể Trường Sỹ quan Không quân, ở đường Trần Phú, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Bố là Trung tá Phạm Đức Thuận, Trưởng Ban Thông tin, Trường Sỹ quan Không quân. Nhà Trung nằm trong 1 con hẻm nhỏ trên đường Trần Phú, sát sân bay Nha Trang. Gần nhà là Trường Sỹ quan Không quân, nơi đào tạo phi công quân sự cho nước ta và một số nước khác.
Thương tiếc tiễn đưa Thiếu úy Phạm Đức Trung hy sinh khi huấn luyện bay chiến đấu. |
Từ nhỏ, Trung đã quen với những âm thanh gầm rít của động cơ máy bay phản lực, thấy những chiếc máy bay huấn luyện của Trường Sỹ quan Không quân bay lượn trên bầu trời; thấy các anh, các chú phi công lái máy bay, cậu bé con nhà lính cũng ao ước một ngày được bay lên làm chủ bầu trời. Sau khi học xong Trung học phổ thông, Phạm Đức Trung dự thi và trúng tuyển phi công quân sự, trường Sỹ quan Không quân.
Suốt 4 năm học vừa qua, từ giai đoạn huấn luyện, học tập tại thành phố Nha Trang hay ra bay máy bay phản lực L39 tại sân bay Tuy Hòa, Trung luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trung là một trong những học viên phi công bay tốt nhất của khóa 41.
Dự kiến cuối năm nay, Trung sẽ tốt nghiệp ra trường trở thành phi công quân sự.
Thiếu tá Hoàng Trung Sơn, cán bộ Trung đoàn 910 nói về đồng đội của mình: “Học viên Trung quá trình phấn đấu rất tốt. Đây là một nghề rất nguy hiểm. Trung tình nguyện, học và phấn đấu thi vào để trở thành phi công”.
Từ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa ra thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên để đưa di hài Thiếu úy Phạm Đức Trung về Nha Trang, Thượng tá Lê Minh Đức, Nguyên cán bộ Trường Sỹ quan Không quân cùng nhiều người khác không khỏi ngậm ngùi, thương tiếc người đồng chí của mình.
Thượng tá Lê Minh Đức, người biết Trung từ khi còn rất nhỏ kể lại: Qúa trình đào tạo phi công đòi hỏi thể lực khỏe, bản lĩnh vững vàng, kỹ thuật khéo léo và kỷ luật cao Trung đều vượt qua. Vốn thông minh, chăm chỉ, Trung luôn được nhiều người kỳ vọng sẽ trở thành một phi công giỏi, hoặc được giữ lại trường tiếp tục làm giảng viên.
Thượng tá Lê Minh Đức cho biết, khi máy bay gặp sự cố về máy, phía trước là đường dây điện cao thế và một số cột điện, Trung đã bình tĩnh, khéo léo lái máy bay lách qua đường dây này để tránh những thiệt hại khủng khiếp có thể xảy ra: “Khi máy bay xuống độ cao rồi, tránh hai cột điện hai bên. Phi công đã bình tĩnh xử lý tránh đường điện cao thế, đâm vào cột điện cao thế thì hệ thống cột điện cao thế đổ và hư. Uy hiếp an toàn rất lớn, rất nguy hiểm. Máy bay đã chui tọt qua đấy rồi vướng dưới đường Quốc lộ 1, đâm vào dải phân cách và máy bay quay đầu ngược lại. Trung đã cố gắng xử lý để cứu máy bay. Nếu không trúng dải phân cách thì máy bay không việc gì, người sống”.
Khi máy bay gặp sự cố, Trung được lệnh của Chỉ huy bỏ máy bay, nhảy dù để thoát nạn. Thế nhưng, Trung đã cố gắng điều khiển để đưa máy bay về sân bay nhằm bảo vệ tài sản của Nhà nước, đồng thời tránh được những thiệt hại khi đâm vào những khu dân cư gần đó.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết: “Máy bay đã trục trặc kỹ thuật, được lệnh nhảy dù để bảo vệ tính mạng. Học viên này đã cố gắng đưa máy bay về sân bay, tránh thiệt hại cho mặt đất. Chúng tôi đánh giá rất cao hành động hy sinh của học viên. Đó là minh chứng rõ nét, cụ thể nhất về quá trình đào tạo rèn luyện của học viên Không quân, một người lính Không quân”.
Ước mơ bay làm chủ bầu trời của Trung dang dở. Cuộc đời chàng phi công trẻ cũng đã khép lại khi tuổi đời còn rất trẻ. Tấm gương hy sinh của Thiếu úy Phạm Đức Trung in trong lòng đồng chí, đồng đội./.