Thưởng tiền khi sinh con một bề toàn gái: Ý kiến ủng hộ là “50/50“
VOV.VN -Chính sách thưởng tiền khi sinh một về là con gái sẽ đi vào thực tiễn nếu được phần lớn người dân ủng hộ và được đưa vào văn bản pháp quy.
Dự thảo Luật Dân số sửa đổi do Bộ Y tế xây dựng đã đưa ra một trong những giải pháp nhằm bảo đảm về cân bằng giới tính khi sinh, đó là hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh toàn con gái, hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội. Trên thực tế, đề xuất này đã nhận được ý kiến nhiều chiều từ dư luận.
Có luồng ý kiến cho rằng, hỗ trợ tiền cho gia đình sinh con một bề toàn con gái là khuyến khích, động viên, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và xã hội cần ghi nhận. Trong khi đó, nhiều người cho rằng thưởng tiền, dù nhiều hay ít, cũng sẽ không thể ngăn được “cơn khát” con trai đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân, đồng thời khoét sâu vào định kiến nam – nữ.
Đề xuất thưởng tiền khi sinh con một bề là gái nhận được ý kiến trái chiều |
Ý kiến dư luận là “50/50”
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) khẳng định đến nay, đây là chỉ là đề xuất, còn việc có đưa được chính sách này vào thực tế cuộc sống hay không phải đáp ứng thêm 2 điều kiện. Thứ nhất, phải được nhiều người ủng hộ, vì theo dư luận hiện nay là “50/50”, có người ủng hộ, có người không. Thứ hai, ý kiến ủng hộ phải trở thành những văn bản pháp quy.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, trong hệ thống chính sách của chúng ta rất khó tìm ra chính sách chỉ có mặt phải, không có mặt trái. Chính sách nào cũng có điểm hay, dở, nhưng cái chính là đối với giai đoạn này, chúng ta phát huy được cái hay nhiều hơn. Đến một lúc nào đó mặt hay ít đi, thì chúng ta phải thay đổi. Đó là cách làm chính sách của bất kỳ quốc gia nào.
Đối với chính sách nởi lỏng, trao quyền quyết định số con cho các cặp vợ chồng “đẻ thoải mái”, ông Nguyễn Văn Tân cho biết: Chúng ta chưa bao giờ cấm mọi người và chưa bao giờ quy định phải sinh mấy con. Trong luật hay tất cả các văn bản quy phạm pháp luật đều không có bất kỳ một dòng, chữ nào quy định một cặp vợ chồng phải sinh mấy con, nếu không thực hiện thì có chế tài nào đó xử phạt, trừ đối với đảng viên. Còn đối với người dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thực hiện theo đúng nguyên tắc đảm bảo tính tự nguyện về quyền sinh đẻ của phụ nữ nói riêng, cũng như của các cặp vợ chồng nói chung.
“Chúng ta vận động thực hiện mỗi cặp vợ chồng dừng lại ở hai con để nuôi để nuôi, dạy cho tốt. Đến nay, khẩu hiệu này về cơ bản không thay đổi gì lớn. Hiện khẩu hiệu có thay đổi chút ít, đó là “mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con” làm chuẩn, để từng địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể điều chỉnh cho phù hợp. Có địa phương tiếp tục giữ nguyên, nhưng có nơi đề nghị “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” với mục tiêu cố gắng duy trì cho được mức sinh thay thế. Nếu “nói cho tròn” là mỗi phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ có 2 con và duy trì mức sinh này càng lâu càng tốt” – ông Nguyễn Văn Tân nói.
Sinh đủ 2 con là trách nhiệm với đất nước
Theo Bộ Y tế, năm 2006, Việt Nam đạt mức sinh thay thế và đã duy trì liên tục trong gần 10 năm qua. Tuy nhiên, mức sinh còn rất khác biệt giữa các vùng miền, tỉnh thành phố. Có những nơi mức sinh đã xuống thấp như một số tỉnh/TP vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; trong khi các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, mức sinh còn rất cao.
Bên cạnh đó, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động. Sự chênh lệch về cơ cấu dân số, giới tính sẽ dẫn đến thảm họa là khoảng 15 – 20 năm nữa, Việt Nam sẽ thiếu hụt hàng triệu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Điều này dẫn đến thực trạng kết hôn sớm, bạo lực giới, tội phạm liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới… tác động rất lớn đến đời sống an sinh xã hội.
Trước đó, trao đổi với PV, ông Lê Cảnh Nhạc, Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình nhấn mạnh, việc sinh đẻ của người dân theo chủ trương, tinh thần cuộc vận động dân số là sinh con với trách nhiệm đối với đất nước, với gia đình, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đây là vấn đề nhạy cảm, cho nên tất cả các ban ngành, đoàn thể, hệ thống chính trị vào cuộc để vận động người dân thay đổi, nâng cao nhận thức theo tinh thần đó.
Theo đánh giá, nếu như mức sinh của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 2,3 – 2,5 con thì đến năm 2050, dân số Việt Nam là 140 triệu người; mật độ dân số lúc đó là 400 người/1 km2. Hiện nay mật độ dân số nước ta là 272 người/1 km2, xếp vào hàng những nước có mật độ dân số cao nhất thế giới, gấp 7 lần chuẩn của Liên Hợp Quốc khuyến cáo về đảm bảo an ninh lương thực, gần gấp đôi Trung Quốc./.