Thượng tọa Thích Đức Thiện: Các tôn giáo ở Việt Nam luôn chung sống hòa bình
VOV.VN - Việt Nam là đất nước luôn yêu chuộng hòa bình, đoàn kết là sức mạnh của Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử, các tôn giáo ở Việt Nam luôn chung sống hòa bình.
Đại hội lần thứ VII lãnh đạo các tôn giáo thế giới và truyền thống bàn giải pháp cho xã hội hậu COVID-19, chấm dứt bạo lực, chiến tranh, nghèo đói và biến đổi khí hậu.
Đại hội diễn ra trong hai ngày 14-15/9/2022 tại thủ đô Nur - Sultan, Cộng hòa Kazakhstan do Chính phủ Kazakhstan tổ chức, với sự tham dự của hơn 100 phái đoàn lãnh đạo các tôn giáo thế giới và truyền thống đến từ 60 quốc gia, cùng hơn 3.000 tín đồ đến từ các quốc gia như Kazakhstan, Uzbekistan, Mông Cổ, Kyrgyzstan, Nga và các nước lân cận.
Đại hội năm nay đưa ra chủ đề vai trò của lãnh đạo các tôn giáo thế giới và truyền thống đối với nhân loại sau đại dịch COVID-19; thúc đẩy sự đoàn kết, hợp tác giữa các tôn giáo nhằm chấm dứt bạo lực, xung đột, chiến tranh, nghèo đói và biến đổi khí hậu.
Các đại biểu tập trung thảo luận theo 4 chủ đề: Vai trò của các tôn giáo trong việc củng cố các giá trị tinh thần và đạo đức trên thế giới; Vai trò của giáo dục đối với sự hòa hợp giữa các tôn giáo và văn hóa; Đóng góp của lãnh đạo các tôn giáo trong việc thúc đẩy hòa bình; Đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển hạnh phúc con người và phát triển bền vững xã hội.
Tham dự Đại hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN có bài phát biểu tham luận xác định vai trò của lãnh đạo các tôn giáo và truyền thống trong việc chung tay giải quyết các vấn đề của nhân loại hiện nay; Kêu gọi tăng cường sự đoàn kết và hợp tác giữa các tôn giáo, thúc đẩy lòng bao dung, lòng từ bi và tình thương để chăm lo cho nhân loại sau đại dịch; Tăng cường sự đối thoại và hiểu biết lẫn nhau để tìm giải pháp chấm dứt bạo lực xung đột, chiến tranh, khủng bố, nghèo đói và chung tay chống biến đổi khí hậu, dịch bệnh.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng khẳng định, Việt Nam là đất nước luôn yêu chuộng hòa bình, đoàn kết là sức mạnh của Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử, các tôn giáo ở Việt Nam luôn chung sống hòa bình. GHPGVN trong tất cả các hoạt động của mình luôn phát huy tinh thần hòa hợp với tất cả các truyền thống và tôn giáo, tạo nên sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, đại dịch, và luôn là người bạn tốt của tất cả các tổ chức tôn giáo của các nước trên thế giới.
Bế mạc Đại hội, các đại biểu đã thông qua bản tuyên bố chung gồm 35 điều, khẳng định tầm quan trọng của sự chia sẻ giá trị chung trong quá trình phát triển văn minh, văn hóa, tâm linh tôn giáo và xã hội của nhân loại. Trong điều kiện nhân loại đang ở giai đoạn hậu COVID-19, quá trình phát triển toàn cầu hóa, xuất hiện nhiều đe dọa an ninh, thì hơn bao giờ hết cần phải phát huy vai trò quan trọng của lãnh đạo các tôn giáo và truyền thống trong việc thúc đẩy thực hiện các nỗ lực tăng cường sự đối thoại, hợp tác vì hòa bình, thúc đẩy giá trị đạo đức tâm linh tôn giáo vì nhân loại./.