Thủy điện La Hiêng 2 không có chức năng cắt lũ?

VOV.VN - Chỉ sau mấy giờ đồng hồ mưa, nhiều vùng của huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên nhanh chóng bị nước lũ nhấn chìm. Người dân địa phương ngỡ ngàng không hiểu vì sao mưa không lớn nhưng nước lũ lên quá nhanh. Còn lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho rằng, thủy điện La Hiêng 2 ở phía thượng nguồn gần như không có chức năng cắt lũ. 

Sáng nay (13/11), gần 3 ngày sau trận lũ lịch sử, người dân huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên mệt mỏi dọn dẹp nhà cửa. Vừa dọn quét bùn non, vừa sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, nhiều người dân bày tỏ bức xúc khi chưa hiểu vì sao nước lũ lên nhanh.

Ngày 10/11, bão số 12 đổ bộ vào đất liền, mực nước sông Kỳ Lộ chảy qua huyện Đồng Xuân lên chậm, nhiều người còn ra ven sông xem con nước. Bữa đó, mưa cũng không quá to nhưng đến cuối giờ chiều nước sông bắt đầu dâng nhanh, cơn lũ hung dữ tràn vào các khu dân cư, ngập đường phố, vào nhà. Mọi người không kịp dọn đồ đạc lên cao và chừng 2 tiếng đồng hồ sau, nhiều ngôi nhà bị ngập sâu đến 1m. 

Bà Nguyễn Thị Nhị, ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân kể lại: "Chiều đó còn đi chơi hết, không có dọn đồ gì hết, không có mưa to như mọi lần mà không biết nước ở đâu? Nó tràn vô dọn đồ không kịp. Thấy lạ, lúc 5h nước vô, người bưng, người hốt đồ không kịp. Tới bụng thì mình phải bỏ, mình lên chứ làm sao ở đây nữa? Còn cái nào ướt mặc kệ".

Nước lũ lên nhanh bất ngờ đã làm ngập gần 5 ngàn ngôi nhà ở 11/11 xã, thị trấn của huyện Đồng Xuân. Thị trấn La Hai là nơi bị ngập nặng nhất, với gần 1.200 căn nhà chìm trong lũ. Nhiều nhà bị ngập sâu từ 2-3m. Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, nước lũ lên trên mức báo động 3 là do lượng nước từ thượng nguồn đổ về. Hơn 10 năm từ sau trận lũ lịch sử năm 2009 đến nay, Đồng Xuân mới hứng chịu một trận lũ lớn như vừa qua. Thời điểm nước lũ về, huyện Đồng Xuân bị cắt điện nên chỉ liên lạc, thông báo qua điện thoại đến các địa phương.

"Nước dồn trên xổ xuống thủy điện La Hiêng 2 cộng với cái hồ Phú Xuân dưới đây, nhập lại, vùng hạ lưu dân bị thiệt. Nước nó lớn nhanh quá, chỉ có khu vực thị trấn là biết thôi, chứ mấy chỗ kia thì gởi bằng văn bản. Điện cũng không, nói chung mất hết, hệ thống liên lạc mình không liên lạc được. Điện thoại thì lúc có, lúc không, hết pin", Ông Phạm Trung Chánh nói.

Nhiều người dân cho rằng, Nhà máy thủy điện La Hiêng 2, tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, đặt trên sông La Hiêng, thượng nguồn sông Kỳ Lộ xả lũ gây ngập nhanh. Nhà máy này chỉ có công suất 18 MW nhưng ngày 10/11 xả lũ với lưu lượng rất lớn. Cụ thể, lúc 9h30 sáng, xả về hơn 340 m3/ giây; đến 13h, thủy điện này vẫn xả 400 m3/ giây nhưng chỉ 1 tiếng 45 phút sau đó, lượng nước xả tăng hơn hơn 3 lần, đạt 1377m3/ giây. Lượng xả kiểu này kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ và giảm dần đến 22h còn hơn 240 m3/ giây. 

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, thủy điện La Hiêng 2 gần như không có chức năng cắt lũ trong đợt lũ vừa qua: "Dốc cao không có hồ trữ nước, mưa từ lâu nay rồi, khả năng ngậm nước của đất không còn nữa. Cho nên có bao nhiêu thì đi hết bấy nhiêu. Đối với thủy điện La Hiêng 2 gần như không có chức năng cắt lũ, nó có đập nhưng không có đập dâng, bụng hồ chứa rất bé nên tác dụng cắt lũ gần như không có"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên gượng dậy sau lũ lớn
Huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên gượng dậy sau lũ lớn

VOV.VN - Mực nước lũ trên sông Kỳ Lộ, chảy qua huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đã rút. Sau trận lũ lớn vừa qua, chính quyền và người dân địa phương khẩn trương khôi phục sinh hoạt, sản xuất.

Huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên gượng dậy sau lũ lớn

Huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên gượng dậy sau lũ lớn

VOV.VN - Mực nước lũ trên sông Kỳ Lộ, chảy qua huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đã rút. Sau trận lũ lớn vừa qua, chính quyền và người dân địa phương khẩn trương khôi phục sinh hoạt, sản xuất.