Thuỷ lợi Krông Pách Thượng khiến dân mất lòng tin nghiêm trọng

VOV.VN -8 năm trôi qua, công trình vẫn dở dang đình trệ. Nguyên nhân là do không giải phóng được mặt bằng.

Thuỷ lợi Krông Pách Thượng (Đắc Lắc) khởi công vào tháng 6/2010, dự kiến sau 5 năm xây dựng sẽ hoàn thành. Thế nhưng đã 8 năm trôi qua, công trình vẫn dở dang đình trệ. Nguyên nhân là do không giải phóng được mặt bằng.

Bà con thôn 15 chờ.... tin di dời.

Để công trình tiếp tục thi công, có 771 hộ, trong đó có 670 hộ vùng lòng hồ với 3.855 khẩu phải di dời. Chưa có vốn để đền bù, nhưng việc kiểm đếm tài sản, đất ở, đất sản xuất đã tiến hành. Điều này khiến cho việc sản xuất cũng như đời sống của những gia đình này bị đình trệ. Họ không được làm nhà kiên cố, không được trồng cây lưu niên, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thậm chí các công trình giao thông, trường học, trạm y tế  bao nhiêu năm nay không được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đời sống của người dân nơi đây gặp khó khăn, túng quẫn.

Thôn 15 xã Cư Yang, huyện Ea Kar tỉnh Đắc Lắc có 64 hộ. Ông Nông Văn Sơn, trưởng thôn 15 cho biết: Năm 1987, ông và một số gia đình đến đây khai hoang lập nghiệp. Hầu hết các gia đình đã có cuộc sống ổn định, có ruộng nước, có vườn cây công nghiệp, một số đã xây dựng nhà kiên cố. Từ năm 2012, thôn được thông báo là phải di dời để xây dựng công trình thuỷ lợi. Việc kiểm đếm, đo đạc nhà cửa, vườn cây phục vụ cho công tác đền bù đã hoàn tất từ lâu. Người dân  chỉ đợi ngày nhận tiền đền bù để di chuyển ra vùng tái định cư. Giữa năm 2017 bà con thôn 15 đã đến khu tái định số 1 xã Cư Elang bốc thăm đất ở, nhận đất sản xuất. Không hiểu vì lý do gì, việc di dời cứ lần lữa lùi lại. Ngừng sản xuất nên nhiều gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn, thiếu thốn mọi thứ.

Ông Nông Văn Sơn cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, hàng tháng mỗi người dân trong thôn được huyện hỗ trợ 15 kg gạo và một số thực phẩm thiết yếu để tạm sống qua ngày. “Thôn 15 này từ năm 2015 đến giờ không làm được cái gì cả rồi. Bây giờ trâu bò bán hết rồi, heo nái cũng bán hết rồi. Các loại cây lâu năm cũng không chăm sóc nữa rồi”

Ngày 24/1/2018, Sở TN-MT tỉnh Đắk Lăk có công văn  số 192/STNMT-CCQLĐĐ, gửi UBND huyện Ea Kar, đề nghị: Tạm thời chưa thực hiện việc chi trả bồi thường, hỗ trợ và di dân tái định cư 64 hộ, thôn 15 xã Cư Yang. Nguyên nhân dẫn đến việc tạm dừng việc bồi thường di chuyển là do một số hạng mục về đền bù chưa thống nhất trong việc áp dụng khung giá. Mặc khác, số liệu thống kê kiểm đếm  tài sản, vườn tược ở đây chưa đúng với thực tế.

Theo thống kê của  Trung tâm Phát triển Quỹ đất  Đắk Lăk, chi nhánh Ea Kar thì 64 hộ dân ở thôn 15 có 1.605 thửa đất, tổng diện tích là 177 ha. Nhiều diện tích đất trong số 177 ha này chồng lấn lên diện tích đất rừng của lâm trường Ea Kar. Trong đó một số đã biến thành vườn cây công nghiệp.

Ông Nông Văn Ký là giáo viên, đảng viên sinh sống lâu năm ở thôn 15 thừa nhận rằng: việc bà con trong thôn phá rừng làm rẫy và trồng cây công nghiệp là có, nhưng đã diễn ra từ lâu năm rồi. Một thực tế nữa là khi nghe tin sẽ được đến bù di dân lòng hồ, một số người đã trồng thêm cây công nghiệp. Nhưng ông Ký khẳng định là người dân trong thôn không lấn đất rừng của lâm trường Ea Kar.

“Dân chúng em là dân làm nông. Thì chỗ nào mình cứ phát, cứ làm. Mà không hề thấy cơ quan hay đoàn thể nao xuống nhắc nhở là chỗ này đất lâm trường này, hay chỗ này chỗ kia là anh đã vi phạm. Mà từ xưa đến nay cũng không có cuộc họp nào  với dân để lập biên bản là từ ranh giới này trở lên thuộc về lâm trường, từ đây trở xuống là của dân.”

Cư San, huyện M’Drak là xã có số hộ ảnh hưởng vùng lòng hồ nhiều nhất, với 620 hộ, trên 3.100 khẩu ở các thôn 9, thôn 10 và thôn 11 phải di dời. Ông Giàng Seo Tráng ở thôn 11 xã Cư San cho biết: Gia đình ông đã lập nghiệp ở đây từ năm 1998. Hiện ông có 10 ha đất đã trồng rừng, 2 ha đất trồng cây lương thực, và 8 sào ruộng nước. Nhà kiên cố, vườn tược đầy đủ, nhưng 5 năm lại đây mọi công việc của gia đình phải tạm gác lại. Ngay cả việc con cái đã trưởng thành lập gia đình muốn tách hộ lập vườn cũng không thể tiến hành.

Ông Giàng Seo Tráng cho biết: hầu hết bà con trong thôn đều thống nhất thực hiện di dời để làm thủy lợi, vì đây là chủ trương đúng, mang lại lợi ích lâu dài cho nhiều người trong vùng.

"Vấn đề đắp lòng hồ, đắp hồ, chủ trương của Nhà nước là phù hợp  tình hình phát triển kinh tế của đất nước, của tỉnh và toàn dân. Nhưng  phải xem xét thế nào, tính toán thế nào để khu tái định cư phải đảm bảo cuộc sống lâu dài của bà con.”

Ông Tráng cho biết ông và cán bộ thôn đã đến  khu tái định cư ở thôn 1 xã Cư Elang, huyện Ea Kar. Tuy nhiên nơi tái định cư là vùng đất cằn cỗi, không thể sản xuất nông nghiệp được. Ông Tráng và nhiều người dân thôn 11 mong muốn là được nhận tiền đền bù, rồi sẽ tự đi mua vườn nơi khác sinh sống, chứ không sống ở vùng tái định cư Cư Elang.

Ông Võ Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Cư San cho biết từ năm 2012 người dân ở 3 thôn 9, 10 và 11 của xã Cư San được thông báo sẽ phải di dời vì cả 3 thôn này sẽ bị ngập toàn bộ khi đập Krông Pách Thượng chặn dòng tích nước. Hơn 5 năm qua, mọi hoạt động sản xuất, xây dựng hạ tầng ở đây đều ngưng trệ. Hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế không được đầu tư sửa sang nâng cấp. Chính vì vậy đến nay xã Cư San chỉ mới đạt 5 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 “Việc giải phóng đền bù đối với 3 thôn địa bàn xã Cư San  triển khai rất chậm, ảnh hưởng đến đời sống cũng như sản xuất phát triên kinh tế trên địa bàn. Vì vậy đề nghị Trung ương, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Đắk Lăk triển khai dự án nhanh để cho bà con có một định hướng phát triển kinh tế lâu dài, an tâm sản xuất”

Sau khi cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng khu tái định cư số 1, thôn 1 xã Cư Elang, cuối năm 2017 Trung tâm phát triển Quỹ đất Đăk Lăk chi nhánh huyện Ea Kar đã bàn giao toàn bộ “Hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư thuộc dự án Hồ Chứa nước Krông Pách Thượng” lên cấp tỉnh quản lý. Đơn vị tiếp quản là Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình giao thông và Nông nghiệp Phát triển Nông thôn  Đắk Lăk.

Ông Phạm Văn Hạ, giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình giao thông và NN-PTNT  Đắk Lăk cho biết: Đơn vị đã  tham mưu để UBND tỉnh Đăk Lăk có tờ trình lên Chính phủ để trình lên Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh “Hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư thuộc dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng”. Theo tờ trình này, tổng mức đầu tư điều chỉnh hợp phần di dân vùng lòng hồ và tái định cư lên đến 2.465 tỷ đồng, gấp hơn 13 lần so với 180 tỷ đồng số vốn ban đầu.

Công trình thuỷ lợi Krông Pách Thượng có tiếp tục thi công hay không, việc điều chỉnh dự án sẽ ra sao người dân vẫn còn phải mòn mỏi chờ đợi câu trả lời của các đơn vị và cơ quan chức năng. Nếu dự án cứ dậm chân tại chỗ, đời sống người dân sẽ tiếp tục bấp bênh thì một dự án tưởng rằng sẽ mang đến biết bao kỳ vọng cho đổi thay ở vùng đất còn nhiều khó khăn này thì lại sẽ làm khó người dân. Và thực tế đã và đang hiển hiện một điều: Đập đắp trên mây, dưới vùng lòng hồ, lòng dân đang rạn nứt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bình Thuận: Chưa khắc phục được sự cố sập cầu máng thủy lợi
Bình Thuận: Chưa khắc phục được sự cố sập cầu máng thủy lợi

VOV.VN - Công trình cầu máng thủy lợi sông Dinh 3 vẫn chưa được khắc phục, nên nước không dẫn về được khu vực hạ du để nông dân sản xuất.

Bình Thuận: Chưa khắc phục được sự cố sập cầu máng thủy lợi

Bình Thuận: Chưa khắc phục được sự cố sập cầu máng thủy lợi

VOV.VN - Công trình cầu máng thủy lợi sông Dinh 3 vẫn chưa được khắc phục, nên nước không dẫn về được khu vực hạ du để nông dân sản xuất.

Đại biểu Quốc hội bức xúc khi dòng sông thủy lợi trở thành “thủy hại“
Đại biểu Quốc hội bức xúc khi dòng sông thủy lợi trở thành “thủy hại“

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho rằng, những dòng sông cổ ở Hà Nội vốn là nguồn cung cấp nước sông thủy lợi lớn bao đời nay giờ đã trở thành "thủy hại".

Đại biểu Quốc hội bức xúc khi dòng sông thủy lợi trở thành “thủy hại“

Đại biểu Quốc hội bức xúc khi dòng sông thủy lợi trở thành “thủy hại“

VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho rằng, những dòng sông cổ ở Hà Nội vốn là nguồn cung cấp nước sông thủy lợi lớn bao đời nay giờ đã trở thành "thủy hại".