Tích cực phòng chống lũ tại Thanh Hoá, Nghệ An

Công diện Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương gửi Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

Từ ngày 9 đến sáng 12/9, ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An đã có mưa to đến rất to. Tính đến 7h sáng 12/9, lượng mưa đo được phổ biến từ 200 - 300 mm, một số nơi mưa lớn hơn ở Thanh Hoá như: Như Xuân 332 mm, TP Thanh Hoá 395 mm, Sầm Sơn 442 mm, Cửa Đạt 382 mm, Tĩnh Gia 677 mm; Nghệ An: Tây Hiếu 427 mm, Quế Phong 357 mm, Quỳ Hợp 356 mm, Nam Đàn 356 mm.

Trong vài ngày tới vẫn tiếp tục có mưa. Lũ trên các sông đang lên, trưa 12/9, mực nước sông Cả tại Dừa có khả năng lên mức 22,5 m (báo động 2); đêm 12/9 mực nước tại Nam Đàn lên mức 6,9m (báo động 2). Phần lớn các hồ chứa đã đạt mực nước bình thường, một số hồ xả tràn.

Để chủ động các biện pháp phòng chống mưa, lũ đảm bảo an toàn tính mạng tài sản của Nhà nước, nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An:

1. Triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác theo quy định, đảm bảo an toàn tuyệt đối hệ thống đê điều, đặc biệt đối với các khu vực trọng điểm.

2. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối hạ lưu các hồ, đập vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn. Tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ.

3. Khẩn trương và bằng các biện pháp có thể để tiêu úng cho lúa và hoa màu nhằm giảm thiệt hại do ngập úng gây ra.

4. Kiểm tra các công trình đang thi công; rà soát lực lượng, vật tư, phương tiện dự trữ để sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời với các sự cố do mưa lũ gây ra.

5. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thực hiện vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạ du, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý kịp thời các sự cố đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình.

6. Duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu.

7. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng chống lũ, nắm vững thông tin và báo cáo về Ban Chỉ đạp phòng chống lụt bão Trung ương và Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên