Tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước đến đồng bào dân tộc
VOV.VN - Cách đây 30 năm, Ban Dân tộc (VOV4), Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) được thành lập với nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước.
Cách đây 30 năm, Ban Dân tộc (VOV4), Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) được thành lập với nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước, trong đó có nhiệm vụ "Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Thực hiện sứ mệnh của mình, suốt chặng đường qua, các chương trình phát thanh dân tộc đã phản ánh, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời sâu rộng, đúng định hướng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các sự kiện, vấn đề liên quan đến dân tộc thiểu số tới đồng bào trong cả nước, góp phần thực hiện chủ trương truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... (Dự án 10) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Qua đó góp phần tích cực, hiệu quả trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân góp phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Tròn 3 thập kỷ ra đời Ban Dân tộc (VOV4) Đài TNVN đã khẳng định, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, không chỉ thể hiện tính chủ động trong việc nâng tầm Đài tiếng nói Việt Nam mà còn mang ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc trong bối cảnh đất nước đang trên đà đổi mới.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, trong xây dựng và phát triển đất nước; năm 1993, Đài TNVN quyết định thành lập Ban Dân tộc. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, không chỉ thể hiện tính chủ động trong việc phát triển tầm vóc của Đài tiếng nói Việt Nam mà còn mang ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc trong bối cảnh đất nước đang trên đà đổi mới.
Chức năng, nhiệm vụ chính của Ban Dân tộc được Lãnh đạo Đài TNVN giao là đầu mối tổ chức, quản lý điều hành, sản xuất các chương trình phát thanh dân tộc thiểu số của Đài, nhằm tuyên truyền có hệ thống chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề dân tộc; phản ánh toàn diện đời sống, kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, các chương trình phát thanh là diễn đàn để người dân ở miền núi, vùng cao, cả những người dân sinh sống ở những nơi sâu xa nhất, hẻo lánh nhất, khó khăn nhất của đất nước được bày tỏ suy nghĩ, chính kiến của mình với Đảng, Nhà nước. Chặng đường 30 năm với biết bao gian nan, thử thách, nhưng từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Đài Tiếng nói Việt Nam, từ nhiệt huyết của cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên, Ban Dân tộc không ngừng lớn mạnh và khẳng định vị trí của mình, là trụ cột quan trọng trong chiến lược truyền thông của Đài TNVN.
Nhà báo Tạ Đức Toàn - Trưởng Ban Dân tộc, Đài TNVN cho biết: "Ba mươi năm là một bước phát triển vượt bậc của phát thanh Dân tộc, Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ khi mới thành lập, chúng ta chỉ phát một thứ tiếng là tiếng Mông, và chỉ phát trong 30 phút thôi. Cho đến nay, phát thanh dân tộc của Đài TNVN đã phát sóng 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số, và thời lượng phát sóng hàng ngày lên tới 30 giờ. Đó là một bước phát triển vượt bậc. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước, của Đài TNVN đã đầu tư rất lớn vào hệ thống phát thanh dân tộc để phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số của chúng ta".
Ngoài phát sóng 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số (là Khơ Me, Chăm, Mông, Thái, Dao, Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, K’Ho, M’Nông, Xê đăng, Cơ Tu và tiếng Tày-Nùng), với thời lượng 30 giờ hàng ngày; Ban Dân tộc còn có các chương trình phát thanh bằng tiếng Việt như: chương trình Dân tộc và phát triển, Đại gia đình các dân tộc Việt Nam, Kết nối 54, Tìm hiểu các dân tộc Việt Nam, Giao lưu văn hoá các dân tộc Việt Nam, Sắc màu dân tộc Việt Nam. Các chương trình này được phát trên các kênh sóng VOV1, VOV2. Và cách đây 10 năm, trang web VOV4.VOV.VN của Ban Dân tộc chính thức hoà mạng Internet, trở thành một thông tin điện tử có nhiều ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số nhất trong cả nước (gồm 13 trang bằng chữ và tiếng của các dân tộc thiểu số và 1 trang bằng tiếng Việt). Đây thực sự là một kho tư liệu lớn về văn hoá, xã hội, lịch sử của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, phục vụ đông đảo đồng bào dân tộc, quần chúng nhân dân, các nhà nghiên cứu…
Cùng với việc tăng thời lượng và số lượng ngôn ngữ dân tộc được phát sóng, thời gian qua, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã đầu tư rất lớn để nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng cường đầu tư lắp đặt các trạm phát sóng trên phạm vi cả nước. Đặc biệt tập trung đầu tư vào các vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Một trong những bước đột phá về cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng phát thanh dân tộc là năm 2015, Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư “Kênh phát thanh dân tộc Quốc gia”. Theo đó, Chính Phủ đầu tư để lắp đặt mới và nâng cấp toàn bộ hệ thống truyền dẫn phát sóng phục vụ phát thanh dân tộc trong phạm vi cả nước. Hơn ai hết, đồng bào các dân tộc càng thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với hết thảy mọi người.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung - Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tây Nguyên; và chị Lò Thị Yên - một người dân ở Sơn La khẳng định: "Thông qua việc truyền thông bằng tiếng mẹ đẻ, liên quan đến các chủ đề của VOV thì chúng ta thấy bà con ngày càng được nâng cao chất lượng sống của mình trong việc tiếp nhận về chính sách về chủ trương. Theo hiểu biết của tôi cũng như tôi với tư cách là một người Ê Đê, khi nghe tôi hiểu chúng ta truyền thống trên 75% các nội dung có hiệu quả nó tác động đến nhận thức cũng như là các hoạt động sinh hoạt văn hóa đời thường, trong đó có phát huy giá trị văn hoa bản địa”.
"Tôi thích nhất là chương trình Đài TNVN của tiếng Thái. Một là họ đưa lên việc đi nương đi rẫy, làm các ẩm thực, văn hoá văn nghệ. Tôi thích nhất là về văn hoá văn nghệ, múa xoè, các điệu múa của dân tộc Thái chúng tôi".
Trong nhiều năm qua, cán bộ, phóng viên Ban Dân tộc cùng Phòng Dân tộc các cơ quan thường trú trong nước đã nỗ lực vượt khó, sẵn sàng dấn thân tới những vùng đất nghèo khó, xa xôi nhất, những vùng đất phên giậu của Tổ quốc - nơi đang có hàng triệu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và công tác. Nguyễn Thu Hoà – Phóng viên phụ trách chuyên mục Biên giới xanh luôn dạt dào cảm xúc mỗi lần nhắc tới những chuyến lên biên giới của mình."Tôi cũng đã đến nhiều vùng biên giới. Những địa bàn khó khăn, nguy hiểm chính là rèn cho chúng tôi bản lĩnh nghề nghiệp, những tính cách quyết đoán, và đặc biệt là những tác phẩm mà không ở đâu có được".
Ban Dân tộc đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua đơn vị xuất sắc; được nhiều bộ ngành Trung ương và địa phương tặng Bằng khen trong công tác tuyên truyền và các lĩnh vực hoạt động khác. Chặng đường phía trước đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, đòi hỏi những người làm phát thanh dân tộc phải nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, trọng trách của mình.
Ông Đỗ Tiến Sỹ - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, chúng ta đứng trước yêu cầu của công cuộc đổi mới chung của đất nước, và cũng là sự đổi mới mạnh mẽ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi tin rằng, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục đúc rút những kết quả đã làm được trong thời gian qua, và tin rằng sẽ có sự kết hợp chặt chẽ với các cơ quan thường trú trong nước của chúng ta. Tuỳ từng đặc điểm khác nhau và ở từng vùng khác nhau, đều có những điểm rất mạnh trong chương trình phát thanh tiếng dân tộc. Vì vậy, tôi thấy Ban Dân tộc đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối thông tin chính xác, kịp thời, thường xuyên, liên tục, để lãnh đạo Đài kịp thời chỉ đạo chung trong toàn Đài. Tôi tin rằng, Ban Dân tộc với bản sắc của mình, với sự đổi mới, với tinh thần nhanh, nhạy bén, linh hoạt thì sẽ tiếp tục có những sản phẩm báo chí, và được khán thính độc giả yêu quý".
30 năm - dấu mốc quan trọng và thiêng liêng, khẳng định “Tiếng nói Việt Nam” trong lòng thính giả ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Những người làm truyền thông dân tộc lại tự hào nắm chắc tay nhau, cùng hướng tới một chặng đường mới, với mục tiêu “Đoàn kết - Bản sắc - Sáng tạo - Lan toả”…