Tịch thu xe máy vào đường cao tốc: Lại câu chuyện ý thức
VOV.VN - Nếu mỗi người ý thức được rằng tôn trọng luật là đảm bảo an toàn trước hết cho chính mình thì sẽ chẳng có những đề xuất như trên
Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia dự kiến sẽ đề xuất Chính phủ ban hành một nghị định cho phép tịch thu xe máy của những người cố tình đi vào đường cao tốc. Những xe thu được sẽ tiến hành bán đấu giá, toàn bộ số tiền thu được sẽ dành để ủng hộ người nghèo.
Theo các chuyên gia về luật, nếu xét ở góc độ luật pháp, rõ ràng kiến nghị này của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về quyền sở hữu cá nhân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nhưng với những người lái ô tô hàng ngày vẫn tìm cách tránh xe máy, người đi bộ xuất hiện trên đường dẫn, trên mặt đường cao tốc, dù quy định cấm đã có ngay từ khi tuyến đường chưa được đưa vào khai thác, thì có lẽ hỏi 100 người sẽ có đủ 100 người ủng hộ việc tịch thu xe máy hoặc phạt thật nặng những người tham gia giao thông vi phạm.
Không chỉ ở trên đường cao tốc mà ở tất cả các tuyến giao thông, ý thức của nhiều người tham gia giao thông - đặc biệt là người đi xe máy - còn rất kém. Chuyện dừng xe khi đèn đỏ sáng bị xe khác đâm vào đuôi xe mình, thậm chí còn bị chính người đã đâm vào xe mình mắng là “ngu” có lẽ cũng chẳng xa lạ gì với người tham gia giao thông ở đô thị. Rồi chuyện chở quá số người quy định trên xe máy, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đi vào đường cấm, chạy quá tốc độ quy định… xuất hiện ở nhiều nơi, từ thành thị đến nông thôn. Những chiếc xe máy cũ nát từ những năm 1970 (tính đến nay đã được gần nửa thế kỷ) vẫn được cải tạo để vận hành, thậm chí để chở hàng hóa gây nguy hiểm cho người sử dụng và cho cộng đồng…
Có nhiều ý kiến biện hộ rằng: việc một số người đi xe máy và đi bộ vẫn cố tình đi lên các tuyến đường cấm là vì họ chưa thực sự hiểu biết về pháp luật, chưa chú ý… Đây là những biện hộ rất vô lý! Vì sao có một số người khi tham gia giao thông phớt lờ mọi quy định của pháp luật, khi bị xử lý lại đổ lỗi cho khách quan và đòi hỏi lực lượng thực thi pháp luật phải “ưu ái” đối với mình?
Tất nhiên, những văn bản quy phạm pháp luật ban hành không được trái với Hiến pháp năm 2013 cũng như các luật có liên quan, nên chắc chắn Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cần nghiên cứu kỹ để đưa ra những quy định xử phạt thật nghiêm khắc những người và phương tiện vi phạm theo đúng tinh thần của Hiến pháp và pháp luật. Nhưng sẽ chẳng có quy định nào có thể đạt được hiệu quả quản lý thực sự nếu như người tham gia giao thông không có ý thức tốt.
Có thể, khi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nghiên cứu lại sẽ ra những quy định đúng Hiến pháp, đúng quy định của các luật liên quan, sẽ lại có những ý kiến trái chiều khác, vì không phải quy định nào ban hành cũng nhận được sự đồng thuận ngay từ đầu. Nhưng nếu như mỗi khi ngồi lên xe ô tô, xe máy, xe đạp hoặc thậm chí là đi bộ để tham gia giao thông, mỗi người trong chúng ta tự ý thức được rằng: tham gia giao thông đúng luật là đảm bảo an toàn trước hết cho chính mình, sau là cho những người xung quanh, thì có lẽ các cơ quan chức năng không cần phải ban hành những văn bản dưới luật để răn đe, chấn chỉnh./.