Tiêm thuốc an thần vào heo: Không để tình trạng “nhờn luật”
VOV.VN - Việc xử lý tiêu hủy lợn bị tiêm thuốc an thần ở TP HCM là sự cần thiết nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng, tránh để tình trạng “nhờn luật”.
Liên quan đến vụ tiêm thuốc an thần vào lợn mà cơ quan chức năng phát hiện tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi, TP HCM, đại diện lãnh đạo thanh tra chuyên ngành nông nghiệp cho biết, dự kiến trong tuần này, toàn bộ số lợn dương tính với thuốc an thần sẽ được cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng tiêu hủy.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vụ việc tiêm thuốc an thần vào lợn vừa được thanh tra chuyên ngành phối hợp với cơ quan chức năng của TP HCM phát hiện tại cơ sở giết mổ Xuyên Á ở huyện Củ Chi?
Ông Phạm Tiến Dũng: Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ về vụ việc này. Thủ đoạn sử dụng thuốc an thần lần này khác với những lần trước. Liên quan đến vấn đề này, năm 2015 Chi Cục Thú y TP HCM đã phát hiện 5 vụ, năm 2016 phát hiện 10 vụ, và 2017 phát hiện 4 vụ tiêm thuốc an thần. Ban đầu là tiêm thuốc an thần, bơm tiêm nước vào lợn để tăng trọng lượng, nhưng cuối năm 2016 và đầu năm 2017 lại xuất hiện tình trạng tiêm thuốc an thần để tạo màu đỏ cho thịt và làm giảm hao hụt khi giết mổ thì quá bất ngờ.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Chúng tôi cho rằng, việc này thể hiện “nhờn Luật”. Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu lãnh đạo Bộ ký ban hành văn bản gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu làm quyết liệt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Việc xử lý tiêu hủy lợn của TP HCM sau khi phát hiện vụ việc là cần thiết, thể hiện quyết tâm cao, có sức răn đe để sớm ngăn chặn tình trạng sử dụng thuốc an thần tiêm vào lợn, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
PV: Dư luận cho rằng, thời gian qua mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng, lực lượng thanh tra trong phát hiện xử lý vi phạm liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, tuy nhiên thực tế cho thấy, tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra. Vậy nguyên nhân này do đâu, thưa ông?
Ông Phạm Tiến Dũng: Để tình trạng này còn tồn tại thứ nhất là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Trong đó là cơ quan chuyên ngành chưa phối hợp quyết liệt, phát huy sức mạnh tổng lực của các lực lượng trong phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Mặt khác, thực phẩm lưu thông trên thị trường hiện nay không được kiểm tra tồn dư thuốc an thần trên thịt nên gây nhiều khó khăn trong việc quản lý. Chúng tôi nghĩ rằng, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, phải đưa nhanh áp dụng những phương pháp kỹ thuật như: phòng thí nghiệm được chỉ định, lấy mẫu kiểm tra về nước tiểu, máu, thịt trước khi đưa thực phẩm vào lưu thông trên thị trường, trang bị que thử nhanh để phát hiện xử lý vi phạm.
Việc làm này phải thực hiện theo chuỗi chứ không chỉ kiểm tra ở khâu giết mổ như hiện nay. Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, cần sớm áp dụng những phương pháp kỹ thuật để sớm phát hiện vi phạm. Tránh việc như hiện nay là thực phẩm đưa ra thị trường không quản lý, kiểm tra, kiểm soát được.
PV: Theo ông, chúng ta cần phải bổ sung chế tài như thế nào để chấm dứt tình trạng “nhờn luật”, tránh những vụ việc tương tự như vừa qua?
Ông Phạm Tiến Dũng: Trước hết cần nâng cao trách nhiệm của cán bộ giám sát giết mổ. Nghị định 90 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y đã nâng mức xử phạt lên từ 30 triệu đến 35 triệu, nhưng chúng tôi nghĩ rằng chưa đủ răn đe những người cố tình vi phạm. Cần “hình sự hóa” hoặc đưa mức phạt cao hơn, ngoài biện pháp khắc phục hậu quả phải tiêu hủy. Nếu như để cách ly, nuôi tiếp xong giết mổ sẽ gây khó khăn đối với cơ quan quản lý, không đủ sức răn đe. Biện pháp xử phạt bổ sung là đóng cửa lò mổ vi phạm. Việc làm này cần áp dụng đồng bộ, chứ nếu chỉ một vài nơi làm thì không khác gì “bắt cóc bỏ đĩa” rất khó ngăn chặn những hành vi tương tự.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!/.
Nỗi lo thịt lợn bị tiêm thuốc an thần đã tràn ra Hà Nội
Vụ 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần: Công tác quản lý còn lỗ hổng?