Tiền công đức tại cơ sở tín ngưỡng được sử dụng như thế nào?

Tiền công đức phải được công khai sử dụng cho việc tôn tạo các cơ sở tín ngưỡng, không phải là thu về cho riêng bất cứ cá nhân, tổ chức nào.

Chiều 12/4, tại Hà Nội, Bộ VH,TT&DL tổ chức hội thảo “Tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo tại các cơ sở tín ngưỡng”.

Tiền công đức phải được công khai sử dụng cho việc tôn tạo các cơ sở tín ngưỡng.

Hiện nay nước ta có hơn 40.000 cơ sở tín ngưỡng như: Đền, Chùa, Miếu… Mỗi năm có hàng nghìn lễ hội diễn ra với những quy mô lớn, nhỏ khác nhau, thu hút hàng triệu lượt người tham gia.

Thế nhưng, tại nhiều cơ sở tín ngưỡng vẫn tồn tại tình trạng lộn xộn, chưa đảm bảo không gian, cảnh quan nơi thờ tự; nhiều người lợi dụng lễ hội để tư lợi cho cá nhân, không ít nghi lễ chưa thực sự đúng với bản chất của tín ngưỡng; tình trạng lợi dụng lễ hội tổ chức hoạt động mê tín dị đoan, đánh bạc, xả rác bừa bãi, chặt chém du khách diễn ra ở nhiều nơi…

Hội thảo đề xuất cơ quan Nhà nước cần ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng tại các cơ sở tín ngưỡng.

Riêng vấn đề quản lý tiền công đức, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Hồng Quang- Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho rằng:  “Quản lý” tiền công đức không phải là thu về cho riêng bất cứ cá nhân, tổ chức nào mà phải cùng với các cơ sở tín ngưỡng để tổ chức hoạt động ấy tốt hơn, làm sao cho minh bạch và không bị lợi dụng.

Tiền công đức phải được công khai sử dụng cho việc tôn tạo các cơ sở tín ngưỡng. Chính đó là cách để thu hút người dân tiếp tục tài trợ, đóng góp vào các hoạt động văn hóa tín ngưỡng. Việc này nằm trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ VH,TT&DL.

Để làm được việc này cần có sự tham gia của các chủ cơ sở thờ tự và qua sự tham khảo ý kiến người dân trong cộng đồng và để lôi kéo họ vào cuộc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên