Tiền Giang long trọng kỷ niệm 240 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút
VOV.VN - Ngày 7/1, tại Tiền Giang diễn ra lễ kỷ niệm 240 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (20/1/1785 - 20/1/2025). Đến dự sự kiện này có các đại biểu nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, sỹ quan quân đội, đoàn cán bộ tỉnh Bình Định và đông đảo cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang địa phương.
Tại lễ kỷ niệm 240 năm Chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút, các đại biểu cùng ôn lại truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm hào hùng của ông cha ta, khẳng định thiên tài quân sự Nguyễn Huệ với lối đánh mưu trí, sáng tạo đã làm dày thêm những chiến tích lẫy lừng trong sự nghiệp dựng và giữ nước, tinh thần bất khuất trước các thế lực thù địch, quyết tâm bảo vệ bờ cõi cũng như sự toàn vẹn, thống nhất đất nước.
Giữa năm 1784, lấy lý do Nguyễn Ánh cầu viện để chống lại nghĩa quân Tây Sơn có ý đồ thôn tính vùng đất Nam bộ, vua Xiêm sai hai tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương chỉ huy 5 vạn quân theo đường thủy và đường bộ tiến vào chiếm thành Gia Định. Khi đến địa phận tỉnh Định Tường xưa (nay là tỉnh Tiền Giang), quân Xiêm đi đến đâu là đốt phá, cướp của, giết người, gây nhiều tội ác, người dân địa phương hết sức căm phẩn.
Nắm bắt được tình hình thực tế, với tài thao lược, mưu trí trong chỉ đạo tác chiến, Nguyễn Huệ chỉ huy một đạo quân vượt biển, tiến vào Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) thăm dò, tổ chức cầm cự chặn giặc, nắm tình hình, chờ thời cơ phản công. Sau đó, Nguyễn Huệ quyết định chọn khúc sông Tiền (đoạn từ Rạch Gầm đến Xoài Mút dài khoảng 7 km) để bố trí lực lượng, mai phục, tấn công địch.
Đêm 19 rạng 20/1/1785, khi đoàn thuyền chiến của địch lọt vào trận địa mai phục của nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Huệ ra lệnh công kích. Thủy binh của Tây Sơn từ Rạch Gầm và Xoài Mút bất ngờ lao ra chặn đầu và khóa đuôi, dồn toàn bộ thuyền chiến của địch vào vòng vây. Pháo binh của nghĩa quân Tây Sơn từ trên bờ và cù lao Thới Sơn bắn mãnh liệt vào đội hình quân giặc.
Ngay từ phút giao tranh đầu tiên, hỏa lực Tây Sơn đã ở thế áp đảo và quân địch đã bị dồn vào thế bị bao vây tấn công hiểm nghèo nhất, Nguyễn Huệ trực tiếp đốc chiến và ra lệnh đánh đến cùng. Sự tấn công dồn dập của đội quân Tây Sơn đã làm cho đội hình thuyền chiến của liên quân Xiêm - Nguyễn bị rối loạn, quân lính bị thương vong nhiều. Trận thủy chiến này đã tiêu diệt gần 5 vạn quân Xiêm - Nguyễn, hơn 300 chiến thuyền Xiêm bị nhấn chìm.
Đã 240 năm trôi qua, thắng lợi của trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785 vẫn còn vang vọng, in đậm dấu ấn trong trang sử hào hùng lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam không thể phai mờ. Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đã thể hiện ý chí quyết chiến - quyết thắng của quân, dân ta cùng với tài thao lược, mưu trí trong nghệ thuật quân sự, tổ chức kháng chiến của anh hùng "áo vải" Nguyễn Huệ - vua Quang Trung đánh bại cuộc tấn công quy mô lớn của quân Xiêm trên đất nước ta.
Tự hào và phát huy truyền thống vẻ vang đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Tiền Giang cùng đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy ý chí tự lực tự cường, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao đưa tỉnh nhà tiến tới phát triển nhanh và bền vững, góp phần cùng với cả nước hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Từ ngày 3/1 đến 7/1, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) còn diễn ra nhiều hoạt động như: Lễ viếng, đặt tràng hoa và dâng hương tại tượng đài Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút; trưng bày hình ảnh về Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút và Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ; không gian giới thiệu Khu di tích Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút qua công nghệ số ; hội thi và trưng bày tác phẩm chưng nghi, chưng mâm ngũ quả; thi đấu quyền thuật trong Võ cổ truyền tỉnh Tiền Giang năm 2025 và chương trình nghệ thuật tổng hợp phục vụ nhân dân với chủ đề “Linh thiêng tiếng sóng Rạch Gầm".
Anh Phan Tiến Tân, cán bộ huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định lần đầu tiên đến tỉnh Tiền Giang và dự lễ kỉ niệm 240 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút xúc động nói: “Khi đến Tiền Giang mình có cảm giác khó tả lắm, rất bồi hồi, xúc động. Chiến thắng Rạch Gầm- Xoài Mút trước giờ mình chỉ biết qua các trang sử hay bảo tàng. Nay là lần đầu tiên mình trực tiếp đến nơi mà vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đã từng đánh và chiến thắng, cảm giác rất xúc động, tự hào và thân thuộc”.