Tiếp diễn tình trạng xe điện không đăng kiểm chở khách ở Tây Thiên
VOV.VN - Với công suất vận chuyển cáp treo 2.500-300.000 người/giờ, Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng đã đưa hơn 40 xe điện không đăng kiểm chở hàng nghìn du khách vượt đèo dốc lên nhà ga mỗi ngày. Phía doanh nghiệp khẳng định, xe điện không đăng kiểm vẫn đúng quy định nhưng lo lắng của du khách thì vẫn còn.
Xe điện không đăng kiểm “tung hoành” chở khách
Khu di tích quốc gia đặc biệt Tây Thiên tại thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc là khu di tích Quốc gia đặc biệt được Thủ tướng phê duyệt với tầm nhìn mỗi năm sẽ đón hàng triệu du khách thập phương về "lễ Phật cầu Mẫu". Từ năm 2012, Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng (Công ty Lạc Hồng) đã tiến hành đầu tư hệ thống cáp treo để người dân và du khách thuận lợi hơn trong việc di chuyển từ Đền Trình lên đến Đền Quốc Mẫu. Tức là thay vì phải đi bộ mất 6 tiếng đồng hồ thì nay chỉ cần bỏ ra 300.000 đồng, du khách được phục vụ xe điện 2 chiều lên nhà ga cáp treo và dịch vụ cáp treo đến chân Đền Quốc Mẫu.
Có mặt tại khu vực đưa đón hành khách lên nhà ga, phóng viên chứng kiến lượng người rất lớn. Những chiếc xe điện của Công ty Lạc Hồng liên tục vận hành hết công suất để đưa đón du khách tham quan. Trung bình, chưa đầy một phút sẽ có một xe cập vào “lốt” đón khách. Cứ thế, hàng chục du khách từ già đến trẻ lao lên xe điện, tự xếp chỗ, chẳng có dây an toàn, không một quy tắc an toàn nào được phổ biến. Những chiếc xe chưa đăng kiểm vẫn "thản nhiên" lao vun vút trên cung đường đèo dốc quanh co với vận tốc rất cao.
Theo quan sát, tất cả hơn 40 chiếc xe của công ty Lạc Hồng vận hành hết công suất để cung cấp dịch vụ kinh doanh, vận chuyển hành khách nhưng tất cả các xe đều không có đăng kiểm, không có biển số hoạt động, không có một dấu hiệu nào để nhận biết những chiếc xe này an toàn. Tài xế chỉ cần nêm kín khách là lăn bánh.
Ông Phạm Văn Tú, du khách bày tỏ lo ngại: "Với cung đường đèo dốc hết sức nguy hiểm ở đây thì yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Tôi hết sức bất ngờ khi cả gia đình tôi đang di chuyển trên chiếc xe chẳng có căn cứ nào để chứng minh rằng nó an toàn". Đáp lời anh Tú, người lái xe điện khẳng định dấu hiệu sự an toàn của chiếc xe mình đang điều khiển chính là việc anh ấy đã có bằng B3, và kỹ thuật của công ty kiểm tra phương tiện này thường xuyên.
Xe điện không đăng kiểm chở khách có đúng quy định?
Bà Đặng Thị Thu Trang, Giám đốc Ban Quản lý cáp treo Tây Thiên khẳng định: Hoạt động đưa đón du khách bằng xe điện lên cáp treo của Công ty đã diễn ra hàng chục năm nay. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn an toàn, phía Công ty cũng đã chủ động liên hệ với cơ quan chức năng để được đăng kiểm đăng ký đúng quy định. Cũng theo lý giải của bà Trang, luật hiện nay thì cũng không bắt buộc hay quy định cụ thể đối với các xe điện 4 bánh chở khách trong nội khu du lịch phải đăng ký đăng kiểm. Vì thế, phía công ty chưa thực hiện đăng kiểm cho các phương tiện này.
Thế nhưng, Luật sư Dương Lê Ước An - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội lại cho rằng "Theo Thông tư 25/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải đối với các dòng ô tô điện 4 bánh, xe 4 bánh có gắn động cơ chạy bằng xăng hoặc điện đã có văn bản pháp luật quản lý chất lượng phương tiện từ các khâu như sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, đăng ký biển số và đăng kiểm khi tham gia giao thông. Như vậy, với số lượng lớn xe ô tô điện không có biển số, không tem đăng kiểm lưu hành, đón trả khách của Cáp treo Tây Thiên là hoàn toàn trái với quy định của Thông tư trên".
Ông Ước An còn cho biết thêm, "Thông tư số 86/2014 của Bộ GTVT quy định rất rõ: Xe ô tô điện chạy bằng động cơ, có hai trục, ít nhất 4 bánh xe, vận tốc thiết kế tối đa 30 km/h, số chỗ ngồi tối đa không quá 15 chỗ (kể cả người lái) thì điều kiện để phương tiện hoạt động chở khách phải có đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Khi tham gia giao thông chỉ được hoạt động trong phạm vi tuyến đường và thời gian nhất định, theo quyết định của UBND cấp tỉnh. Khi tham gia giao thông, loại xe này phải chấp hành quy tắc giao thông như xe ô tô dưới 15 chỗ ngồi".
"Phải chăng, trong trường hợp này bà Đặng Thị Thu Trang, Giám đốc Ban Quản lý cáp treo Tây Thiên có thể đã "lách luật" bằng cách trả lời đây là xe hoạt động nội khu, trong địa bàn nơi Công ty Lạc Hồng có sổ đỏ nên không cần thiết. Cách viện dẫn luật như vậy là chưa phù hợp. Vì ở đây Công ty Lạc Hồng không chỉ đưa 40 phương tiện tham gia giao thông mà còn đang thực hiện kinh doanh vận tải, kiếm tiền từ dịch vụ vận tải. Tức là, bên cạnh nghĩa vụ đảm bảo trách nhiệm của việc tham gia giao thông thông thường, Công ty Lạc Hồng còn phải chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cho hành khách và đóng các loại thuế phí, nghĩa vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải của mình (nếu có)". Ông An bày tỏ quan điểm.
Khu di tích Tây Thiên đang bước vào những ngày cao điểm đón khách, vì vậy để có một mùa lễ hội thực sự an toàn, văn minh thì hơn lúc nào hết các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, yêu cầu Công ty Lạc Hồng thực hiện nghiêm các quy định về an toàn để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.