Tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn - những hồi ức không thể quên!
VOV.VN - Tâm sự của các chiến sỹ làm báo năm xưa, những người đã có mặt kịp thời để tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn cách đây 40 năm.
Trong chiến thắng lịch sử 1975, ngoài vai trò của quân và dân ta cùng các lực lượng khác, Đài Phát thanh Giải phóng cũng đóng góp tích cực vào chiến thắng chung của toàn dân tộc.
Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2015), phóng viên VOV tại TP HCM đã gặp và ghi lại những hồi ức của các chiến sỹ làm báo nói năm xưa, những người đã có mặt kịp thời để tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn cách đây 40 năm.
Ở tuổi 94 và thính giác có phần giảm sút nhưng ông Nguyễn Khắc Cần (tức Bảy Cần), nguyên Giám đốc đầu tiên của Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến, nguyên Phó Giám đốc Đài phát thanh giải phóng A được giao hỗ trợ tiếp quản các cơ sở phát thanh trong ngày 30/4/1975 vẫn còn khỏe và rất minh mẫn.
Đầu tháng 4/1975, khi thời cơ đã chín muồi, Ban tuyên huấn Trung ương Cục quyết định thành lập một đoàn tiền phương tiếp quản các cơ sở phát thanh tại Sài Gòn do ông Thanh Nho làm trưởng đoàn, cùng với các ông Duy Tuấn, các biên tập viên, phát thanh viên…
Cùng lúc đó, đoàn của Đài Phát thanh Giải phóng A do hai ông Bảy Cần và Trần Hữu Hanh từ ngoài Bắc cũng nhanh chóng xuất phát để chi viện. Đến 29/4, đoàn bắt đầu xuất phát từ Tây Ninh tiến về Sài Gòn, nhiệm vụ của những đoàn tiền phương đặc biệt này không phải là trực tiếp chiến đấu mà phải làm sao tiếp quản các cơ quan tuyên truyền của Sài Gòn, nhất là hệ thống phát thanh cách mạng phải phát được càng nhanh càng tốt.
Trong ngày 30/4/1975 lịch sử, việc di chuyển vào Trung tâm Sài Gòn bỗng dưng khó khăn bởi sau khi nghe Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, người dân đổ ra đường ăn mừng, binh sỹ Ngụy quyền cũng cởi bỏ quân phục, chào đón đoàn quân giải phóng….
Phải đến 18h cùng ngày, cả hai đoàn mới tới được Đài Sài Gòn và nhanh chóng bắt tay vào việc để kịp thời lên sóng. Trước đó, lúc 11h30, quân đội ta đã tiếp quản Đài Sài Gòn và phát đi phát lại lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh cũng như phản ánh không khí Sài Gòn (chương trình này do 9 anh em trí thức, thanh niên, văn nghệ sỹ làm).
Đúng 20h ngày 30/4, buổi phát thanh chính thức đầu tiên đã lên sóng qua giọng đọc của hai phát thanh viên Nguyễn Hữu Phước và Vương Thanh Liêm (đã mất) với lời xướng: Đây là Đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng, phát thanh từ Thành phố Sài Gòn. 5h sáng 1/5, chương trình tiếp tục lên sóng phản ánh không khí đón mừng chiến thắng trong hòa bình… Các chương trình phát thanh đã góp phần nhanh chóng ổn định tình hình tại Sài Gòn và cả các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Ông Nguyễn Khắc Cần nhớ lại: “Chúng tôi vui mừng khôn xiết vì đồng bào mình đã tiếp quản ổn định. Chúng tôi tham gia biên tập ngay bản tin. Tác dụng của Đài Sài Gòn dưới quyền của Ủy ban cách mạng rất lớn”.
Trong chương trình phát thanh đặc biệt lúc 20h ngày lịch sử - 30/4/1975, giọng đọc của hai phát thanh viên Nguyễn Hữu Phước và Vương Thanh Liêm thật hùng hồn, truyền cảm đã kịp thời thông báo cho cho cả thế giới và toàn quốc biết được kết cục của cuộc kháng chiến kéo dài hơn 30 năm đã chấm dứt. Sài Gòn thật sự được giải phóng.
Để có được chương trình phát thanh đặc biệt đó, các biên tập viên của cả hai đài A và B đã phải chạy đua với thời gian để chuẩn bị. Phát thanh viên Nguyễn Hữu Phước nhớ lại, công tác chuẩn bị hết sức công phu ở tất cả các khâu từ kỹ thuật với nội dung.
Mọi người cũng đã chuẩn bị phương án về kỹ thuật nếu như các thiết bị tại chỗ không thể hoạt động, chương trình vẫn sẽ lên sóng như thường với các thiết bị lưu động được chuẩn bị kỹ càng trước đó.
Ông Nguyễn Hữu Phước nhớ lại: “Những nội dung đầu tiên phát là tên hiệu của Đài. Chị Thanh Liêm đọc “Đây là Đài phát thanh Sài Gòn giải phóng- Tiếng nói của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau đó tôi đọc Thông báo số 1 của Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định. Nội dung gồm thông báo Chính phủ cách mạng chiếm lĩnh các nơi và đồng thời kêu gọi đồng bào yên tâm ổn định cuộc sống và nêu một số chính sách của Chính phủ Cách mạng đối với vùng mới giải phóng”.
Trong khi đó, với ông Nguyễn Duy Tuấn, nguyên Giám đốc Đài truyền hình An Giang, khi vào tiếp quản các Đài phát thanh Sài Gòn, ông đang là Trưởng phòng nghiên cứu - Tổng hợp của Đài Phát thanh giải phóng.
Ngày ấy khu số 7 đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), là nơi tập trung những ổ tâm lý chiến Mỹ Ngụy gồm Đài Giải phóng giả, Mẹ Việt Nam, Tiếng nói tự do, Gươm thiêng ái quốc… Khi vào tiếp quản, đoàn của ông được một viên thiếu tá Ngụy đón tiếp trọng thị và đưa ra một văn bản xin “bàn giao” và nhờ ông duyệt cho.
Ông Tuấn lướt qua và trả lời miệng là không cần, nhưng cũng kịp gạch chữ “bàn giao” để thay vào chữ “giao nộp”. Hành động của ông làm viên sỹ quan kia khiếp sợ, phải xin lỗi liên tục. Đặc biệt, có một chi tiết mà ông Tuấn nhớ mãi khi vào tiếp quản Đài Sài Gòn (tại số 3 Phan Đình Phùng- nay là số 3 Nguyễn Đình Chiểu), đó là Đài Sài Gòn đã bị ta tấn công năm Mậu Thân - 1968. Mỹ Ngụy đã tập kết vật tư đến đó và còn lưu tấm bia ghi rõ “Ngày 30/4/1974, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm đặt viên đá khởi công” nhưng có lẽ thấy số phận chế độ Nguyễn Văn Thiệu không thọ nên không xây dựng mà ở tạm bên Bưu điện cho đến ngày ta giải phóng, tức là tròn 1 năm.
Sau 40 năm giải phóng, Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh đã thay da đổi thịt, đi lên cùng cả nước. Những chiến công mà các chiến sỹ làm báo nói năm xưa mãi mãi được các thế hệ sau ghi nhớ và học tập. Họ chính là những con người sống mãi cùng lịch sử ngành phát thanh Việt Nam và lịch sử dân tộc./.