Tiếp tục đề phòng lũ quét và sạt lở đất
VOV.VN - Ngoài khắc phục tình trạng trên, các địa phương còn lo ổn định đời sống người dân và khắc phục hậu quả thiên tai.
Những ngày vừa qua, mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Cùng với việc nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống người dân, các địa phương tiếp tục đề phòng lũ quét và sạt lở đất, nhất là trong những ngày tới được dự báo mưa to sẽ xảy ra ở nhiều nơi.
Sạt lở tại nhiều điểm ở huyện Xín Mần - Hà Giang (Ảnh: Báo Hà Giang) |
Hôm nay (22/7), Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo cho các lực lượng nhanh chóng khắc phục gần 30km kênh mương thủy lợi bị hư hỏng nặng tại huyện Xín Mần; san gạt hàng nghìn khối đất đá để thông tuyến các tuyến đường như Bắc Quang - Xín Mần, từ trung tâm huyện Xín Mần đi các xã Nàn Xỉn, Pà Vầy Sủ, Quảng Nguyên, Tả Nhìu, Cốc Rế...
Ông Ngô Văn Tăng, Phó phòng Nông nghiệp huyện Xín Mần cho biết: “Dự báo trong mấy ngày tới tiếp tục còn nhiều đợt mưa lớn nữa, nên chúng tôi tiếp tục rà soát những hộ dân vẫn nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở để cảnh báo và di dời khi cần thiết. Đối với các tuyến đường giao thông, chúng tôi huy động mọi lực lượng cùng với nhân dân khắc phục nhanh nhất, hỗ trợ máy móc, thiết bị cần thiết. Đến nay, giao thông đã tạm thời thông suốt”.
Tại Thái Nguyên, từ đầu tháng 7 đến nay, đã có 3 đợt mưa lớn gây sạt lở đất, làm 3 người chết, 1 người bị thương, trên 500 nhà bị ngập úng, gần 1.000 ha lúa và hoa màu bị hư hại, 2 cầu bị sập, tổng thiệt hại ước tính 14 tỷ đồng.
Để tiếp tục ứng phó với mưa lớn trong những ngày này, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các điểm có nguy cơ sạt lở để có thông tin tuyên truyền nhanh và chính xác nhất với người dân. Ông Bùi Tiến Chính, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên nói: “Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh đã cho cán bộ đến từng địa phương huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ cho người dân, học sinh đi qua các đoạn đường ngập úng, hỗ trợ cho những hộ dân bị ngập sâu sớm ổn định cuộc sống. Để ứng phó với mưa lũ trong thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh chỉ đạo tăng cường tuyên truyền các công tác phòng chống lụt bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến những nơi có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, đảm bảo sẵn sàng các phương án theo phương châm 4 tại chỗ gắn sát với thực tế”.
Tại tỉnh Bắc Kạn, trong tổng số hơn 30 hồ chứa trên địa bàn tỉnh có 7 hồ chứa đang bị hư hỏng nặng, có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Đây là một trong những hiểm họa đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của những hộ dân quanh khu vực hồ chứa, đặc biệt trong những ngày mưa bão hiện nay. Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thủy nông Bắc Kạn cho biết: “Trong tổng số 32 hồ chứa, có khoảng 7 hồ có nguy cơ mất an toàn cao. Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với chúng tôi là đơn vị quản lý hiện tại không có bất cứ nguồn vốn nào ngoài nguồn cấp bù thủy lợi phí hàng năm. Vì thế, tiền sửa chữa thường xuyên rất khó khăn; việc nâng cấp, cải tạo lớn là không thể”./.