Tiết kiệm - Thông điệp của ngày Trái đất

Trong khi ở những cộng đồng giàu có trên thế giới, những giải pháp tiết kiệm được tôn vinh thì ở Việt Nam, những người dân còn nghèo lại háo hức với rất nhiều kỷ lục hoang đàng

Ngày 22/4, cả thế giới kỷ niệm Ngày Trái đất để cùng nhắc nhở mọi người hãy bảo vệ môi trường. Và để hưởng ứng hoạt động đầy ý nghĩa này, một người đàn ông Nauy đã sáng chế ra chiếc bếp bằng bìa carton sử dụng năng lượng Mặt trời. Ngoài việc tiết kiệm năng lượng, sáng chế của người đàn ông này còn tạo lập một kỷ lục về sáng chế có giá thành sản xuất siêu rẻ, chỉ 5 USD.

Làm ra những sản phẩm có giá thành rẻ nhất, đó là một tiêu chí quan trọng để hạn chế việc lãng phí tài nguyên. Và điều đó được đánh giá cao tại những cộng đồng mà mức sống của người dân được đánh giá là tốt nhất thế giới.  

Tại TP.HCM, trong hai ngày vừa qua cũng có một kỷ lục được xác lập khi nhiều người dân phải mua nước sinh hoạt với mức giá cao bậc nhất thế giới 200.000 đồng, tương đương 11 USD một mét khối. Nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt ở TP.HCM được các cơ quan chức năng xác định là do nhà máy nước bị mất điện. Song, nguyên nhân sâu xa hơn là nhiều đường ống nước bị vỡ do việc xây dựng công trình ngầm gây ra.

Ngày Trái đất không còn xa lạ với người Việt Nam. Năm nào các thông điệp cũng được triển khai tuyên truyền, thậm chí còn được diễn ra dưới hình thức mít tinh rất long trọng. Nhưng, trong khi ở những cộng đồng giàu có trên thế giới, những giải pháp tiết kiệm được tôn vinh thì ở Việt Nam, những người dân còn nghèo lại háo hức với rất nhiều kỷ lục hoang đàng được tạo lập triền miên. Những “cây chả quế lớn nhất Việt Nam”, rồi “tô cháo lớn nhất”, “chiếc bánh pizza khổng lồ”… Để có được những “kỷ lục” hoang đàng ấy, người ta phải dùng đến hàng trăm tấn thực phẩm trong khi Tổ chức Nông lương thế giới vừa đưa ra dự đoán rằng 1 tỷ người trên thế giới sẽ phải đối mặt với nạn đói.

Tiết kiệm, tiết kiệm, và… tiết kiệm. Đó là thông điệp quan trọng nhất của Ngày Trái đất. Phải chăng thông điệp đó là chuyện của nhân loại mà không liên quan đến những con đường hết đào lên lại lấp xuống ở nước ta, không liên quan đến khao khát tạo ra những sản phẩm hoang đàng của các “kỷ lục gia”?.

Ngày Trái đất, trên khắp 63 tỉnh, thành ở nước ta liệu có bao nhiêu cuộc diễu hành của các đoàn thể để cổ vũ phong trào? Bao nhiêu triệu lít xăng được sử dụng để phục vụ cho các cuộc diễu hành đó? Bao nhiêu tấn khí thải sẽ được thổi lên bầu khí quyển cùng với tiếng hô vang: “Hãy cứu lấy Trái đất!”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên