Tìm chữ nơi cửa chùa ở Ninh Thuận
VOV.VN - Đã thành thông lệ, cứ vào chiều tối thứ Hai, thứ Ba và thứ Năm hàng tuần, gần 150 học sinh là con em đồng bào Raglai ở các thôn Xóm Đèn, Suối Vang, Ba Hồ… tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận lại cùng nhau đến lớp học tình thương chùa Long Cát để học chữ. Từ lớp học này, nhiều con em đồng bào Raglai từ không biết chữ nay đã biết đọc, biết viết.
Cái bụng no nên lo học chữ
Vượt quãng đường hơn 1km, em Katơr Minh Thuận ở thôn Suối Vang, học sinh lớp 3, đã có mặt tại lớp lúc 16h. Thuận kể, em đã theo học tại chùa Long Cát 3 năm nay, trước giờ học 30 phút các sư cô ở chùa đều tổ chức ăn uống. Mỗi ngày em đến lớp là một ngày vui, em vui vì được ăn, được học, được gặp bạn bè.
Chung niềm vui như em Katơr Minh Thuận, em Chamaléa Thị Mai Trang, ở thôn Ba Hồ, học sinh lớp 5 bày tỏ: Hơn 4 năm theo học ở lớp tình thương này, bản thân em thấy thầy cô giáo và ni sư ở chùa Long Cát đã không ngại khó khăn vất vả để dạy dỗ nên em và các bạn đều cố gắng học.
Chamaléa Thị Mai Trang nói: "Em cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được học ở đây cùng với các bạn. Thầy cô ở đây rất hiền, cứ vào 17h chúng em tập trung ở nhà ăn của chùa rồi ăn uống đến 17h30 vào học. Cái bụng no nên chúng em chăm lo học".
Bà Trần Thị Bạch Như, Phó Chủ tịch UBND xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận cho biết, lớp học tình thương này do Ni sư Thích Nữ Đức Thịnh, trụ trì chùa Long Cát, xã Công Hải mở từ năm 2002. Lúc đầu, nhà chùa thấy tại địa phương có nhiều em không biết chữ nên có ý định dạy chữ.
Bà như nói: "Các cháu được theo học ở chùa Long Cát thì cũng được tự quan tâm tận tình của cô trụ trì, cũng như được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, các cháu tham gia bình quân từ 120 đến 150 em ở các lớp học. Các cháu học ở đây thì đa phần là có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đến trường, các cháu được cô cho ăn, rồi được cô cắp sách, cắp vở, tập, bút".
Mỗi năm, số lượng học sinh là con em đồng bào Raglai nghèo ở xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận đến với lớp học ở chùa Long Cát ngày càng tăng. Cụ thể, năm học 2023-2024 có hơn 100 em, năm học 2024 - 2025 này có gần 150 em theo học từ lớp 1 đến lớp 5.
Có cái chữ để tự tin hơn
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng với quyết tâm giúp con em nghèo xoá mù chữ, chùa Long Cát, ở xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận đã trở thành nơi tìm đến của nhiều thầy cô giáo thiện nguyện.
Đồng thời, do học sinh đông nên chùa cũng vận động xây dựng thêm một số phòng học và hợp đồng thêm giáo viên để đảm bảo việc dạy học miễn phí cho các em.
Thầy giáo Tưởng Văn Vui, giáo viên trường Tiểu học Công Hải tham gia dạy tại chùa, chia sẻ: Học sinh ở đây đều là người đồng bào Raglai, tinh thần học tập của các em rất đáng khen.
Thầy Vui cho biết: "Các em hóc sinh ở đây thuộc vùng khó khăn nên việc đi học của các em rất là khó khăn. Các em đi học tương đối đầy đủ, trừ trường hợp chiều hôm nào mưa to gió lớn các em đi qua suối không được thì các em mới nghỉ học. Còn về tình hình học nếu so với các bạn cùng trang lứa thì có kém hơn chút nhưng trong đó cũng không phải là không có những em học tốt. Trong 1 lớp thì cũng có khoảng 4 đến 6 em học rất là tốt".
Ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch UBND xã Công Hải, huyện Thuận Bắc cho biết, trên địa bàn có 1 trường THCS, 2 trường tiểu học và 1 trường mẫu giáo. Những năm qua, lớp học tình thương ở chùa Long Cát đã tích cực hỗ trợ địa phương trong công tác xóa mù chữ cho các cháu không đủ điều kiện đến trường.
Ông Trí cho biết thêm: "Hiệu quả rất là tốt. Lớp học này ở chùa Long Cát, thời gian qua các trường hợp không đến được với các trường công lập thì các cháu đến thời điểm này đã biết đọc, biết viết, hoàn thành chương trình phổ cập đủ điều kiện tham gia đi tìm việc làm, cũng như đáp nhu cầu tuyển dụng của các nhà lao động trên địa bàn huyện Thuận Bắc ha cũng như của tỉnh nhà".
Khác với những lớp học chính quy, tại lớp học tình thương ở chùa Long Cát, xã Công Hải, huyện Thuận Bắc ít có không khí sôi động, không tiếng loa phát thanh, không tiếng trống trường,…nhưng vẫn rất vui. Hơn 20 năm nay, lớp học tình thương này luôn ê a tiếng đánh vần vào các buổi chiều tối. Nhờ đó, nhiều con em là người đồng bào Raglai có hoàn cảnh khó khăn đã biết đọc, biết viết, biết tính toán và vận dụng những kiến thức đã học để tự tin hơn trong cuộc sống.