Tìm hướng xử lý nứt trên mặt cầu Thăng Long

Nhiều ý kiến đề xuất biện pháp xử lý vết nứt trên mặt cầu là xác định phạm vi các vết nứt cục bộ đã phát hiện và khoanh mảng để cắt bỏ lớp bê-tông nhựa chưa đủ độ chặt và kém dính bám với lớp dưới.

Chiều 23/3, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải- đơn vị lập dự án khả thi, đơn vị trực tiếp thiết kế, tư vấn, giám sát dự án sữa chữa mặt cầu Thăng Long chính thức báo cáo kết luận về nguyên nhân và hướng xử lý nứt trên mặt cầu Thăng Long.

Tại văn bản số 226 ngày 23/03 báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải và giới báo chí, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành một số vết nứt cục bộ trên mặt cầu Thăng Long là do một số mẻ Bê-tông nhựa SMA đã bị nguội nhanh trong quá trình lu lèn. Dẫn tới Bê-tông nhựa sau khi kết thúc lu lèn ở nhiệt độ thấp hơn 120oC đã làm cho Bê-tông nhựa vừa không đủ nhiệt độ để bám dính với lớp dưới, vừa không đảm bảo độ chặt như thiết kế. Điều này ảnh hưởng tới cường độ chịu lực bị suy giảm mạnh và phát sinh vết nứt kéo.

Ngoài ra do thời tiết trong thời gian thi công rét đậm 15oC, cá biệt cũng có lúc nhiệt độ hạ xuống dưới 15oC cộng với gió to trên cầu đã làm một vài mẻ Bê-tông nhựa sau khi rải đã bị nguội rất nhanh, dẫn tới tình trạng một số vệt rải Bê-tông nhựa đã lu lèn không đảm bảo độ chặt được, xốp rỗng hoặc bị cán nát, đã nhanh chóng bị xé đứt tạo vết nứt dạng nứt tách khi chịu tải trọng dòng xe chạy qua hoặc bị xô đứt khi chịu lực hãm phanh của các xe tải nặng.

Cũng tại văn bản này, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải thừa nhận; do các cán bộ, kỹ sư của Viện chưa thực sự nắm hết các bí quyết của chuyển giao công nghệ mới sử dụng hỗn hợp Bê-tông nhựa SMA để rải trên mặt cầu.

Hiện nay, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải tiếp tục đề xuất biện pháp xử lý vết nứt trên mặt cầu theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là xác định phạm vi các vết nứt cục bộ đã phát hiện và khoanh mảng để cắt bỏ lớp Bê-tông nhựa chưa đủ độ chặt và kém dính bám với lớp dưới. Sử dụng đúng loại hỗn hợp vật liệu Bê-tông nhựa SMA để trám vá kết hợp biện pháp thoát nước nhanh ra khỏi phạm vi mặt cầu. Cần lưu ý hỗn hợp này phải được rải và lu lèn cục bộ tại vị trí trám vá ở nhiệt độ thi công quy định, đảm bảo từ 120-170oC. Tiếp đó giai đoạn 2 là tiếp tục khoan kiểm định đánh giá chất lượng Bê-tông nhựa và theo dõi tình hình làm việc của mặt đường tại các vị trí khác để đánh giá chất lượng Bê-tông nhựa. Nếu phát hiện có các dấu hiệu mẫu khoan Bê-tông nhựa có độ rỗng cao và ngậm nước tương tự như các mẫu lấy ở vị trí vết nứt thì cần chủ động để sửa chữa.

Công trình thi công mặt cầu Thăng Long đang trong thời gian bảo hành, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải đang phối hợp cùng với Ban Quản lý dự án 2 và nhà thầu Bảo Quân triển khai thực hiện các biện pháp xử lý đạt hiệu quả và không để ảnh hưởng đến giao thông trên cầu. Sau khi hoàn thành công tác sửa chữa mặt cầu này,  Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải sẽ tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tập thể và cá nhân chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hư hỏng này và cũng sẽ rút ra các bài học quý báu về chuyên môn, về kinh nghiệm chuyển giao công nghệ mới tại dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên