12 ngày cứu bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực lớn nhất miền Bắc
VOV.VN - Đến ngày 16/6, Trung tâm hồi sức tích cực lớn (ICU) lớn nhất miền Bắc đã bước vào hoạt động ngày thứ 12. Nhân lực chủ yếu là các đoàn chi viện cho Bắc Giang, do đó kế hoạch tiếp theo là phải tăng cường nhân lực tại chỗ khi lực lượng chi viện rút đi.
Tính đến chiều 15/6, tại Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) lớn nhất miền Bắc, với 101 giường, đặt tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang đang điều trị cho 60 bệnh nhân COVID-19. Trong đó, tín hiệu đáng mừng là có hơn 25 bệnh nhân đã được cai Liệu pháp oxy lưu lượng cao qua ống thông mũi (HFNC) thành công; 8 bệnh nhân đã có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính lần 1 và 2 bệnh nhân có xét nghiệm âm tính lần 2.
Bên cạnh đó, có những bệnh nhân đều đã nằm viện khá lâu, đã thở máy, lọc máu, có bệnh nhân đã đặt ECMO, tiên lượng rất nặng.
Việc biến một cơ sở trước đây chỉ điều trị bệnh nhân tâm thần, không điều trị bệnh nhân nặng, bệnh nhân được chỉ định làm các thủ thuật, phải can thiệp điều trị bằng máy móc hay bệnh nhân nhiễm trùng... thành Trung tâm ICU lớn nhất miền Bắc để tập trung điều trị bệnh nhân COVID-19 là một nỗ lực vô cùng lớn của đội ngũ y bác sĩ, các chuyên gia dịch tễ và kỹ thuật… Chính vì vậy khi chuyển sang công năng mới, nơi này phải thiết lập mới gần như hoàn toàn hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn. Mục tiêu cuối cùng là làm sao trong quá trình hoạt động bệnh nhân được điều trị tốt nhất và nhân viên y tế an toàn nhất, không để xảy ra lây nhiễm chéo.
BSCKII Nguyễn Thành Huy, Trưởng Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn BV Trung ương Huế, tham gia đoàn chi viện cho Bắc Giang cho biết, Trung tâm ICU mới đi vào hoạt động, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn vẫn chưa suôn sẻ ngay, một phần do có nhiều đơn vị, lực lượng khác nhau đến đây hỗ trợ và do việc các y bác sĩ tiếp cận với bệnh viện mới, đường đi lối lại chưa quen.
Do vậy, để đảm bảo được các yêu cầu an toàn nghiêm ngặt nhất để chống lây nhiễm chéo, trước khi đưa ICU vào hoạt động, tất cả các lực lượng tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 đều phải tập huấn các quy trình, quy định, hướng dẫn sắp xếp, chỉ rõ việc phân luồng, các nhân viên y tế phải tuân thủ các quy trình, quy định ra sao…
“Chúng tôi hàng ngày phải kiểm tra giám sát rất chặt chẽ, điều chỉnh từ khâu mặc trang phục phòng hộ, chừng nào mà người giám sát của kiểm soát nhiễm khuẩn thấy an toàn thì mới cho nhân viên y tế bước vào khu điều trị. Và khi vào bên trong các hoạt động như vệ sinh môi trường, vệ sinh bề mặt, vệ sinh thiết bị máy móc dụng cụ phục vụ điều trị đều cực kỳ tỉ mỉ và quan trọng”, BS Huy nói.
BS Huy đặc biệt lưu ý, trong quá trình làm việc của y bác sĩ, thời điểm dễ lây nhiễm nhất là khi thực hiện các thủ thuật như đặt nội khí quản hay công việc liên quan đến thở máy, ECMO. Lúc đó khả năng bị hứng giọt bắn mang virus rất cao. Do vậy, các quy trình này được đội ngũ kiểm soát nhiễm khuẩn giám sát, nhắc nhở rất nghiêm ngặt, không để xảy ra sai sót.
“Một việc nữa là cởi phương tiện phòng hộ khi hết ca cũng là công đoạn dễ lây nhiễm nhất. Do đó phải cử người giám sát, từng bước một để nhắc nhở. Tất cả các bước đã được hướng dẫn tỉ mỉ, xem video thực hành biết yếu tố nguy cơ. Tất cả đều phải tuân thủ đúng từng bước: cởi cái gì trước, cái gì sau, tay được đụng chạm chỗ nào, không được tiếp xúc mặt ngoài nào của phương tiện phòng hộ, thứ tự từng bước cần đảm bảo nghiêm ngặt. Một hai đợt đầu còn nhắc nhiều, nhưng sau tần suất nhắc giảm hẳn và mọi người cũng quen dần, thực hành chuẩn”, BS Huy lưu ý thêm.
Ngoài ra, chất thải là nguồn lây nhiễm, trong quá trình điều trị phát sinh chất thải y tế, dụng cụ y tế, đồ vải y tế (áo quần nhân viên, bệnh nhân, drap bệnh nhân...) việc thu gom cũng phải đảm bảo quy trình để thu gom xử lý và tái sử dụng an toàn. Bố trí thời gian thu gom, luồng đi, nơi và cách thức xử lý.
Với, dụng cụ y tế, tại Trung tâm ICU không có hệ thống tiệt khuẩn nên phải tổ chức khử nhiễm tại chỗ, sau đó chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang để tiệt khuẩn rồi lại chuyển về.
>> Cứu sống bệnh nhân COVID-19 nặng có tiền sử tai biến, nghiện rượu
Hiện tại, Trung tâm ICU đang điều trị cho hơn 60 bệnh nhân, trong đó đa số là các bệnh nhân nặng được chuyển đến từ các cơ sở điều trị trong tỉnh, đặc biệt là đến từ BV Phổi. Đến ngày 16/6, Trung tâm ICU đã bước vào hoạt động ngày thứ 12. Nhân lực hiện tại chủ yếu là các đoàn chi viện cho Bắc Giang, do đó, kế hoạch tiếp theo là phải tăng cường nhân lực tại chỗ để cùng làm quen công việc, để chuyển giao các kỹ thuật cao trong điều trị, để đội ngũ tại chỗ có thể vận hành trung tâm tốt sau khi các đoàn chi viện rút quân.
“Việc có thể chuyển giao hết các quy trình và chuyên môn kỹ thuật cho các y bác sĩ tại Bắc Giang là mong muốn cuối cùng và cao nhất của các đoàn chi viện. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, hiện tại và trong những ngày tới, lực lượng y bác sĩ tại Bắc Giang sẽ được điều động đến Trung tâm này và nhận nhiệm vụ, cùng làm việc để sớm tiếp quản và vận hành Trung tâm này. Đặc biệt, về kiểm soát nhiễm khuẩn, ngoài nhân lực được điều động, lãnh đạo sở y tế sẽ đầu tư thêm một số trang thiết bị cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn như giặt sấy, tiệt khuẩn… Hy vọng chúng tôi cũng sẽ chuyển giao hoàn tất các hệ thống này đi vào hoạt động trước khi rút quân”, BS Huy nói./.
>> Bác sĩ người Huế chống dịch tại Bắc Giang: "Khi nào tình hình ổn định mới về"