Ấm lại nụ cười “miền đất lở”
VOV.VN - “Chúng tôi may mắn thoát nạn trong vụ sạt lở thì phải khép lại quá khứ đau thương để hướng về một tương lai tươi sáng. Mấy tháng vừa rồi, chúng tôi luôn nhận được quà, tiền hỗ trợ. Chúng tôi cất đi, để dành dụm mua sắm đồ dùng trong nhà chuẩn bị cho Tết”, bà Hồ Thị Sương chia sẻ.
Tiết trời đang vào Xuân, cung đường dẫn lên huyện vùng cao Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam còn thơm mùi đất mới. Bên sườn đồi, mùi khói lam chiều tỏa khắp những ngôi nhà mới dựng, người dân vùng sạt lở Phước Sơn đang vượt qua khó khăn, chuẩn bị đón Xuân sang.
Sức sống mới ở vùng sạt lở
Hơn một năm kể từ ngày núi vỡ ập xuống làng, trở lại xã miền núi Phước Kim, huyện Phước Sơn giữa thời điểm năm cũ, năm mới giao hòa, đường đi đã bớt bùn lầy. Dọc hai bên đường, cây cối thi nhau trổ bông, khoe sắc dưới ánh nắng của rừng núi đại ngàn. Xa xa thấp thoáng 27 ngôi nhà mới ở khu tái định cư thôn Trà Vân A được lợp mái tôn màu xanh dưới thung lũng. Tất cả tạo nên một diện mạo mới mang tên ấm no và yên bình trong cuộc sống của bà con nơi đây.
Vừa đi làm trên rẫy về, anh Hồ Văn Long lại tất bật cùng vợ dọn dẹp, lau chùi những mảng vôi vữa còn bám vào nền gạch men. Thấy có người lạ đến, anh Hồ Văn Long vội dừng tay, nhiệt tình chào hỏi: “Được về ở nhà mới trong Khu tái định cư thôn Trà Văn A, điều kiện ăn ở hơn trước nhiều, tôi vui lắm, ngỡ như một giấc mơ! Nơi ở mới bằng phẳng, đường sá thuận tiện và không mấy nữa sẽ có điện. Năm nay, gia đình tôi ăn Tết ở đây. Giờ tôi tranh thủ làm thêm nhà bếp và mái hiên để đón Tết”.
Trận lũ vào đêm 28/10/2020 đã khiến gia đình anh Long trắng tay. Căn nhà cùng toàn bộ vật dụng, của cải tích cóp mấy năm qua đã bị dòng lũ cuốn phăng. Nói về dự định trong thời gian tới, anh Long cho biết mình sẽ trồng lại cây quế và trồng lúa nước. Của cải mất rồi nhưng còn người thì sẽ ráng làm lại từ đầu.
Cũng về ở tại khu tái định cư thôn Trà Vân A, bà Hồ Thị Sương chia sẻ: “Sống gần hết cuộc đời mà mỗi ngày tôi vẫn chỉ lo được cho cái ăn ngày mai; Mỗi khi bão lũ thì nghĩ tới chuyện chạy đi đâu để giữ mạng sống. Vậy mà giờ lại có cái nhà kiên cố để ở. Giờ không ai muốn nhắc chuyện cũ nữa. Về nơi ở mới, qua vài trận mưa núi, bà con đã thấy an tâm hơn rất nhiều”.
Huyện miền núi Phước Sơn chủ yếu là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng sinh sống. Đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020 đã làm hàng trăm ngôi nhà của người dân các xã Phước Thành, Phước Kim, Phước Lộc bị dòng nước hung dữ cuốn trôi. Sau bão lũ, cuộc sống bà con nơi đây gặp vô vàn khó khăn. Nhiều tháng liền người dân sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”, đồ ăn, thức uống phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Thấu hiểu những mất mát mà người dân trên dãy Trường Sơn phải gánh chịu sau thiên tai, nên ngay trong mưa lũ, để có chỗ ở cho bà con, đảm bảo cái ăn, cái mặc, bên cạnh việc kêu gọi sự góp sức của cộng đồng, huyện Phước Sơn đã bắt tay khảo sát và chọn địa điểm xây dựng khu tái định cư cho đồng bào.
Khu tái định cư thôn 1, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn trước đây là một ngọn đồi, nay đã được san ủi hàng triệu mét khối đất đá phía trên để hình thành khu vực bằng phẳng cho bà con lập làng mới. Tại đây có hơn 80 hộ đang dựng nhà và 10 hộ đã vào ở trong nhà mới. Chính quyền cùng người dân gấp rút dựng nhà để kịp hoàn thành đón Tết.
Với bà con nơi đây, ký ức đau buồn về thảm họa thiên tai khó có thể nguôi ngoai. Nhưng, bỏ qua những đau thương, mất mát ấy, mọi người đang gượng dậy ổn định cuộc sống tại những ngôi làng mới. Ông Hồ Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kim cho biết: “Từ nay tới Tết Nguyên đán, điện và nước ở khu tái định cư Trà Vân A sẽ ổn định. Vừa rồi, huyện với xã đã làm thủy lợi đưa nước về chỗ ở cho bà con. Hiện nay, xã đã phát động bà con dọn lại bờ ruộng để chuẩn bị trồng lúa nước”.
Hồi sinh nơi thung lũng
Ngay sau khi lũ đi qua, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để ổn định đời sống dân sinh. Bên cạnh việc tìm kiếm và bố trí đất tái định cư lâu dài, vấn đề tìm kế sinh nhai cho người dân đang được UBND huyện Phước Sơn đặc biệt chú trọng. Từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, UBND huyện đã hỗ trợ bà con trồng và chăm sóc cây dược liệu dưới tán lá rừng. Mô hình này được kỳ vọng sẽ mở ra một hướng sinh kế mới, bền vững và lâu dài cho bà con và thay thế cây keo - loại cây trồng không có hiệu quả kinh tế cao, không giữ được đất, gây sạt lở núi trong mùa mưa lũ.
“4 khu tái định cư với 120 hộ đã được địa phương gấp rút thi công hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Về lâu dài, ngoài chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ về phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay huyện đang chờ chủ trương của tỉnh tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí đất ở, đất sản xuất cho nhân dân để đảm bảo ổn định cuộc sống. Các ban, ngành của huyện cũng đang hướng dẫn triển khai cho bà con hướng làm ăn lâu dài”, ông Hồ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết.
Theo tính toán của tỉnh Quảng Nam, địa phương còn khoảng 7.000 hộ dân ở các bản làng vùng cao cần được sắp xếp, bố trí di dời đảm bảo an toàn trong thiên tai giai đoạn 2021 - 2025. Do vậy, vừa khắc phục thiệt hại, vừa lồng ghép chương trình tái thiết và phát triển kinh tế - xã hội địa phương là quan điểm chỉ đạo chung của tỉnh. Đây sẽ là một câu chuyện dài và nhiều gian nan đòi hỏi sự nỗ lực, mạnh mẽ hơn nữa của cả người dân và chính quyền các huyện vùng cao Quảng Nam.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ nhân dân, kịp thời ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Tỉnh sẽ làm những công trình dân sinh và hỗ trợ người dân giống cây trồng; hỗ trợ phát triển kinh tế bằng một số định hướng về cây trồng dược liệu, quế. Ngoài ra, còn hỗ trợ trồng những cây dược liệu ngắn ngày. Mặt khác, tỉnh đang gấp rút hoàn thành thủ tục thi công những đường từ trung tâm huyện lên các xã để thuận tiện giao thông cho bà con. Hy vọng tới tháng 9 năm 2022, chúng tôi sẽ làm hết những đoạn đường này”.
Chưa đủ lâu để xanh lại những vết lở in hằn trên từng quả núi, ngọn đồi, nhưng, sau tất cả nỗi mong chờ, nắng ấm đã trở lại với vùng cao, lặng lẽ hồi sinh nơi thung lũng dọc dãy Trường Sơn. Đi qua những miền đất lở, trên gương mặt người già, trẻ thơ, nét âu lo đã tạm lui, nhường chỗ cho nụ cười ấm áp. Những ngôi nhà mới với bà con nơi đây mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó không chỉ là nơi che mưa nắng mà còn là điểm tựa để họ yên tâm lao động sản xuất, từng bước tạo nên một diện mạo mới, đổi thay trên vùng cao biên cương của Tổ quốc./.