An Giang đề nghị Bộ Y tế thiết bị bảo hộ và thuốc điều trị
VOV.VN - Ngày 2/12, đoàn công tác của Bộ Y tế, do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã có buổi làm việc tại tỉnh An Giang về công tác phòng, chống dịch và tiêm vaccine phòng COVID-19.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, đến thời điểm này, An Giang đã ghi nhận tổng số hơn 23.500 trường hợp mắc COVID-19, trong đó, có gần 5.600 trường hợp đang điều trị; đã điều trị khỏi bệnh là hơn 17.500 trường hợp.
Về triển khai thuốc kháng sinh virus Molnupiravir, Remdesivir điều trị bệnh nhân COVID-19, đến ngày 1/12, tỉnh đã sử dụng thuốc Molnupiravir điều trị cho hơn 1.600 bệnh nhân và đạt hiệu quả tốt. Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên ở An Giang đã tiêm vaccine mũi 1 đạt hơn 96%, tiêm mũi 2 đạt hơn 88%. Đối với trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm vaccine đạt khoảng 83%.
Tại buổi làm việc, tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế, đặc biệt là phương tiện phòng hộ để phục vụ công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân theo Tờ trình 684/TTr-UBND, ngày 12/11/2021 của UBND tỉnh và hỗ trợ thêm cơ số thuốc Molnupiravir để điều trị cho bệnh nhân trong thời gian tới.
Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương 100% kinh phí ngân sách nhà nước mua thuốc, hóa chất, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất làm cơ sở điều trị và làm khu cách ly tập trung phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Cùng với đó, xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn cho địa phương về cơ chế chi thường xuyên cho các cơ sở y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch COVID-19 để tỉnh làm cơ sở thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, mặc dù thuốc điều trị và vaccine là 2 yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhưng ý thức của người dân, của lực lượng làm công tác phòng, chống dịch vẫn vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, không được chủ quan, lơ là. Bên cạnh đó, cần tập trung giám sát dịch tễ trong trạng thái thích ứng bình thường mới.
Về việc thực hiện cách ly, điều trị F0 tại nhà, địa phương cần tiếp tục chủ động tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế; cần xây dựng kế hoạch xét nghiệm phù hợp tình hình hiện nay và bố trí trạm y tế lưu động tại các địa phương có nguy cơ cao; nên có sự liên kết tốt hơn giữa các tầng điều trị bệnh nhân COVID-19, nhất là ở tầng 2 và tầng 3.
Tiếp tục tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, tự bản thân phát hiện các triệu chứng báo hiệu nhiễm COVID-19 để kịp thời tiếp cận công tác điều trị…/.