Bắc Ninh công bố Chỉ số điều hành, quản trị địa phương năm 2022
VOV.VN - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang nhận định: “Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những công cụ quản lý hữu hiệu, phục vụ có hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh”.
Ngày 22/12, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị Công bố Chỉ số điều hành, quản trị địa phương (Par Index, DDCI, ICT Index) tỉnh Bắc Ninh năm 2022 với chủ đề “Đổi mới, trách nhiệm, cầu thị, lắng nghe, hành động”.
Năm 2022, tỉnh Bắc Ninh xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu trong hoạt động chỉ đạo, điều hành nhằm nỗ lực đưa tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, biến động thị trường để sớm phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các Sở, ban, ngành, tỉnh Bắc Ninh có 8 Sở có Chỉ số cải cách hành chính trên 90 điểm; 9 sở, ngành có Chỉ số cải cách hành chính từ 80 – dưới 90 điểm. Giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính của 17 Sở, ban, ngành năm 2022 là 89,92 điểm, giảm 1,72 điểm so với năm 2021. Có 3 Sở đạt Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 cao nhất là Sở Xây dựng, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh. Sở Tài nguyên và Môi trường có kết quả Chỉ số cải cách hành chính thấp nhất.
Với cấp huyện, thành phố, điểm trung bình cải cách hành chính cấp huyện là 86,60, tăng 1,86 điểm so với năm 2021. Thành phố Bắc Ninh, huyện Gia Bình và thành phố Từ Sơn là 3 đơn vị nhiều năm liền Chỉ số cải cách hành chính đứng ở vị trí cao trong bảng xếp hạng. Bên cạnh đó, huyện là Lương Tài, Quế Võ và Tiên Du có Chỉ số cải cách hành chính ở vị trí thấp.
Về kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành, địa phương (DDCI), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Phương Bắc cho biết, triển khai từ năm 2016, Chỉ số DDCI dần khẳng định vai trò là chỉ dẫn tin cậy để tỉnh Bắc Ninh đưa ra những chương trình hành động thiết thực, sát đúng tình hình thực tiễn phát triển.
Kết quả, Cục Thuế tỉnh tiếp tục dẫn đầu với 72,28 điểm; Sở Thông tin và Truyền thông xếp thứ 2 với 71,97 điểm; Ngân hàng Nhà nước xếp thứ 3 với 71,94 điểm; Sở Tài nguyên và Môi trường xếp cuối cùng với 69,41 điểm. Khối các địa phương, UBND huyện Quế Võ dẫn đầu với 71,45 điểm; huyện Tiên Du xếp thứ 2 với 70,61 điểm; xếp cuối cùng là huyện Lương Tài với 68,36 điểm…
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang nhận định, với sự cố gắng, chủ động của các cơ quan, đơn vị trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, là một trong những công cụ quản lý hữu hiệu, phục vụ có hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
“Để tăng cường hiệu quả công tác cải thiện các Chỉ số điều hành, quản trị trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị các cơ quan chủ trì các Chỉ số căn cứ Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch của Trung ương, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu thực tiễn của tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra công vụ, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức gây phiền hà, nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp”- bà Giang nói.
Tiếp tục phát huy vai trò của Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp “tổ 3 nhất” trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; phát huy vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các Sở, ngành, địa phương trong việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân ngay từ cơ sở. Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong xử lý, giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị; nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại doanh nghiệp một cách thực chất; đổi mới hình thức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp./.