Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cùng Covid-19 có nguy hiểm?
VOV.VN - Theo ThS.BSCKII Nguyễn Thu Hường (Bệnh viện Thanh Nhàn), nếu bệnh nhân chỉ mắc sốt xuất huyết đơn thuần, triệu chứng là rất mệt mỏi, sốt cao. Tuy nhiên, kèm theo mắc Covid-19, triệu chứng sẽ nặng nề hơn và phải điều trị kéo dài hơn.
ThS.BSCKII Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), cho biết cơ sở y tế này vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam (35 tuổi, ở Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch khi mắc sốt xuất huyết cùng Covid-19.
Được biết, bệnh nhân đã sốt ngày thứ 2 ở thời điểm nhập viện. Nhiệt độ cơ thể cao nhất có lúc lên tới 40 độ C. Bệnh nhân được đưa tới bệnh viện trong tình trạng đau đầu, sốt cao và co giật.
Tại đây, bệnh nhân được test nhanh Covid-19 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và chuyển tiếp sang phòng khám sàng lọc của bệnh viện.
“Chúng tôi tiếp tục tầm soát cúm A, cúm B đều âm tính và, xác định người bệnh dương tính với bệnh sốt xuất huyết và đang diễn biến bệnh trong khoảng 1-5 ngày”, bác sĩ Hường cho hay.
Bệnh nhân đã được phát hiện điều trị kịp thời nên sức khỏe của người bệnh đã ổn định và đã được ra viện.
Theo BS Hường, nếu bệnh nhân chỉ mắc sốt xuất huyết đơn thuần, triệu chứng là rất mệt mỏi, sốt cao. Tuy nhiên, kèm theo mắc Covid-19, triệu chứng sẽ nặng nề hơn, bệnh nhân sốt cao, mệt mỏi và phải điều trị kéo dài hơn.
“Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là bệnh gây ra do virus. Do đó, 2 bệnh lý này có thể gây ra những triệu chứng chồng lấp và tăng nặng, gây khó khăn cho việc điều trị cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh” - BS Hường nhận định.
Thông thường, diễn biến của sốt xuất huyết thường xảy ra trong vòng 10 ngày đầu. Từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 3, tình trạng ít nghiêm trọng hơn. Lúc này, nếu bệnh nhân đến khám và được chẩn đoán sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ hướng dẫn theo dõi tại nhà bằng việc đo nhiệt độ, bù nước điện giải và chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân, hẹn tái khám.
Trường hợp bệnh nhân sốt li bì, đau đầu, nôn, không ăn uống được, ý thức giảm,… là các dấu hiệu tiên lượng nặng. Dù chỉ đang ở ngày thứ 2, bệnh nhân cũng cần đến cơ sở y tế để thăm khám, từ đó có sự can thiệp kịp thời của nhân viên y tế.
Theo Bộ Y tế, hiện nay dịch sốt xuất huyết Dengue đang có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 89.120 trường hợp mắc, 34 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 148%, tử vong tăng 25 trường hợp.
Dự báo số mắc sốt xuất huyết Dengue thời gian tới tiếp tục gia tăng cùng với đó số nhập viện, số ca nặng cũng tăng lên. Để chủ động trong công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh Dengue tới mức thấp nhất; Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các Bộ, ngành nghiêm túc triển khai, tổ chức thực hiện việc phân tuyến điều trị sốt xuất huyết Dengue.
Theo Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ
Mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue (phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời).
Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo (người bệnh được cho nhập viện điều trị).
Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng (người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu), mức độ này bao gồm: Sốc sốt xuất huyết Dengue; Sốc sốt xuất huyết Dengue nặng; Xuất huyết nặng; Suy tạng nặng
Bộ Y tế lưu ý, trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy khi thăm khám cần phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.
Phân tuyến quản lý, điều trị sốt xuất huyết thế nào?
Bộ Y tế nêu rõ trạm Y tế xã phường/thị trấn, phòng khám đa khoa, chuyên khoa Nội, Nhi, Bệnh viện đa khoa tư nhân tiếpnhận bệnh nhân ở mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue (trừ các trường hợp xem xét chỉ định nhập viện điều trị tại mục A, điều trị sốt xuất huyết Dengue phần IV. Điều trị của Quyết định 3705/QĐ-BYT ngày 22/8/2019 của Bộ Y tế)
Bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã, thành thuộc tỉnh và Bệnh viện đa khoa tư nhân tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1.
Đối với mức độ 2, chỉ những bệnh viện đa khoa tư nhân đã được tập huấn điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo mới tiếp nhận
Đối với mức độ 3, chỉ những bệnh viện đã được tập huấn, chuyển giao điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng tiếp nhận bệnh nhân;
Nếu sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, các bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã, thành thuộc tỉnh và Bệnh viện đa khoa tư nhân điều trị chống sốc ban đầu, hội chẩn chuyển tuyến trên
Nếu sốc sốt xuất huyết Dengue nặng có suy tạng, xuất huyết thì sơ cứu, hội chẩn chuyển tuyến trên
Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi, Sản-Nhi tuyến tỉnh tiếp nhận điều trị bệnh nhân ở mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue; Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng
Bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết Dengue tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue; Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo; Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng./.