Bệnh viện gặp khó khi tham gia chống dịch Covid-19
VOV.VN - Làm việc trong điều kiện quá tải, áp lực nhưng thu nhập của nhân viên y tế không tăng, thậm chí còn giảm so với trước khi có dịch. Các bệnh viện đang gặp khó khăn trong thanh toán chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 và duy trì hoạt động.
Nhiều vướng mắc khi thanh toán kinh phí chống dịch
PGS-TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Giám đốc Bệnh viện dã chiến Tân Bình cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh đã tạm ổn, các hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện Thống Nhất đã trở lại bình thường, đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch bệnh theo tinh thần của Nghị quyết 128.
Tuy nhiên, bệnh viện đang gặp một số khó khăn khi thực hiện khám chữa bệnh trong tình hình mới. Theo quy định của Bộ Y tế thì Bệnh viện phải tổ chức xét nghiệm định kỳ miễn phí cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân điều trị nội trú và nhân viên y tế. Đối với bệnh nhân ngoại trú, Bộ Y tế yêu cầu không được thu phí xét nghiệm, tuy nhiên, thanh toán ở nguồn nào thì chưa có hướng dẫn. Điều này tạo nên nhiều khó khăn cho tài chính của bệnh viện bởi các kit test đều phải mua nhưng nếu miễn phí cho người bệnh thì không biết sẽ tính vào đâu.
Còn tại Bệnh viện dã chiến Tân Bình, các nguồn lực hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch cũng đang gặp một số khó khăn. Trước đây, Bệnh viện dã chiến Tân Bình được thành lập trong điều kiện hỏa tốc để cứu chữa bệnh nhân nên phải mượn một số thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế của Bệnh viện Thống Nhất.
Cũng có thời điểm lãnh đạo bệnh viện hết sức lo lắng khi việc thanh toán khó khăn. “Giai đoạn đầu, mọi người chưa hiểu và sợ các thủ tục giấy tờ thanh tra kiểm toán không phù hợp, nên họ làm rất chặt chẽ. Lúc đó rất lo lắng, vừa lo chống dịch vừa lo tìm các thủ tục sao cho cung ứng được thuốc men và vật tư y tế. Rất may, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh và Sở Y tế thành phố đã đôn đốc và quyết định cho phép bệnh viện dã chiến mua sắm theo giá đấu thầu của Bệnh viện Thống Nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viện dã chiến hoạt động”, PGS-TS Lê Đình Thanh chia sẻ.
Tuy nhiên, hiện, việc thanh toán chi phí suất ăn cho bệnh nhân và cán bộ nhân viên y tế cùng các lực lượng tham gia chống dịch ở bệnh viện dã chiến cũng gặp một số vướng mắc về thủ tục hành chính. “Đáng lẽ danh sách bệnh nhân và người phục vụ tại bệnh viện dã chiến chỉ cần giám đốc bệnh viện hoặc người phụ trách ký xác nhận. Nhưng quy định phải do UBND quận duyệt nhưng quận lại không trực tiếp sử dụng nhân lực và quản lý bệnh viện thì làm sao người ta dám ký xác nhận?", PGS-TS Lê Đình Thanh nêu ví dụ.
Công việc quá tải, áp lực nhưng thu nhập của nhân viên y tế có tăng?
Hơn hai năm chống dịch Covid-19, toàn bộ lực lượng cán bộ nhân viên ngành y tế đã căng mình làm việc ngày đêm. Thậm chí trong giai đoạn này, nhiều y bác sĩ trở thành F0 nhưng vẫn không thể rời vị trí bởi nhiệm vụ chống dịch vẫn đang chồng chất khi số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng vô cùng lớn và gia tăng rất nhanh. Công việc nhiều, làm việc trong điều kiện quá tải, áp lực và vô cùng vất vả nhưng nghịch lý là thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế lại giảm so với trước khi có dịch.
PGS-TS Lê Đình Thanh cho biết, Bệnh viện Thống Nhất là đơn vị thực hiện tự chủ chi tiêu thường xuyên. Do đó, lương của tất cả nhân lực của bệnh viện đều do bệnh viện tự chi trả. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hai năm qua, tất cả nhân viên y tế của Bệnh viện Thống Nhất đều phải tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến, sàng lọc lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine…mọi hoạt động khám chữa bệnh thông thường của bệnh viện đều bị thu hẹp lại. Thế nhưng, nhà nước chỉ chi trả phụ cấp chống dịch cho đội ngũ này còn bệnh viện vẫn phải tự chi lương.
“Chúng tôi phải tìm mọi nguồn và cố gắng đảm bảo lương cứng cho cán bộ, nhân viên y tế. Tôi biết nhiều bệnh viện còn không được như vậy. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì các nguồn lực dự trữ của bệnh viện đã hết rồi. Trước đây, khi phát triển các kỹ thuật và làm các dịch vụ, ngoài phần lương thì anh em có thu nhập tăng thêm. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có lương mà không có thu nhập tăng thêm. Mà lương cứng thì 1 điều dưỡng chỉ có 6-7 triệu đồng/tháng, do vậy cuộc sống rất khó khăn. Cũng đã có hiện tượng nhân viên y tế mặc dù rất yêu nghề nhưng không trụ nổi phải tìm việc khác để kiếm thêm thu nhập”, PGS-TS Lê Đình Thanh chia sẻ.
Trước đây, chế độ phụ cấp chống dịch cho các tình nguyện viên trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, vệ sinh thu gom rác tại bệnh viện dã chiến là 300.000 đồng/người/ ngày. Tuy nhiên, hiện nay, mức phụ cấp giảm xuống chỉ còn là 130.000 đồng/người/ngày. Chế độ này là chưa hợp lý vì các tình nguyện viên cũng tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh, nguy cơ lây nhiễm cao, vì vậy số người phục vụ tại bệnh viện dã chiến cũng giảm nhiều.
Cần thống nhất chính sách, cơ chế đãi ngộ cho lực lượng tham gia chống dịch
PGS-TS Lê Đình Thanh cho rằng, khi xác định sống chung an toàn với Covid-19 và chuyển từ trạng thái đại dịch sang dịch bệnh, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các bệnh viện khi thanh toán chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 thì nên quy về một mối là bảo hiểm y tế. “Theo tôi, ngân sách nhà nước hay bảo hiểm y tế đều là nguồn lực nhà nước. Khi coi Covid-19 như bệnh lưu hành thì nên quy lại một mối để tránh sự chồng chéo và khó khăn trong việc thanh toán, giảm các thủ tục hành chính, đảm bảo sự chính xác, không trùng lặp cũng như không bỏ sót khi thanh toán cho các bệnh viện. Nếu nguồn thu quỹ bảo hiểm y tế không đảm bảo thì ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ” , PGS-TS Lê Đình Thanh nêu ý kiến.
Đồng thời, PGS- TS Lê Đình Thanh cũng mong muốn ngân sách nhà nước sớm hỗ trợ nguồn tiền để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên y tế tại các bệnh viện đang thực hiện tự chủ mà nguồn thu không đảm bảo do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, khuyến khích các bệnh viện phát triển kỹ thuật chuyên sâu: “Do tập trung chống dịch nên trong hai năm qua, việc phát triển các kỹ thuật cao, chuyên ngành tại các bệnh viện không được chú trọng. Vì vậy, tôi mong muốn trong giai đoạn này, ngân sách nhà nước tập trung nguồn lực để đầu tư cho công tác phòng chống dịch cho các tuyến y tế cơ sở và các bệnh viện để phát triển các kỹ thuật chuyên sâu” - PGS- TS Lê Đình Thanh nói.
Về lâu dài, vị giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cũng cho rằng, cần có cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đồng nhất giữa các khu vực, các lực lượng tham gia chống dịch: “Chính phủ và Bộ Y tế cũng cần tính đến phương án khi chúng ta sống chung với Covid-19 thì phải đánh giá tác động của bệnh dịch đến đời sống, thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế nói riêng và các lực lượng chống dịch nói chung. Cần có chế độ chính sách thống nhất giữa các nơi và các ngành tham gia chống dịch. Vì hiện nay đang có sự chênh lệch giữa các lực lượng tham gia chống dịch, trong đó ngành y tế chưa được quan tâm lắm. Cần có giải pháp cho người tham gia điều trị bệnh truyền nhiễm này được hưởng phụ cấp đảm bảo sức khỏe và động viên tinh thần anh em", PGS-TS Lê Đình Thanh bày tỏ./.