Biến chủng BA.5 xâm nhập vào Việt Nam liệu có gây bệnh nặng hơn?
VOV.VN - Nhận định về biến chủng BA.5, chuyên gia y tế cho rằng, y học thế giới hiện chưa có bằng chứng cụ thể về khả năng gây bệnh nặng của biến chủng này. Thời gian tới, vẫn cần có những nghiên cứu bài bản hơn.
Chiều 27/6, tại buổi gặp mặt cung cấp thông tin y tế, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết thời gian qua, hệ thống giám sát trọng điểm của Việt Nam, nhất là các viện, bệnh viện, Cục thường xuyên lấy mẫu, giải trình tự gene. Hiện, Việt Nam đã có sự xâm nhập chủng BA.5 của Omicron.
Theo GS Phan Trọng Lân, đây là điều tất yếu khi người dân giao lưu, đi lại trong bối cảnh bình thường mới. "Khi xâm nhập chủng mới thì các nguy cơ chủng này có thể lấn lướt chủng cũ như BA.1, BA.2"- ông Lân nói.
GS Lân cho biết, qua một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu, biến chủng BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn BA.1 và BA.2.
"Về khả năng gây bệnh nặng của biến chủng mới này, y học thế giới hiện chưa có bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chưa được công bố cũng cho thấy chúng gây biểu hiện bệnh nặng hơn. Để có được bức tranh tổng thể, đầy đủ hơn về biến chủng này, vẫn cần có những nghiên cứu bài bản hơn"- GS Lân nêu rõ.
Theo Nature, nhà dịch tễ học Christian Althaus tại Đại học Bern cho biết, sự gia tăng của BA.4 và BA.5 dường như xuất phát từ khả năng lây nhiễm sang những người đã miễn dịch với các dạng Omicron trước đó và các biến thể khác. Cũng theo chuyên gia này, hầu hết các nước trên thế giới trừ Châu Á đang nới lỏng kiểm soát SARS-CoV-2, thì sự gia tăng của BA.4 và BA.5 là gần như không tránh khỏi và sẽ chỉ giảm đi khi có đủ số người nhiễm bệnh.
Trên cơ sở sự gia tăng của BA.5 ở Thụy Sĩ, chuyên gia Althaus ước tính rằng khoảng 15% người dân ở nước này sẽ bị nhiễm virus. Nhưng các quốc gia khác nhau có tỉ lệ miễn dịch khác nhau do lịch sử của các đợt COVID-19 và tỷ lệ tiêm chủng khác nhau. Kết quả là quy mô của làn sóng BA.4 và BA.5 sẽ thay đổi tùy theo từng nơi, có thể là 5% ở một số quốc gia, nhưng lại là 30% ở những nước khác.
Trước tình hình biến thể BA.5 xâm nhập Việt Nam, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sẽ tiếp tục chủ động giám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện các biến chủng mới, từ đó triển khai các biện pháp phòng chống dịch an toàn, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp.
Hai kịch bản ứng phó dịch Covid-19
Tại dự thảo mới nhất của Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, lấy ý kiến góp ý của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, trên cơ sở Kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022 của WHO, Bộ Y tế đề xuất Phương án Bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 năm 2022– 2023, trong đó có 2 tình huống:
Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng.
Đối với tình huống này, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.
Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Đối với tình huống này, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong, bao gồm các biện pháp đặc thù như: Giám sát phát hiện; Kiểm soát ra vào vùng có dịch; Cách ly/ theo dõi sức khỏe; Khám, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2; Phòng lây nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Vệ sinh trong việc quàn, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt...
Do đó, việc phòng chống dịch phải linh hoạt theo chuyển biến dịch bao gồm cả nhóm A và nhóm B nên các biện pháp đáp ứng chống dịch điều chỉnh chuyển dần từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B để thích ứng linh hoạt việc kích hoạt trở lại các biện pháp phòng, chống dịch mạnh, quyết liệt khi virus SARS-CoV-2 biến đổi.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, trong bối cảnh này, Bộ Y tế đưa ra 2 kịch bản là rất đúng. Dựa trên 2 kịch bản này cùng với dịch Covid-19 hiện đang khó dự báo, ông Phu cho rằng cần phải có sự giám sát, đánh giá đúng nguy cơ, tránh hiện tượng giám sát, đánh giá nguy cơ không đúng sẽ dẫn đến việc phòng chống dịch không hiệu quả. Tuy nhiên, việc đánh giá nguy cơ thái quá cũng sẽ ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế xã hội.
Theo PGS Phu, Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” vẫn đúng trong Chiến lược chống dịch Covid-19 của nước ta. “Chúng ta nới lỏng nhưng không buông trôi thả lỏng. Nới lỏng đồng bộ nhưng cũng dự phòng đồng bộ”- ông Phu nói.
PGS Phu cũng một lần nữa khẳng định Covid-19 hiện vẫn không có gì thay đổi trong biện pháp phòng bệnh, dịch vẫn lây lan theo hình thức giọt bắn. Vì vậy, dự phòng cá nhân và vấn đề vaccine vẫn là quan trọng. Nhưng cũng phải linh hoạt trong cách dự phòng cá nhân. Bên cạnh đó, vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu. Theo ông Phu, hiệu quả bảo vệ của vaccine với biến thể Omicron có thể giảm nhưng vẫn có hiệu lực, vẫn tốt.
“So sánh 2 đợt bùng phát dịch vừa qua tại miền Nam và miền Bắc, chưa tiêm và đã tiêm. Bằng giờ năm ngoái, số ca mắc Covid-19 rất cao, tử vong rất lớn, nhập viện rất nhiều nhưng thời gian qua, chúng ta không còn tình trạng đó. Điều quan trọng là không có bệnh nhân nặng, không quá tải bệnh viện và không có bệnh nhân tử vong. Ngành y tế phải luôn luôn xem sức chống đỡ của chúng ta đến mức nào để chúng ta thực hiện phòng chống dịch hiệu quả”- ông Phu cho biết./.