Bộ Y tế làm việc với Quảng Ninh về phương án cách ly y tế 7 ngày với người nhập cảnh
VOV.VN - Trước mắt, việc thí điểm này sẽ được thực hiện trong tháng 7 và bước đầu Quảng Ninh chỉ áp dụng với người nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Chiều nay (1/7), Thứ trưởng Bộ Y tế, Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID -19 có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh thống nhất phương án hướng dẫn triển khai thực hiện cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh.
Theo quyết định 3092 ngày 25/6/2021 của Bộ Y tế, những người tiêm đủ vaccine COVID-19 theo quy định, người nhập cảnh có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 12 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính sẽ được cách ly y tế 7 ngày tại Quảng Ninh.
Trước mắt, việc thí điểm này sẽ được thực hiện trong tháng 7 và bước đầu Quảng Ninh chỉ áp dụng với người nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Ông Phạm Ngọc Sáu, Tổng Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cho biết: “Việc đầu tiên chúng tôi cần thay đổi đó là quy trình đón tiếp để phù hợp với hướng dẫn của Bộ y tế để tách khách đủ điều kiện cách ly 7 ngày với khách không đủ điều kiện cách ly 7 ngày; minh bạch các khoản phí, thay đổi các phương tiện vận chuyển...chúng tôi vẫn phải đặt ưu tiên hàng đầu là tránh lây nhiễm cho nhân viên và trong cộng đồng”.
Điểm mới nhất trong quy trình thực hiện cách ly y tế tập trung này là sẽ được giảm thời gian xuống còn 7 ngày, theo dõi tại nhà 7 ngày tiếp theo trước khi hòa nhập với cộng đồng. Quá trình cách ly tập trung, người nhập cảnh sẽ được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 vào ngày đầu tiên và ngày thứ 6 tại nơi cách ly tập trung.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết phương án xây dựng của Bộ đã chi tiết tới mức cần thực hiện xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 cho người nhập cảnh.
“Khi xây dựng phương án thí điểm, chúng tôi đã xây dựng chặt hơn so với các nước khác trên thế giới vì ở Việt Nam miễn dịch cộng đồng kém và chưa tiêm được nhiều vaccine. Nên vì sao cần phải xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể là như vậy”, ông Phu nói.
Toàn bộ quá trình vận chuyển, bàn giao, cách ly tới nơi cư trú, người nhập cảnh sẽ được sử dụng công nghệ thông tin thông qua hệ thống sim điện thoại và vòng tay thông minh cho người già và trẻ nhỏ. Trong đó, người nhập cảnh bắt buộc sử dụng phần mềm VHD (Vietnam Health Declaration) 3 lần vào 3 khung giờ để nhận diện khuôn mặt, giọng nói, cập nhật khai báo khi có bất thường.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã làm rõ những băn khoăn như cần minh bạch các chi phí ngay từ đầu thực hiện quy trình; việc giám sát người nhập cảnh sau khi đã thực hiện 7 ngày cách ly tập trung tại Quảng Ninh được thực hiện và giám sát như thế nào.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, PCT UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trách nhiệm tại Quảng Ninh là làm tốt việc đón tiếp và cách ly tại tỉnh 7 ngày. Vậy sau 7 ngày ra khỏi tỉnh Quảng Ninh thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm thì chúng tôi chưa thấy rõ trong kế hoạch.
"Đầu mối xác định, thống nhất việc quản lý là ai nếu trong trường hợp có những bất thường xảy ra khi họ về địa phương, về nhà của họ”, bà Hạnh nêu ý kiến.
Hiện nay, Quảng Ninh đã thống kê có 23 khách sạn với khoảng 7.600 giường có thể tham gia thực hiện thí điểm cách ly; bố trí mỗi điểm có đủ các thành phần giám sát từ y tế, công an tới dân quân tự vệ.
Việc thí điểm phương án hướng dẫn triển khai thực hiện cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được thực hiện đến hết 31/7/2021.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế, Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đánh giá cao những nỗ lực của Quảng Ninh trong công tác chuẩn bị cho việc thực hiện thí điểm từ quy trình đón tiếp người cách ly tại sân bay Vân Đồn tới việc chuẩn bị địa điểm cách ly tập trung tại thành phố Hạ Long.
Để thực hiện tốt việc thí điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành cần tập huấn, hướng dẫn địa phương thực hiện tốt việc xét nghiệm kháng nguyên trong ngày đầu tiên bởi đây là một trong yếu tố quyết định người nhập cảnh có được cách ly 7 ngày hay không; Làm tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin tại khu vực nhập cảnh, cách ly tập trung và đặc biệt những nơi người nhập cảnh trở về sau cách ly tập trung. Đây là những ứng dụng mới trong công tác chống dịch nên việc tập huấn là cần thiết và tạo sự đồng bộ trong việc quản lý người nhập cảnh về cách ly.
“Đây là vấn đề mới nên chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Với quyết tâm của các bộ, ngành và của UBND tỉnh Quảng Ninh thì tôi tin hướng dẫn thí điểm tại tỉnh Quảng Ninh sẽ đạt đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia Vũ Đức Đam. Và sau thời gian thí điểm, Bộ Y tế sẽ chủ trì cùng với địa phương đánh giá và báo cáo với ban chỉ đạo Quốc gia và xin ý kiến về việc thực hiện trong thời gian tới", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết./.