Bộ Y tế yêu cầu tìm nguyên nhân các ca phản ứng nặng sau tiêm vaccine Covid-19
VOV.VN - Bộ Y tế lên yêu cầu làm rõ nguyên nhân các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại TP HCM, Hải Phòng và Gia Lai.
Trong văn bản mới đây, Bộ Y tế yêu cầu 3 sở y tế khẩn trương xác minh thông tin, lập hội đồng đánh giá tai biến vaccine sau tiêm chủng, kết luận nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng sau tiêm và triển khai các hoạt động theo quy định.
Theo báo cáo của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia - nơi đang triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, trong gần 1.600 người tiêm đầu tiên (thời gian tiêm từ ngày 8 đến 12/3), có 410 người có phản ứng thông thường, chiếm tỷ lệ 26%.
12 trường hợp phải xử trí tại bệnh viện như nổi mày đay, phù mạch tại chỗ tiêm, khó thở, kẹt huyết áp... chiếm tỉ lệ 0,7%. Trong số này có 6 người tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, 5 người tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng và 1 người tại Gia Lai.
Việt Nam bắt đầu triển khai đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 đầu tiên từ ngày 8/3 tại 13 tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về phòng, chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TP HCM, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19.
Vaccine phòng Covid-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên tại Việt Nam là vaccine của AstraZeneca, một trong ba vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, 117.600 liều vaccine AstraZeneca đã được Bộ Y tế phối hợp với VNVC (đơn vị cung ứng, tiếp nhận lô vaccine này) khẩn trương vận chuyển đến các địa phương ngay sau khi vaccine được rà soát hồ sơ và kiểm định tính an toàn.
Do nguồn cung vaccine trên toàn cầu rất hạn chế, nên để triển khai sớm vaccine phòng Covid-19 trên diện rộng, Bộ Y tế đang tích cực thúc đẩy đàm phán để nhập khẩu vaccine từ các nguồn, đồng thời khẩn trương đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước để đảm bảo tự chủ nguồn vaccine phòng Covid-19 bền vững.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, như bất kỳ một loại thuốc hay vaccine nào khác, vaccine Covid-19 có thể gây ra một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như sốc phản vệ.
“Vaccine là biện pháp phòng dịch thiết yếu, chủ động, hiệu quả, song không có vaccine nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100%, nhưng chắc chắn 100% người được tiêm vaccine sẽ giảm nhẹ tình trạng bệnh nếu mắc phải. Theo các dữ liệu đến tháng 2/2021, vaccine của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai, chưa ghi nhận trường hợp mắc phải nhập viện do Covid-19 trong nhóm những người đã tiêm chủng”, ông Nguyễn Trưởng Sơn nhấn mạnh./.