Cà Mau còn những vụ khiếu nại về đất rừng cần được giải quyết
VOV.VN - Tại tỉnh Cà Mau hiện vẫn còn tồn tại những vụ khiếu nại phức tạp liên quan đến đất rừng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ngày 16/2, Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị công tác quản lý, bảo vệ rừng; phòng cháy chữa cháy rừng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022. Một trong những thông tin đáng quan tâm trong hội nghị là tại Cà Mau còn tồn tại những vụ khiếu nại phức tạp liên quan đến đất rừng.
Tỉnh Cà Mau có hơn 162.000 ha diện tích đất lâm nghiệp. Trong năm 2021, công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng được đánh giá ở mức tốt, vượt mức kế hoạch đề ra. Công tác trồng rừng vượt kế hoạch về cả diện tích và chất lượng. Đặc biệt, việc sản xuất kết hợp trong lâm phần đảm bảo hiệu quả, lợi ích kinh tế của người dân gắn bó với nghề trồng rừng tốt hơn.
Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, trong lĩnh vực lâm nghiệp của tỉnh còn tồn tại khó khăn là một số vụ tranh chấp đất rừng còn kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm. Cụ thể như vụ khiếu nại của người dân xã Khánh Thuận, huyện U Minh; khiếu nại của người dân xã Khánh Hòa (huyện U Minh). Tại vùng đất rừng ngập mặn cũng còn những vụ việc khiếu kiện phức tạp như ở huyện Phú Tân chưa giải quyết xong.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã nêu vấn đề nhiều người dân còn khiếu nại kéo dài trong lâm phần rừng tràm, rừng đước của tỉnh ra để các đại biểu đóng góp ý kiến, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm, đã giải quyết nhưng vẫn chưa kết thúc, đây là vấn đề cần quan tâm.
Ông Sử đánh giá, ngành lâm nghiệp đang có lợi thế phát triển. Những năm qua vùng U Minh hạ đã có nhiều chuyển biến, đời sống người dân thay đổi tích cực, tuy nhiên, chưa xứng tiềm năng. Vấn đề đặt ra là làm sao tiếp tục phát triển kinh tế, cần có những cách làm mới, mục tiêu, giải pháp để phát triển hơn. Trong thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng thời gian tới, ông Lê Văn Sử lưu ý, làm sao vừa đảm bảo an toàn, vừa có thể tiếp tục khai thác kinh tế đất rừng trong mùa khô.
"Công tác phòng cháy chữa cháy đã đi vào quy củ, yên tâm nhưng cần phải xem xét, đề xuất những vấn đề kinh nghiệm, những biện pháp, giải pháp mới. Như việc ứng dụng công nghệ, lắp đặt camera giám sát, kết quả như thế nào, nhân rộng được không? Rồi làm như thế nào để vừa phòng cháy chữa cháy rừng mà vừa phát triển kinh tế du lịch được. Vấn đề là cả mùa khô du khách không được vô rừng, các đơn vị không có nguồn thu", ông Sử nói./.