Cần có quy định thống nhất trong quản lý F0
VOV.VN - Việc F0 tự điều trị tại nhà đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, cần đưa ra những quy định thống nhất, cụ thể, rõ ràng để người dân thực hiện.
Kiến nghị về việc coi Covid-19 là bệnh xuất hiện một cách ổn định đã được trình lên Chính phủ xem xét. Vấn đề này cũng được chúng tôi đưa ra bàn luận trong chương trình "30 phút cùng VOV2" ngày 17/3. Trong giới chuyên môn cũng xuất hiện ý kiến về việc loại bỏ khái niệm F0, F1…. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong năm 2022, toàn ngành vẫn phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tất cả các biện pháp nhằm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Mới đây Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn mới nhất về quản lý F0, theo đó “ F0 được ra khỏi nơi cách ly”, điều này vấp phải những ý kiến và cách hiểu khác nhau. Do vậy, cùng ngày Bộ Y tế đã ban hành một văn bản hướng dẫn khác cụ thể hơn là: “F0 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly nhưng không được ra khỏi nhà”.
Chúng ta cũng dần trở nên quen với con số thống kê F0 “ khủng” như hiện nay, cũng đã quen với việc F0 tự điều trị tại nhà, tuy nhiên việc đưa ra những quy định cho F0 cũng cần phải được thống nhất, cụ thể rõ ràng để người dân có thể nắm rõ, không nên đưa ra những quy định chung chung dể gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc thực hiện không đúng chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch chung.
Có nên để cho F0 không triệu chứng đi làm?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, để có thể coi Covid là bệnh đặc hữu trong thời điểm này vẫn còn quá sớm. Tuy nhiên hiện nay dịch Covid-19 đang lan rộng trong cộng đồng, nhiều người đã nhiễm, có những gia đình, tất cả các thành viên đã bị nhiễm bệnh. Nhiều doanh nghiệp, cơ quan đoàn thể cũng vậy. Hiện nay chúng ta đã tiêm phòng Covid-19 gần như đầy đủ, nếu vẫn thực hiện việc cấm F0 không được ra khỏi nhà thì cũng khó khả thi vì trên thực tế có nhiều F0 không triệu chứng vẫn đi lại ngoài đường, vẫn đi làm.
Trong đề xuất của Bộ Y tế xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 có quy định, trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh Covid-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến.
Hiện nay Long An và Cà Mau là hai tỉnh đầu tiên thực hiện cho F0 không triệu chứng và F1 đi làm, ý kiến này đưa ra đã nhận được sự đồng thuận của nhiều doanh nghiệp, một số địa phương khác cũng bắt đầu thực hiện. Thành phố Hồ Chí Minh cũng xem xét đến việc cho F0 đi làm.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, việc cho phép F0 không triệu chứng đi làm với điều kiện phải tuân thủ đúng quy định cũng là điểm hợp lý. Thực tế có rất nhiều F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng không đáng kể vẫn đi làm bình thường, nếu chúng ta biết họ là F0 và có các biện pháp phòng chống dịch tốt vẫn hơn là có nhiều F0 không triệu chứng, vì muốn đi làm mà không chịu khai báo trung thực.
Nếu không đi làm thì sẽ không có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, vì vậy nhiều người dù biết mình là F0 nhưng vẫn cố tình đi làm. Lúc đó các cơ quan, doanh nghiệp cũng không biết để mà có biện pháp phòng tránh. Nếu không cho họ đi làm sẽ khiến họ giảm thu nhập mà doanh nghiệp cũng bị mất nhân lực, có khi gián đoạn một số khâu ảnh hưởng đến năng suất.
Nhiều cơ sở y tế, lực lượng y bác sĩ đều bị nhiễm bệnh, thiếu nguồn nhân lực thì ai có thể làm thay? Trạm y tế xã không có người làm việc, bệnh viện cũng thiếu vắng cán bộ y bác sĩ như vậy cũng sẽ gây ra những bất cập. Đặc biệt tại thành phố HCM rất nhiều khu công nghiệp, hiện đang trên đà phục hồi kinh tế, đơn đặt hàng nhiều, khát lao động, nếu không cho F0 không triệu chứng đi làm thì đơn sẽ bị đình trệ.
Nhiều người vẫn e ngại khi F0 đi làm
Khi số ca nhiễm gia tăng, dù cho phép F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ đi làm, phần nào đó sẽ ảnh hưởng đến tình hình chung. Khi bệnh lây lan nhiều sẽ chắc chắn làm tăng số trẻ em bị nhiễm nên hoạt động học tập của các em sẽ bị gián đoạn và điều này gây tổn hao thêm do một số người lao động phải bỏ công chăm sóc trẻ.
Đa số mọi người sau khi tiêm chủng sẽ chỉ mắc bệnh nhẹ nhưng chắc chắn sẽ có người tiến triển nặng, đặc biệt là người già, người có bệnh nền và trẻ em chưa được tiêm vaccine. Ngoài ra, cứ mỗi trường hợp nhiễm trùng sẽ khiến cho nhiều tỉ con virus được sinh sản và cứ mỗi lần virus sinh sản là một khả năng xuất hiện biến chủng mới.
Do đó khi số ca lây nhiễm gia tăng nguy cơ xuất hiện biến chủng sẽ gia tăng và có khả năng biến chủng mới sẽ gây bệnh nặng hơn và lây lan nhiều hơn./.