Cần xử lý dứt điểm dự án chậm tiến độ như đường sắt Cát Linh – Hà Đông, sân bay Long Thành
VOV.VN - Theo đại biểu Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ như: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, đẩy mạnh thi công sân bay Long Thành, Điện Biên.
Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội hôm nay (2/6), đại biểu Tô Ái Vang, đoàn Sóc Trăng cho biết, chủ trương của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định phát triển hạ tầng giao thông là một trong 3 đột phá chiến lược. Đánh giá cao Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, mặc dù phải dành nhiều nguồn lực để tập trung phòng, chống dịch COVID-19 nhưng đã rất quan tâm đến việc phát triển hạ tầng giao thông, qua đó đã có các giải pháp triển khai quyết liệt, mang lại hiệu quả bước đầu rất quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đường hàng không, đường bộ và đường biển.
Tuy nhiên, đại biểu Tô Ái Vân cũng kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ như: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, đẩy mạnh thi công sân bay Long Thành, Điện Biên.
Bên cạnh đó, cần sớm phát triển và sớm đưa vào vận hành các cảng biển như Cà Ná, Chu Lai, Lạch Huyện, Cái Mép và Trần Đề.
Đặc biệt, cần tiếp tục có nhiều giải pháp quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nữa để đến năm 2030 đạt được 5.000km đường cao tốc: “Tôi rất tán thành và rất mong Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Việc sớm đầu tư các dự án trên là hết sức cấp thiết, đáp ứng mong đợi của cử tri ở các địa phương, trong đó dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 nhằm phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế cửa khẩu quốc tế và cảng biển. Dự án góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ”, đại biểu nêu rõ.
Cùng thảo luận ý kiến về lĩnh vực giao thông, đại biểu Hoàng Thị Đôi, đoàn Sơn La cho hay, tại báo cáo của Chính phủ có đưa ra nhiệm vụ, giải pháp, đó là đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công.
Với giải pháp này, đại biểu đoàn Sơn La kiến nghị Chính phủ cần sớm xây dựng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội thông qua Đề án thí điểm công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư. Đây là một nội dung tại các kỳ họp trước nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận và đề nghị, như trong dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Tại kỳ họp này Quốc hội cũng đang xem xét Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa cũng có nội dung này. Như vậy, cho thấy việc tách giải phóng mặt bằng tái định cư ra khỏi dự án đầu tư là rất cần thiết. Tuy nhiên, đến nay đề án vẫn chưa được thông qua.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương, đoàn Cần Thơ, quyết định đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trong bối cảnh phải tập trung cho phục hồi kinh tế sau đại dịch là rất quan trọng.
Các quyết định quan trọng này có tầm chiến lược, việc đầu tư này sẽ tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông cho vùng. Theo đó, sự thu hút đầu tư, phân bố lại dân cư, mở ra không gian kinh tế mới cho vùng. Tuy nhiên, để hệ thống hạ tầng giao thông này phát huy hiệu quả tốt, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục có thêm các chương trình hay các cơ chế, chính sách phù hợp để cho vùng có thể khai thác đồng bộ khi hạ tầng giao thông được phát triển đầy đủ. Ví dụ như các chương trình liên quan đến sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản của vùng cũng như các chương trình du lịch./.