“Chưa có năm nào mưa lũ đến sớm, diễn biến dị thường như năm nay”

VOV.VN - Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai đã phải kích hoạt quy trình vận hành, điều tiết liên hồ chứa do mưa lũ ở miền Bắc, mặc dù chưa chính thức bước vào mùa mưa lũ theo quy luật hàng năm.

Ngày 16/6, tại Hà Nội, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đã chủ trì cuộc họp đánh giá vận hành hồ chứa thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình.

Do ảnh hưởng của mưa lớn, trong những ngày vừa qua, các hồ thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình lần lượt phải mở các cửa xả lũ. Đến nay, hồ Sơn La đang duy trì 2 cửa xả lũ, hồ Hòa Bình đang duy trì 5 cửa xả. 

Ông Trần Quang Hoài cho biết: “Theo quyết định số 740/QĐ-TTg, ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ thì quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng sẽ bắt đầu triển khai từ 15/6 hàng năm. Nhưng năm nay, mưa lớn và diễn biến dị thường. Theo ghi nhận từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 thì lũ đã về và theo đề nghị của các chủ hồ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên phải linh hoạt điều chỉnh để kích hoạt quy trình vận hành, điều tiết lũ. Còn thông thường hàng năm, công tác vận hành các hồ chứa thường là giữa mùa hoặc cuối mùa mưa lũ”.

So sánh với các lần vận hành điều tiết lũ trước đây, ông Trần Quang Hoài cho rằng, trước đó, từ ngày 10 – 13/10/2017, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã phải vận hành xả lũ với lưu lượng gần 16.000 m3/giây. Năm 2017 cũng là lần đầu tiên hồ thủy điện Hòa Bình phải vận hành cả 8 cửa xả nhưng đây là thời điểm đúng mùa lũ

“Nhưng ở đợt vận hành hồ đang diễn ra hiện nay thì lại là thời điểm đầu mùa lũ dù theo quy định là chưa đến mùa lũ. Các tỉnh miền Bắc hiện giờ vẫn chưa phải là thời gian trọng điểm mùa mưa lũ, thông thường sẽ kéo dài từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 10”, ông Hoài nhấn mạnh.

Đã tính toán mọi rủi ro khi các hồ xả lũ

Ông Trần Quang Hoài cũng cho biết, lũ ở các tỉnh vùng núi phía bắc ngoài ảnh hưởng do mưa lớn còn có sự cộng hưởng từ lũ chảy từ Trung Quốc vào Việt Nam. Khi trong thời gian qua, theo ghi nhận, Trung Quốc cũng có mưa rất lớn, cả 5 hệ thống sông của nước này đã vượt mức báo động. Ngoài ra, nhiều hồ chứa của Trung Quốc đã phải xả lũ.

Các sông lớn của Việt Nam, trong đó hệ thống lớn nhất đó là sông Hồng và sông Mê Kông chiếm 50% lưu vực và nguồn nước từ các quốc gia thượng nguồn. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã nỗ lực kết nối trao đổi thông tin chia sẻ dữ liệu cơ bản với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Nhưng đặc biệt trên hệ thống sông Thao chảy qua khu vực tỉnh Lào Cai thì hiện vẫn chưa thể nắm bắt thông tin xả lũ từ phía Trung Quốc. Còn trên sông Đà hiện đã có trạm đo ở Kẻng Mỏ (Lai Châu). “Vẫn còn nhiều khu vực biên giới, chúng ta chưa nắm bắt được lưu lượng dòng chảy sẽ về qua các cửa khẩu ra sao và đây cũng là  khó khăn trong công tác chỉ đạo”, ông Hoài nói.

Ông Trần Quang Hoài cũng khẳng định, khi ra quyết định phải xả lũ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã phải tính đến tất cả kịch bản có nguy cơ rủi ro và rủi ro đến ai, hệ thống công trình ra sao và thậm chí phải tính toán các nguy cơ rủi ro khi phải đóng cửa xả. Bởi đóng cửa xả, nước rút quá nhanh sẽ gây ra tình trạng sụt lún, sập mái kè, chân đê.

Trong sáng 16/6, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã cử các đoàn công tác xuống các địa phương kiểm tra các khu vực trọng yếu. Bên cạnh đó, các địa phương ở vùng hạ du sông Hồng trong thời gian các hồ thủy điện xả lũ đang duy trì lực lượng trực 24/24 giờ và duy trì tuần tra, canh đê nhằm kịp thời phát hiện các vị trí xung yếu có thể xảy ra sự cố.

Yêu cầu Hà Nội cần báo cáo kịp thời về tình hình thiên tai, thiệt hại trên địa bàn

Liên quan đến giai đoạn gần đây, công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp, cung cấp số liệu thiệt hại do thiên tai của Hà Nội còn hạn chế, ảnh hưởng đến công tác điều hành, ứng phó với thiên tai, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai vừa có Công văn đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội báo cáo kịp thời về tình hình thiên tai, thiệt hại trên địa bàn.

Nội dung Công văn nêu rõ, trong những năm vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra nhiều trận mưa cường suất lớn gây ngập lụt nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực nội thành. Trong các ngày 29/5 và 13/6, đã xảy ra mưa cường suất lớn vượt lịch sử như: tại đường Láng mưa 138mm trong vòng 2h ngày 29/5 ( mức vượt lịch sử 132,5mm ngày 18/6/1986) gây ngập úng nghiêm trọng nhiều tuyến đường, khu dân cư, gây thiệt hại lớn đối với các phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, một số báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố chưa phản ánh cụ thể mức độ thiệt hại.

Để giảm thiểu thiệt hại, đồng thời cung cấp thông tin cảnh báo người dân chủ động ứng phó, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo kịp thời, cụ thể diễn biến, công tác ứng phó như: xử lý tiêu thoát nước, phân luồng giao thông; thiệt hại đối với các khu dân cư, phương tiện giao thông khi xảy ra mưa lớn. Đồng thời tăng cường thông tin truyền thông, hướng dẫn kỹ năng ứng phó đến cộng đồng, doanh nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cuối năm, mưa lũ sẽ diễn ra dồn dập ở miền Trung như năm 2020?
Cuối năm, mưa lũ sẽ diễn ra dồn dập ở miền Trung như năm 2020?

VOV.VN - Theo chuyên gia khí tượng, giai đoạn tháng 10 - 11/2022, tổng lượng mưa lớn hơn nhiều năm khiến mưa lũ diễn ra dồn dập ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cảnh báo nguy cơ tái diễn mưa lũ lịch sử như năm 2020.

Cuối năm, mưa lũ sẽ diễn ra dồn dập ở miền Trung như năm 2020?

Cuối năm, mưa lũ sẽ diễn ra dồn dập ở miền Trung như năm 2020?

VOV.VN - Theo chuyên gia khí tượng, giai đoạn tháng 10 - 11/2022, tổng lượng mưa lớn hơn nhiều năm khiến mưa lũ diễn ra dồn dập ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, cảnh báo nguy cơ tái diễn mưa lũ lịch sử như năm 2020.

Nhiều tuyến giao thông tại tỉnh Điện Biên bị hư hỏng nặng do mưa lũ
Nhiều tuyến giao thông tại tỉnh Điện Biên bị hư hỏng nặng do mưa lũ

VOV.VN - Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên, tổng thiệt hại do mưa lũ những ngày qua gây ra cho ngành đến thời điểm này ước tính khoảng 35 tỷ đồng.

Nhiều tuyến giao thông tại tỉnh Điện Biên bị hư hỏng nặng do mưa lũ

Nhiều tuyến giao thông tại tỉnh Điện Biên bị hư hỏng nặng do mưa lũ

VOV.VN - Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên, tổng thiệt hại do mưa lũ những ngày qua gây ra cho ngành đến thời điểm này ước tính khoảng 35 tỷ đồng.

Hồ thủy điện Hòa Bình tiếp tục mở thêm cửa xả đáy thứ 5
Hồ thủy điện Hòa Bình tiếp tục mở thêm cửa xả đáy thứ 5

VOV.VN - Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình mở tiếp cửa xả đáy thứ 5 vào 20h tối 15/6.

Hồ thủy điện Hòa Bình tiếp tục mở thêm cửa xả đáy thứ 5

Hồ thủy điện Hòa Bình tiếp tục mở thêm cửa xả đáy thứ 5

VOV.VN - Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình mở tiếp cửa xả đáy thứ 5 vào 20h tối 15/6.