Chuyên gia cảnh báo số ca mắc COVID-19 liên quan BV Việt Đức có thể tiếp tục tăng
VOV.VN - Theo các chuyên gia, việc xuất hiện các ca mắc trong cộng đồng vẫn nằm trong dự báo từ trước. Vì vậy, các BV cũng đứng trước nguy cơ dễ xuất hiện ca nhiễm cộng đồng nếu không đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Từ ngày 30/9, Hà Nội lại ghi nhận liên tiếp các ca F0 trong cộng đồng, nhiều ca phát hiện do đi xét nghiệm sàng lọc. Hiện chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang khá phức tạp. Tính đến sáng 3/10, riêng TP Hà Nội đã ghi nhận 25 ca mắc liên quan đến chùm ca bệnh tại bệnh viện này.
Nhận định về tình hình dịch bệnh của Hà Nội khi phát sinh ổ dịch tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sau nhiều ngày Hà Nội không có ca mắc trong cộng đồng, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá, trong điều kiện hiện nay, việc phát hiện ra các ca cộng đồng là bình thường.
Chúng ta không còn theo đuổi mục tiêu “sạch bóng” virus trong cộng đồng nên sẽ phải chấp nhận xuất hiện các ca lây nhiễm. Vì vậy, các bệnh viện cũng đứng trước nguy cơ dễ xuất hiện các ca nhiễm SARS-CoV-2 từ cộng đồng.
Liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, PGS Nguyễn Huy Nga cho biết, những ngày tới có thể sẽ có thêm nhiều trường hợp mắc COVID-19 trong bệnh viện, kể cả nhân viên y tế nếu không đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Ông Nga cũng cho biết, điều quan trọng hiện nay là cần phải xác định rõ tỷ lệ các ca nhiễm có triệu chứng bệnh, bị nặng và tỷ lệ các ca F0 sức khoẻ bình thường, không có triệu chứng, biểu hiện bệnh.
“Hiện nay, tại Hà Nội, nhiều người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, vì vậy, nếu người dân chỉ dương tính mà không có biểu hiện bệnh nặng thì không có gì đáng lo ngại. Bởi hiện nay chúng ta đã xác định sống chung với dịch, có thể vẫn xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng nhưng không bị nặng. Chúng ta chỉ cần quan tâm đến những người có triệu chứng nặng, phải nhập viện, những người có nguy cơ tử vong; đồng thời giám sát các ca không triệu chứng để tránh lây lan” - PGS Nguyễn Huy Nga nêu rõ.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, các trường hợp mới được phát hiện đều là những người có lịch sử đi lại nhiều, là những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: Trong bệnh viện, nhân viên giao nhận hàng, chăm sóc khách hàng… Việc xuất hiện các ca mắc trong cộng đồng như vừa qua vẫn nằm trong dự báo từ trước. Chúng ta đã xác định không thể trở về trạng thái “zero COVID-19”.
Hiện ngoài cộng đồng vẫn có thể tiềm ẩn nhiều ca nhiễm, đặc biệt, khối bệnh viện cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi vẫn còn tình trạng người dân đi lại, chăm sóc người bệnh.
“Bệnh viện là nơi có các yếu tố dễ làm lây lan dịch bệnh như: Môi trường khép kín, dùng điều hoà nhiệt độ, người bệnh tiếp xúc với nhau cả ngày, tiếp xúc lâu dài với nhau trong điều kiện chật hẹp; đặc biệt nhà vệ sinh sử dụng chung cũng rất dễ lây lan virus vì khi vào nhà vệ sinh, nhiều người sẽ bỏ khẩu trang, ho, hắt hơi, khạc nhổ… làm phát tán virus ra xung quanh” - ông Phu cảnh báo. Do đó, thành phố vẫn phải tiếp tục điều tra dịch tễ để đưa ra đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, việc một bệnh viện ghi nhận các ca mắc COVID-19 sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ khá phức tạp.
Tuyệt đối không chủ quan
Theo các chuyên gia, sau khi phát hiện được các ca mắc trong cộng đồng, Hà Nội sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh truy vết và khoanh vùng. Điều quan trọng nhất ở thời điểm này là cần cố gắng kiểm soát ổ dịch ở phạm vi nhỏ nhất, qua đó mới có thể khống chế tình hình.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, các bệnh viện cần thường xuyên tăng cường phân luồng, sàng lọc theo đúng quy định của Bộ Y tế; tăng cường xét nghiệm luồng bệnh nhân vào bệnh viện. “Khi bệnh nhân vào viện cần phải tiến hành xét nghiệm ngay. Đặc biệt cũng phải định kỳ xét nghiệm trong quá trình người bệnh nằm viện hay những người có dấu hiệu nghi ngờ” - ông Nga cho biết.
Theo PGS Nga, các bệnh viện cần có quy định không cho người nhà vào trong bệnh viện, cố gắng tổ chức chăm sóc, điều trị trọn gói cho bệnh nhân. Mặc dù theo ông để làm được điều này vẫn còn nhiều khó khăn tại các cơ sở y tế công lập của nước ta.
Hiện nay, nhiều bệnh viện đã không cho người nhà vào chăm sóc người bệnh. Theo PGS Nga, bệnh viện là thành trì cuối cùng cần phải giữ vững, thực hiện đúng các quy định để hạn chế dịch phát sinh, lây lan. “Mỗi người trong bệnh viện phải thực hiện tốt, tuân thủ 5K ở mọi lúc, mọi nơi, đeo khẩu trang và rửa tay xà phòng thường xuyên để phòng bệnh”- ông Nga khuyến cáo.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh, thời gian này người dân Hà Nội cần thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế, tuyệt đối không được chủ quan.
Ông Phu cũng nêu rõ, việc tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 vẫn là biện pháp quan trọng nhất để giúp các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng nhẹ, không cần nhập viện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ tử vong do mắc COVID-19 sẽ giảm.
Việc tiêm chủng không giảm triệt để sự lây nhiễm SARS-CoV-2. Bởi người đã tiêm vaccine vẫn có thể làm lây nhiễm virus cho người khác. Việc này đặc biệt nguy hiểm với những gia đình có người cao tuổi, người mắc bệnh nền... Do đó, người dân dù đã được tiêm vaccine COVID-19 vẫn phải cẩn trọng, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng tránh lây nhiễm khi giao tiếp./.
Hà Nội đưa 139 F1 tại Bệnh viện Việt Đức đi cách ly tập trung trong đêm