COVID-19 có thể "tạo điều kiện" gây ra dịch chồng dịch trong thời gian tới
VOV.VN - Đây là khuyến cáo của giới chuyên gia, trong đó, lưu ý việc trẻ em bỏ lỡ các mũi tiêm vaccine do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua.
Người khỏi bệnh, đã tiêm vaccine đều có thể tái nhiễm và mắc COVID-19. Do vậy, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, giới chuyên gia khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, ưu tiên bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao, kiểm soát số ca lây nhiễm và hạn chế bệnh tăng nặng, tử vong.
Cũng theo các chuyên gia, không chỉ có dịch COVID-19, nguy cơ “dịch chồng dịch” cần được lưu ý.
Dự báo số ca mắc COVID-19 thời gian tới sẽ tiếp tục tăng do mầm bệnh đã lây lan rộng trong cộng đồng, với biến thể BA.2 của biến chủng Omicron chiếm chủ đạo. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho rằng, việc triển khai các hoạt động dỡ bỏ hạn chế đối với vận chuyển hành khách, mở cửa du lịch, mở cửa lại trường học và các sự kiện thể thao, văn hóa, xã hội, cùng với đó là tâm lý chủ quan, lơ là của một bộ phận người dân làm tăng nguy cơ gia tăng số nhập viện tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế.
“Dịch COVID-19 vẫn ghi nhận số ca mắc không ngừng tăng cao dù đa phần người bệnh có triệu chứng nhẹ. Trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa lại hoạt động du lịch, đi lại nên sự giao lưu gia tăng sẽ khiến dịch có xu hướng lây lan nhanh và rộng. Một số dịch bệnh đã không xuất hiện nhiều năm nên cơ chế miễn dịch trong cơ thể con người sẽ giảm xuống và theo yếu tố dịch tễ người dân sẽ dễ lây nhiễm khi mầm bệnh xuất hiện, khiến dịch có nguy cơ bùng phát”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói về khả năng “dịch chồng dịch”.
Ông Phu lưu ý, với trẻ em, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua, nhiều trẻ bỏ lỡ lịch tiêm chủng nên phải đề phòng bệnh dịch ở trẻ em. Thời điểm sắp vào Hè, cần phải cẩn trọng với dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh đường tiêu hóa hay viêm não… Trong điều kiện cho phép, các bậc phụ nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ.
Một số phụ huynh cũng băn khoăn việc trẻ nhỏ vừa khỏi COVID-19 thì có thể tiêm các loại vaccine 6 trong một theo đúng lịch hay không. Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, nếu sức khỏe trẻ bình thường thì hoàn toàn tiêm vaccine được.
Trong khi đó, tại TP.HCM và các tỉnh phía nam, các bác sĩ đã cảnh báo nguy cơ đồng nhiễm COVID-19 và sốt xuất huyết. Theo số liệu dự đoán tình hình bệnh trong tháng 3/2022 của Bệnh viện Nhi đồng 1, tỷ lệ trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết trong tháng 2/2022 cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và trong thời gian tới, tỷ lệ trẻ nhập viện do sốt xuất huyết dự kiến có xu hướng giảm. Với bệnh tay chân miệng, tháng 02/2022 vẫn duy trì ở mức thấp, song dự đoán trong thời gian tới, tỷ lệ trẻ mắc tay chân miệng sẽ tăng trở lại. Tỷ lệ trẻ bị tiêu chảy cấp tăng nhẹ và dự báo trong tháng 3/2022 tiếp tục tăng. Tỷ lệ trẻ mắc viêm phổi cũng có khuynh hướng tăng trong thời gian tới…
Đáng lưu ý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) mới đây tiếp nhận khoảng 15 trẻ vừa mắc COVID-19 vừa bị sốt xuất huyết. Trong đó, có ca đã trở nặng và cần sự can thiệp chuyên sâu với những triệu chứng trùng nhau như sốt cao, khó thở, mệt mỏi…
COVID-19 và sốt xuất huyết có các triệu chứng gần giống nhau, nhưng phác đồ điều trị của hai bệnh này hoàn toàn khác nhau. Mắc COVID-19 sẽ gây tổn thương hệ hô hấp và gây suy phổi, gây ra tình trạng loạn máu, tăng đông gây tắc động mạch, tĩnh mạch và mao mạch khiến máu không thể lưu thông tới các cơ quan. Trong khi, sốt xuất huyết lại gây ra tình trạng xuất huyết và sốt ở người bệnh kèm theo các triệu chứng khác như đau bụng, chảy máu cam, máu răng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen...
Những bệnh nhân mắc COVID-19 từ cấp độ trung bình trở lên, các bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc chống đông dự phòng corticoid. Trong khi, đây là loại thuốc chống chỉ định đối với người mắc sốt xuất huyết./.