Đà Nẵng có cơ chế khuyến khích phát triển 300 trạm sạc ô tô điện
VOV.VN - TP Đà Nẵng sẽ có những cơ chế chính sách khuyến khích phát triển trạm sạc xe điện để người dân sử dụng xe điện, sử dụng năng lượng sạch, nâng cao hình ảnh và thương hiệu thành phố đáng sống, xanh sạch đẹp.
UBND thành phố Đà Nẵng vừa công bố “Đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển ô tô điện, trạm sạc điện trên địa bàn TP. Đà Nẵng”. Theo Đề án này, Tp Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được 300 trạm sạc xe điện. Việc ban hành cơ chế khuyến khích phát triển trạm sạc xe điện và người dân sử dụng xe điện, nguồn năng lượng sạch là một phần quan trọng thực hiện chủ trương của TP. Đà Nẵng về sử dụng năng lượng sạch, xây dựng thành phố môi trường.
Theo đề án này, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 165 trạm sạc xe điện; trong đó, 150 trạm sạc cấp 1, 2 và 15 trạm sạc cấp 3. Đến năm 2030, toàn thành phố sẽ có 300 trạm sạc; trong đó có 250 trạm sạc cấp 1, 2 và 50 trạm sạc cấp 3. Các trạm sạc xe điện sẽ đặt tại các bãi đỗ xe, trung tâm thương mại, khu đô thị, trường học, cửa hàng xăng dầu, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng… phủ khắp thành phố.
Để thực hiện đề án này, thành phố Đà Nẵng sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích mua sắm công, sử dụng ô tô điện phục vụ tại các sở ban ngành thành phố phù hợp với các quy định của pháp luật; có lộ trình chuyển đổi xe buýt công cộng chạy bằng xăng dầu sang sử dụng xe buýt điện.
Hiện trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 4 trạm sạc ô tô điện được nghiên cứu đầu tư, lắp đặt. Trong đó, Tổng Công ty Điện lực miền Trung phối hợp với Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) lắp đặt 3 trạm sạc; Công ty Mitsubishi Motors hợp tác với TP. Đà Nẵng xây dựng 1 trạm sạc.
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước có đề án xây dựng và phát triển trạm sạc xe điện. Thành phố sẽ xây dựng những cơ chế, chính sách nhưng vì là lĩnh vực mới nên sẽ từng bước giải quyết các vướng mắc. Trong đó, sẽ có phối hợp với các đơn vị liên quan để nghiên cứu xây dựng chính sách cho vay vốn, hỗ trợ lãi suất khi xây dựng trạm sạc điện. Các chính sách này khi được Thường trực Thành ủy Đà Nẵng thống nhất, Sở Công thương sẽ tham mưu UBND thành phố trình Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua để thực hiện. Theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Sở Công thương thành phố Đà Nẵng sẽ bổ sung đề án xây dựng trạm sạc để được hỗ trợ lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết 149 của HĐND thành phố về việc hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên.
“Những dự án đầu tư trạm sạc sẽ được hưởng hỗ trợ lãi suất. Thứ hai nữa là vay vốn từ quỹ đầu tư phát triển sẽ được vay vốn và hỗ trợ lãi suất. Còn chính sách về tiền thuê đất đối với những vị trí thuộc đất công cũng đề nghị có xem xét có cơ chế để thuận lợi cho các đơn vị đầu tư thuận lợi trong quá trình tiếp cận đất công để đầu tư trạm sạc vừa đúng quy định của pháp luật, vừa tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư”, bà Nguyễn Thị Thúy Mai cho hay.
Ông Trần Dũng, Giám đốc Trung tâm sản xuất thiết bị Đo điện tử Điện lực miền Trung thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Trung cho biết, đơn vị đã nghiên cứu xây dựng 3 trạm sạc đặt tại thành phố Đà Nẵng. Mỗi trạm sạc có công suất 60kW, đáp ứng nhu cầu sạc nhanh trong vòng 20-30 phút, tùy theo dung lượng pin của từng chủng loại xe điện. Đây cũng là đơn vị phối hợp với Sở Công Thương TP Đà Nẵng xây dựng Đề án “Đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển ô tô điện, trạm sạc điện trên địa bàn TP. Đà Nẵng”. Tuy vậy, thực tế hiện nay các trạm sạc xe điện tại Đà Nẵng chưa phát huy được hiệu quả do số lượng xe điện vẫn còn hạn chế.
Ông Trần Dũng cho rằng, để thực hiện đề án có hiệu quả thành phố phải kêu gọi các bên tham gia để đảm bảo hài hòa lợi ích của mỗi bên, phải có cơ chế khuyến khích cụ thể để nhà đầu tư mặn mà đầu tư trạm sạc cũng như người dân sử dụng xe điện. Theo ông Dũng, hiện đơn vị đã đủ năng lực sản xuất trạm sạc theo yêu cầu của thành phố Đà Nẵng.
"Tùy chính sách của thành phố Đà Nẵng nếu ban hành sớm thì mình sẽ triển khai tiếp. Mình sẵn sàng thực hiện, khi nào có chủ trương của thành phố thì thực hiện. Họ cũng có giao mình xây dựng Đề án rồi. Sau này sẽ phối hợp với Sở Công thương để thực hiện, bởi mình là đơn vị tư vấn. Tuy nhiên phải chờ số lượng xe điện người ta nhập về nhiều thì mới phát huy được hiệu quả", ông Dũng cho hay.
Là một trong 2 đơn vị được hưởng lợi từ hợp tác của Mitsubishi Motors với Sở Công Thương TP. Đà Nẵng trong khuôn khổ Dự án Nghiên cứu chung về tiềm năng của ô tô điện ở Việt Nam, Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Đà Nẵng đã sử dụng 2 xe ô tô điện được hỗ trợ. Trong 3 năm sử dụng, xe ô tô điện đã phát huy hiệu quả rất tích cực cho hoạt động của công ty, góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, xe điện có lợi ích thiết thực nhất về kinh tế. Tuy nhiên giá các loại xe ô tô điện hiện vẫn còn khá cao so với mặt bằng xe ô tô chung và so với thu nhập của người tiêu dùng.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, xe điện nói chung, ô tô điện nói riêng là tương lai của ngành công nghiệp chế tạo xe cơ giới, có những ưu điểm vượt trội như tiết kiệm nguyên liệu, tài nguyên, bảo vệ môi trường, an toàn cho người sử dụng. Đi cùng với sự phát triển của xe điện là việc xây dựng, phát triển các trạm sạc xe điện.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, thành phố sẽ có những cơ chế chính sách khuyến khích phát triển trạm sạc xe điện để người dân sử dụng xe điện, nguồn năng lượng sạch là một phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của TP. Đà Nẵng về sử dụng năng lượng sạch, nâng cao hình ảnh và thương hiệu thành phố đáng sống, xanh sạch đẹp. Ông Hồ Kỳ Minh cho hay, đề án cũng là một trong những hoạt động cụ thể triển khai có hiệu quả Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045./.