Đà Nẵng và Quảng Bình chuẩn bị phương án di dời dân tránh bão số 5
VOV.VN - Ứng phó với bão số 5, tỉnh Quảng Bình và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các quận huyện sẵn sàng di dời dân đến nơi an toàn, nhưng vẫn phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Từ sáng sớm 10/9, hàng trăm người dân sống dọc bãi biển khu vực các phường Mân Thái, Thọ Quang, Phước Mỹ của quận Sơn Trà đã chủ động đưa tàu, thuyền, thúng lên bờ để phòng chống bão số 5.
Tại quận Sơn Trà, phương án phòng, chống thiên tai được xây dựng tương ứng với 3 kịch bản. Dự kiến quận Sơn Trà sơ tán gần 700 hộ với hơn 2.900 nhân khẩu. Trong đó, sơ tán tập trung là 89 hộ, sơ tán tại chỗ là gần 600 hộ.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết, phương án di dời dân sẽ theo từng kịch bản, hạn chế tập trung đông người. “Hàng năm, nhận được sự chỉ đạo, các quận và các phường đã rà soát theo kịch bản để sơ tán dân cho phù hợp theo phương châm hạn chế vận động di dân tập trung. Điều này sẽ đảm bảo an toàn cho người dân, tiếp đến là giảm áp lực cho lực lượng cơ sở và thứ 3 là cũng giảm bớt nguy cơ lây lan dịch bệnh”.
Chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 5 đang tiến nhanh vào bờ, UBND thành phố Đà Nẵng cũng chỉ đạo các địa phương hỗ trợ bà con nông dân nhanh chóng thu hoạch toàn bộ diện tích lúa Hè-Thu.
Đến chiều tối nay (10/9), hơn 85% diện tích lúa ở huyện Hoà Vang đã được thu hoạch xong. Số còn lại khoảng hơn 100 héc ta, chủ yếu ở những chân ruộng cao, ít bị ngập nước sẽ được thu hoạch sau khi bão số 5 kết thúc.
Ông Phan Văn Tôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, huyện cũng đã lên phương án di dời dân khỏi những vùng nguy cơ sạt lở: “Chúng tôi đã xây dựng phương án rà soát lại việc di dời dân trong vùng sạt lở, trong đó tập trung vào phương án di dời tránh tập trung đông người. Chúng tôi cũng đã vận động, tuyên truyền nhân dân để chèn chống nhà cửa. Đây là những công việc trước mắt trong sáng nay”.
Chiều cùng ngày (10/9), ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết địa phương đang triển khai lực lượng để sáng 11/9 đưa gần 100 lao động đang ở trong rừng trên địa bàn xã về trường học để đảm bảo an toàn trước khi bão số 5 đổ bộ.
Trước đó, qua rà soát, UBND xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng nắm bắt thông tin về 97 người đang ở trong rừng thuộc địa bàn xã. Những người này là đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương như Quảng Ngãi, Kon Tum, Nghệ An... đến làm thuê cho các chủ rừng trồng tràm. Họ bị mắc kẹt trong rừng từ khi thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.
Thời gian qua, chính quyền xã Hòa Bắc đã hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho nhóm người này để họ đảm bảo sinh hoạt và thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch. Qua trao đổi, có 59/97 người xin được trở về quê. Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện địa phương đang vận động họ tạm thời ở lại tránh trú qua bão số 5 rồi chọn phương án giải quyết hợp lý.
“Ngày 11/9, chúng tôi triển khai đưa họ vào trường học và nhà văn hóa thôn, chăm sóc về hậu cần, sau đó chờ qua bão rồi tính tiếp. Xã đã xin ý kiến của huyện và huyện đồng ý theo phương án đó. Họ có mong muốn về quê nhưng do dịch bệnh và bão nên chúng tôi chưa giải quyết được”, ông Thái Văn Hoài Nam nói.
Còn tại Quảng Bình, những ngày qua đã có mưa lớn, dự báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng thấp trũng. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, địa phương đã vận động nhân dân chủ động cắt tỉa cành cây, giằng chống, gia cố nhà ở, các công trình công cộng, tiêu độc khử trùng các khu vực, địa điểm sơ tán đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho nhân dân khi bão, lũ xảy ra.
Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã thu hoạch 13.400 héc ta lúa, đạt tỷ lệ 87% diện tích lúa Hè- Thu. Mưa to kèm gió mạnh đã khiến hơn 1.000 héc ta lúa, sắn, rau màu ở các địa phương ở tỉnh này đổ rạp, ngập úng. Hiện nay, nông dân tỉnh Quảng Bình đang tranh thủ gặt lúa “chạy bão”. Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương đã bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống, triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều, nhất là các điểm xung yếu.
Theo ông Mai Văn Minh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình đã có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để đảm bảo an toàn khi có tình huống xảy ra.
“Sau khi tưới cho vụ lúa Hè-Thu, chúng tôi thực hiện quy trình xả kiệt nước, hiện nay các cống đã được kéo lên đảm bảo vận hành an toàn, tạo sự yên tâm cho vùng hạ du. Trên toàn tỉnh hiện nay mực nước hồ xấp xỉ 33%, với lượng mưa dự báo vẫn đang ở ngưỡng chứa an toàn”./.