Dân sống mòn mỏi cạnh nhà máy xi măng
VOV.VN - “Đi cũng chưa được, ở cũng không xong”, đây là tình cảnh chung của gần 2.000 hộ dân sống xung quanh Nhà máy xi măng Đại Việt-Dung Quất, tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Thực tế này kéo dài gần 9 năm nay nhưng chưa có hướng giải quyết dứt điểm.
Nhà ông Nguyễn Chính, ở khu dân cư số 10, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn nằm cách tường rào Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất mấy trăm mét. Từ năm 2012, khi Nhà máy bắt đầu hoạt động, người dân sống quanh khu vực này chịu cảnh bụi bặm, ồn ào. Do không chịu nỗi cảnh ô nhiễm, người dân sống ở khu vực này nhiều lần tập trung đông người cản trở hoạt động của Nhà máy.
Ông Nguyễn Chính nêu bức xúc: "Người dân đã nhiều lần kiến nghị. Lãnh đạo cũng đã nhiều lần tiếp xúc với dân hứa di dời dân nhưng không thực hiện, dân mất lòng tin. Mỗi lần nhà máy hoạt động thì dân cứ ra ngăn cản"
Ông Nguyễn Nê ở khu dân cư số 10, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn cho biết, gia đình ông thuộc diện di dời ra khỏi khu vực ảnh hưởng của nhà máy và đã được kiểm kê áp giá đền bù từ năm 2018. Thế nhưng từ đó đến nay, gia đình ông cùng hàng trăm hộ dân sống quanh nhà máy cứ mòn mỏi trông chờ không biết đi hay ở?.
"Gia đình tôi đã nhận được áp giá rồi nhưng chưa đền bù. Nguyện vọng của người dân sống trong vùng ô nhiễm, nếu Nhà nước di dời thì dân đi, còn không di dời thì ở lại, cắn răng mà chịu chứ biết sao. Đi ra khỏi vùng ô nhiễm thì ai không thích"- ông Nê nói.
Kể từ năm 2013 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã chi hơn 100 tỷ đồng di dời dân và xây dựng hạ tầng phục vụ người dân sống xung quanh Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất. Theo kết quả khảo sát năm 2018, tổng số hộ dân cần di dời khỏi khu vực ảnh hưởng của Nhà máy là 1.864 hộ, trên diện tích gần 74 ha, với tổng kinh phí thực hiện dự kiến gần 990 tỷ đồng, chia thành 3 giai đoạn. Thế nhưng, từ năm 2018 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi không có khả năng bố trí ngân sách để thực hiện di dời dân. Ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, kinh phí để di dời và tái định cư cho các hộ dân hiện nay gấp nhiều lần so với thời điểm cách đây 4 năm.
Ông Vũ cho biết: "Quan điểm của địa phương lúc nào cũng mong muốn đặt vấn đề sức khỏe của bà con nhân dân lên trên hết. Tuy nhiên, cũng tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Trong thời gian qua, địa phương đã phối hợp với công ty lấy ý kiến, nguyện vọng của bà con nhân dân với gần 2.000 hộ. Bà con thống nhất gần 99,6% đề nghị di dời ra khỏi khu vực, đến nơi tái định cư, ổn định đời sống, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và phát triển"
Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất, tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn của Công ty cổ phần xây dựng, vật liệu và đầu tư Đại Việt đầu tư, triển khai xây dựng từ năm 2009, hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 6/2012. Đến tháng 3/2013, Công ty Cổ phần xi măng Bỉm Sơn mua lại cổ phần và Nhà máy được giao cho Công ty cổ phần xi măng Miền Trung. Nhưng kể từ tháng 5/2015 đến nay, Nhà máy này đã ngừng hoạt động vì bị người dân ngăn cản. Ngày 4/3/2020, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 76/TB-VPCP truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc di dời hoặc chấm dứt hoạt động của Nhà máy.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã nhiều lần họp với Tổng công ty Xi măng Việt Nam và Công ty cổ phần Xi măng miền Trung, mong muốn di dời dân ra khỏi khu công nghiệp đến nơi ở mới và tạo điều kiện cho Nhà máy sớm hoạt động trở lại. Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc giải quyết bài toán di dời dân hay di dời Nhà máy xi măng Đại Việt phải đặt trong tổng thể hoạt động của các doanh nghiệp trong khu vực. Tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện phương án di dời dân theo 3 giai đoạn. Để mở rộng Nhà máy, doanh nghiệp phải bố trí kinh phí cho tỉnh thực hiện di dời dân theo lộ trình giai đoạn 1. Giai đoạn 2 và giai đoạn 3, tỉnh sẽ thực hiện di dời bằng nguồn ngân sách và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị, chậm nhất đến năm 2030, phải hoàn thành việc di dời toàn bộ gần 2.000 hộ dân ra khỏi khu vực này. "Để được tiếp tục hoạt động, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Tổng công ty xi măng Việt Nam VICEM, Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất làm việc cụ thể với chính quyền địa phương và người dân. Khi nhận được sự đồng thuận của người dân mới được phép hoạt động với điều kiện phải đảm bảo về môi trường, tất cả các tiêu chuẩn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tỉnh Quảng Ngãi chỉ đồng ý để nhà máy hoạt động trở lại với điều kiện nhận được sự đồng thuận của người dân"- ông Minh nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, nguyện vọng của doanh nghiệp muốn được hoạt động trở lại là hết sức chính đáng. Điều này sẽ giảm bớt thất thoát tài sản của Nhà nước. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh thống nhất quan điểm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng giai đoạn 2 của Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất.
"Chúng ta phải có giải pháp cụ thể hơn. Phải tổ chức đối thoại với các hộ dân để thông báo lộ trình, kế hoạch di dời, bồi thường cho các hộ dân. Tổng công ty xi măng Việt Nam VICEM cần lập dự án mở rộng giai đoạn 2 để báo cáo tỉnh. Đặc biệt, vấn đề đầu tư phải đảm bảo môi trường. Muộn nhất là đến cuối quý II năm nay, tỉnh Quảng Ngãi phải có kết luận chính thức về vấn đề này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ"- ông Sinh nói./.