Đạo đức báo chí trong môi trường số: Thách thức và thích nghi của Việt Nam
VOV.VN - Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến “Quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số: Thách thức và thích nghi của Việt Nam".
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 24- 25/6 tại Hà Nội, bàn về 4 nội dung chính: Khái niệm đạo đức báo chí và hệ quả; Kỷ nguyên số, truyền thông đa phương tiện và sai phạm thường gặp khi đưa tin trên mạng; Chia sẻ kinh nghiệm thực thi Quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số tại châu Âu và một số nước thành viên UNESCO; Thực tiễn triển khai các quy định liên quan đến đạo đức báo chí trong môi trường số tại Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao năng lực và tăng cường nhận thức cho các nhà báo, các nhà quản lý, những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, báo chí của Việt Nam để đối phó với những thách thức trong kỷ nguyên số; đưa ra báo cáo khuyến nghị về việc xây dựng và ban hành các nguyên tắc đạo đức báo chí trên môi trường số của Việt Nam cũng như xây dựng mạng lưới và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đạo đức báo chí trên môi trường số.
Tại hội thảo, bà Sasi-on, chuyên gia dự án Phát triển truyền thông của UNESCO khu vực tại Bangkok; đưa ra định nghĩa về đạo đức báo chí và khuyến cáo hậu quả từ những vi phạm về đạo đức báo chí. Vì mục đích của báo chí là cung cấp thông tin cho người dân, do vậy trước tiên báo chí phải tuân theo sự thật và phải giữ thái độ độc lập với những sự kiện và nhân vật mà họ đưa tin. Bà Sasi-on đưa ra 5 tiêu chuẩn về đạo đức báo chí để thích ứng với môi trường số đó là: tính chính xác, tính độc lập, công bằng, tính bảo mật và nhân văn. Báo chí phải vì lợi ích của công chúng.
Cùng với sự phát triển của truyền thông hiện đại, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với các thách thức trên môi trường số, đặc biệt là thời gian gần đây vấn nạn tin giả, thông tin sai lệch… trên mạng Internet ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Cùng quan điểm với bà Sasi-on, ông Mogens Blicher Bjerregård, Chủ tịch Hội Nhà báo Liên minh châu Âu, cũng đưa ra tiêu chuẩn về đạo đức báo chí đó là: chính xác, độc lập và minh bạch, đồng thời cũng phải có độ nhạy cảm khi đưa tin về trẻ em và các nạn nhân.
Trong khi đó, bà Lucila Carrasco, chuyên gia thông tin và truyền thông, Văn phòng UNESCO Việt Nam, trình bày về thực trạng đưa tin sai trong kỷ nguyên số, và các khuyến nghị của UNESCO để giúp giải quyết "thông tin sai lệch". UNESCO đã xây đựng Trung tâm tài nguyên về ứng phó với COVID-19 để hỗ trợ truyền thông, ở đó có rất nhiều tài nguyên âm thanh và hình ảnh để các nhà báo có thể tải xuống và chia sẻ. Ngoài ra, UNESCO đã phát động chiến dịch "Suy nghĩ trước khi nhấp chuột, suy nghĩ trước khi chia sẻ" với hình ảnh, đồ họa, phương tiện truyền thông xã hội và thông điệp trên radio để chống lại thông tin sai lệch, chống phân biệt đối xử.
UNESCO, hợp tác với i4Policy, khởi động chiến dịch trực tuyến #DONTGOVIRAL để cung cấp thông tin cho các cộng đồng trên khắp châu Phi. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đó là hiện nay mỗi cá nhân đều có quyền thể hiện bản thân và tìm kiếm, nhận và chia sẻ thông tin; do vậy mỗi người hãy có trách nhiệm với những thông tin của mình.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số của Việt Nam. Ông nói rằng ranh giới giữa cái đúng và cái sai trên môi trường mạng rất mong manh, mọi người phải có trách nhiệm với nghề của mình. Chúng ta ý thức được những cạm bẫy, thách thức trên môi trường số để không vượt qua giới hạn. Môi trường số đang tác động mạnh mẽ đến tất cả chúng ta, bao gồm nhà báo do vậy chúng ta phải biết được những điểm mạnh, điểm yếu của môi trường số để khai thác hợp lý. Mỗi nhà báo nên nắm rõ 10 quy tắc đạo đức của người làm báo và quy tắc ứng xử trên không gian mạng để áp dụng một cách phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam vì không gian mạng của nước ta có những nét đặc thù riêng, khác với các nước khác. Ông cũng đề nghị nên có nhiều hội thảo, diễn đàn về đạo đức người làm báo như thế này để người làm báo có cơ hội chia sẻ.
Trong khi đó, ông Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam đưa ra lời khuyên cho các nhà báo là không ngừng học, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh khoa học- công nghệ phát triển không ngừng; thực hiện nghiêm 10 Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng cho rằng trong bất cứ nền báo chí nào, đạo đức nghề nghiệp cũng là yêu cầu tất yếu, cốt lõi. Tôn trọng và tuân thủ nghiêm đạo đức nghề nghiệp là cách duy nhất để báo chí tồn tại và đứng vững trong lòng công chúng. Trong kỷ nguyên số, cách thức, phương thức làm nghề không ngừng thay đổi nhưng đạo đức làm nghề, lý tưởng làm nghề không thể khác vì những giá trị tốt đẹp của xã hội. Bà cũng đưa ra một số khuyến nghị về việc triển khai các quy tắc đạo đức nghề báo trong môi trường số ở Việt Nam.
Các diễn giả, các nhà quản lý báo chí và truyền thông và các nhà báo tham dự hội thảo đã có những thảo luận về tiêu chuẩn đạo đức báo chí trong môi trường số, thách thức trong việc triển khai các quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số tại Việt Nam và làm sao để đối phó với thông tin sai lệch, tin giả, quá tải tin tức trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Dựa trên kinh nghiệm của UNESCO, Liên minh châu Âu và một số nước, liên hệ tình hình thực tế tại Việt Nam, hội thảo đưa ra các khuyến nghị về Bộ quy tắc đạo đức báo chí trên môi trường số của Việt Nam./.