Đào tạo lái xe: Có nên giảm thời gian học lái trong sa hình?
VOV.VN - Theo quy định Thông tư số 04/2022, học viên học lái xe phải có 41 giờ và 290km học lái xe trong sa hình. Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng, trong sa hình không có chướng ngại vật, không thể lưu thông tốc độ cao.
Bởi vậy, để đạt 290km trong sa hình sẽ tốn rất nhiều thời gian, nên cần giảm thời gian học trong sa hình, thay vào đó dành thêm thời gian học ngoài hiện trường sẽ góp phần nâng cao kỹ năng cho học viên học lái xe.
Vừa hoàn thành chương trình thực hành đào tạo lái xe để chuẩn bị thi sát hạch, cấp giấy phép lái xe ô tô hạng B1, bạn Tống Kim Phượng, ở Cầu Giấy, Hà Nội khá ngán ngẩm với việc học lái xe hàng chục buổi trong sa hình.
Thực tế, sau 3 buổi được giáo viên dạy lái hướng dẫn, bản thân Phượng đã có thể tự học lái xe trong sa hình, thêm 5 buổi tự tập, Phượng đã tự tin lái trong sa hình, nên việc phảm đảm bảo 41 giờ hoặc 290km học thực hành lái xe trong sa hình thực sự quá lâu:
"Học sa hình như thế là hơi nhiều. Em thấy học trong sa hình cũng chỉ là nhớ những cột mốc, cũng không quá khó. Thầy hướng dẫn 3 tiếng, sau đấy hầu như các bài là em có thể vượt qua được rồi. Em thấy kỹ năng lái chỉ tốt hơn khi có quãng thời gian học DAT ở ngoài đường".
Không chỉ học viên, một số giáo viên cũng khẳng định, việc buộc học viên học lái xe phải học đủ 41 giờ và 290km trở thành áp lực đối với cả giáo viên và học viên. Anh Nguyễn Văn Mạnh, giáo viên dạy lái xe thuộc Trung tâm đào tạo lái xe Lạc Hồng (Hà Nội) cho biết, bình quân mỗi giờ học trong sa hình chỉ đạt khoảng 4-5km. Do vậy, dù học đủ 41 giờ cũng không thể đủ quãng đường 290km theo quy định:
"Học sinh còn phải học xe chip trong sân sát hạch, ít nhất cũng phải 6-8 tiếng rồi, nên việc học 40 giờ trong sa hình như vậy thì nó cũng không cần thiết. Nó làm tăng áp lực cho học viên cũng như các thầy phải bỏ rất nhiều chi phí, thời gian. Theo tôi viêc đó nên giảm, giảm ít nhất một nửa thời gian học trong sa hình như vậy".
Không chỉ học viên, một số giáo viên cũng khẳng định, việc buộc học viên học lái xe phải học đủ 41 giờ và 290km trở thành áp lực đối với cả giáo viên và học viên
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Cao Cương, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Thái Việt (Hà Nội) cho biết, với 11 bài học lái xe trong sa hình, bình quân mỗi giờ học viên lái xe được từ 2-3 vòng quanh sân tập lái, quãng đường bình quân khoảng 3km.
Bởi vậy, để đạt được quãng đường 290km học lái trong sa hình như quy định, sẽ cần thêm hàng chục giờ học lái, gây tốn kém thời gian và chi phí không cần thiết.
"Học trong hình nên giảm đi, giảm về khoảng 20 giờ là phù hợp, thì quãng đường cũng có thể giảm xuống để nó phù hợp với quá trình đào tạo hiện nay, để cho các cơ sở đào tạo cũng chủ động trong vấn đề thiết kế các bài học cho phù hợp", ông Cương nói.
Ông Nguyễn Văn Hải, giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe Đức Thịnh (Hà Nội) cho hay, việc đảm bảo quãng đường học 710km (với giấy phép lái xe hạng B1) và 810km (với giấy phép lái xe hạng B2), về cơ bản học viên đã có thể nắm vững kỹ thuật điều khiển phương tiện, kể cả việc ghép ngang, ghép dọc. Bởi vậy, việc giảm thời gian học thực hành lái xe trong sa hình là phù hợp.
"Đúng là người đi sa hình thế cũng nhiều, mà bài thi sa hình cũng rất là chi tiết, tỉ mỉ rồi. Kể cả có người chậm, người ta cũng sẵn sàng học hơn thế. Sa hình kể ra là không cần phải nhiều lắm", ông Hải nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cũng cho biết, việc giảm thời gian học thực hành lái xe trong sân tập lái cũng là một trong những kiến nghị của Hiệp hội gửi Bộ GTVT khi sửa đổi Thông tư 12 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giời đường bộ.
Theo ông Quyền, với 40 giờ tập lái, và quãng đường 290km học trong sân tập lái là khong tương ứng, thậm chí tốc độ lái xe trong sa hình phải đạt khoảng 7,5km/h mới đảm bảo đủ quãng đường và thời gian theo quy định, trong khi tốc độ thực tế chỉ đạt khoảng 3,5km/h.
"Hiện nay theo ý kiến chung của người học cũng như các cơ sở đào tạo thì người ta đề nghị giảm thời gian học trong sa hình xuống còn khoảng 20 giờ. Chúng tôi cũng đề nghị phải nghiên cứu lại, quy định lại thời gian và cây số, hoặc chỉ quy định thời gian thôi chứ không quy định cây số vì rất khó tương ứng với cây số khi học trong hình", ông Quyền cho biết thêm.
Sự mất cân đối về quy định thời gian thực hành lái xe trên sa hình và đường trường không chỉ làm khó cho giáo viên, người học, mà còn gây mất thời gian và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Việc ban hành một quy định pháp luật nếu không phù hợp sẽ rất khó để đi vào cuộc sống, bởi vậy, để hoàn thiện khung pháp lý, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần liên tục rà soát và điều chỉnh kịp thời những quy định đó, để có đảm bảo tính khả thi.
Từ năm 2017, Thông tư số 12 của Bộ Giao thông vận tải đã quy định, thời gian lái xe trong sa hình là 80 giờ đối với các hạng bằng, 8 giờ tập lái xe tại chỗ không nổ máy và số thời gian còn lại tập lái trên các điều kiện đường sá khác nhau.
Sau đó 5 năm, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 04/2022 sửa đổi Thông tư số 12 theo hướng giảm thời gian học thực hành sa hình xuống 41 giờ và 290km, thời gian học thực hành lái xe trên đường trường là 24 giờ; đối với bằng B1 (số sàn), B2 là 40 giờ, 48 giờ đối với hạng C và 810km.
Như vậy, từ cách đây 6 năm, Bộ GTVT đã có quy định yêu cầu các trung tâm dậy lái xe và các cơ quan chức năng thực hiện giám sát thời gian thực hành lái xe trên sa hình, nhưng tại sao đến thời điểm này, người học, các Trung tâm dạy lái xe mới đưa ra những ý kiến về thời gian thực hành trên sa hình quá nhiều, cần phải điều chỉnh giảm.
Điều này cho thấy một thực tế, quy định về giám sát thời gian thực hành lái xe trong sa hình và trên đường trường mặc dù đã có, nhưng tính khả thi không cao và bộc lộ những bất cập trong quá trình triển khai thực tế.
Lâu nay, có rất ít thấy giáo, học viên nghiêm túc thực hành đầy đủ số giờ tại các sân tập theo sa hình. Bởi lẽ trung bình, quãng đường thực hành lái xe trên sa hình khoảng 1,5km, với quy định tại Thông tư 04, có nghĩa học viên phải thực hành 194 vòng sa hình, tương 65 giờ (nếu 1 giờ học viên chỉ có thể thực hành 2-3 vòng), cao hơn mức quy định 41 giờ hiện nay.
Đó là chưa kể, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Hà Nội mới chỉ có khoảng hơn 10 sân tập lái xe, với số lượng học viên đông như hiện nay, các sân tập cũng gặp tình trạng quá tải, khiến thời gian thực hành của mỗi vòng tập trên sân sa hình kéo dài.
Sân tập sa hình dù được xây dựng theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn với nhiều bài tập sát với sân sát hạch, hướng dẫn học viên các kỹ năng cơ bản. Tuy nhiên, do phạm vi hẹp và ít có chướng ngại vật nên các học viên thiếu cơ hội áp dụng những lý thuyết học được vào trong xử lý tình huống thực tế.
Từ 15/6/2022, các Trung Tâm sát hạch lái xe bắt buộc phải sử dụng thiết bị điện tử DAT, một thiết bị được lắp trên ô tô tập lái để giám sát thời gian, quãng đường thực hành lái xe, những bất cập của quy định này càng bộc lộ rõ.
Bởi kể cả khi có các thiết bị hiện đại, công nghệ cao, nếu như quy định đó không phù hợp, thì các giáo viên, học viên vẫn không thực hiện đúng, đủ thời gian lái xe trong sa hình hoặc làm theo hình thức đối phó
Các cơ quan chức năng khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật đều hướng đến mục tiêu nhất định, khả năng tiếp cận đối với người dân và khả năng triển khai thực thi.
Từ bất cập của quy định về số giờ thực hành trên sa hình trong đào tạo sát hạch lái xe đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát toàn bộ các quy định văn bản pháp luậthiện hành trong công tác sát hạch lái xe, loại bỏ hoặc điều chỉnh, sửa đổi những quy định không phù hợp, thiếu tính khả thi.
Cùng với đó, trong thời gian tới, khi xây dựng các quy định, Thông tư mới, ngành giao thông cũng cần lấy ý kiến trực tiếp từ các Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe, từ các học viên để xây dựng các quy định phù hợp với thực tiễn.
Trong quá trình triển khai thực hiện, cơ quan chức năng cũng kiểm tra, rà soát các quy định và có những điều chỉnh kịp thời, đảm bảo các quy định khi được ban hành dễ dàng đi vào cuộc sống.
Những quy định pháp luật được ban hành cần phải đảm bảo tính khả thi và khả năng tiếp cận của người dân, chứ không nên chỉ ban hành các quy định mang tính hình thức, chỉ làm cho có.