"Để người nghèo mất cơ hội vì chưa làm hết trách nhiệm cũng là một cái tội"

VOV.VN - Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM tại hội nghị tổng kết “Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2021”.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, hiện TP.HCM đã từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống của các bộ phận dân cư, tạo điều kiện, động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần nâng cao chất lượng sống. Các tầng lớp nhân dân và cộng đồng xã hội luôn sẵn lòng chung tay, góp sức bằng những hành động thiết thực, tự nguyện, đa dạng, sâu rộng và có sáng tạo.

Bản thân người nghèo cũng nỗ lực phấn đấu vươn lên vượt khó. Đặc biệt, khi đã thoát nghèo, họ quay trở lại giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Điều này thể hiện rõ nét nhất trong thời khắc cam go khốc liệt khi TP.HCM ứng phó với đại dịch COVID-19 năm ngoái. 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Nên, đại dịch COVID-19 đã cho thấy còn rất nhiều người nghèo khó, thiếu thốn đang sống vất vả trên địa bàn mà TP.HCM chưa thể nắm hết, chưa thể lo tới. Trong số đó có những người đang sống “một cảnh hai quê”. Thời điểm cuối tháng 9/2021, khi TP.HCM dần nới lỏng giãn cách, người dân đã lần lượt về lại quê mà “không thể cản được”. Từ đó cho thấy, còn nhiều vấn đề trong chăm lo đời sống cho người dân mà trước đó TP.HCM chưa hình dung được, cũng chưa phối hợp với nhiều địa phương để tạo điều kiện cho bà con làm ăn sinh sống.

Vì vậy, công tác giảm nghèo của TP.HCM thời gian tới phải nắm được người dân cần gì để cùng chia sẻ, nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ người nghèo vươn lên. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Không có vốn thì chúng ta cùng nhau tạo, huy động. Nhưng khi có vốn thì làm sao để đồng vốn nhanh đến người cần, để người nghèo tiếp cận. Nơi nào đồng vốn để trong kho nhưng người nghèo phải chạy vạy vay nóng, hoặc mất cơ hội sống của người ta là lỗi lớn. Để người nghèo gặp khó khăn vì chúng ta chưa làm hết những việc phải làm cần làm, cũng là cái tội”.

Theo UBND TP.HCM, với chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, thì đầu năm 2016, TP.HCM khảo sát đưa vào danh sách 67.090 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,36% tổng hộ dân và 48.154 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,41% tổng hộ dân. Sau 3 năm triển khai thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ, đã có 60.622 hộ nghèo thoát mức chuẩn hộ nghèo và 58.703 hộ cận nghèo thoát mức chuẩn hộ cận nghèo.

Đến cuối năm 2018, TP.HCM còn lại 0,19% thuộc hộ nghèo và 1,15% hộ cận nghèo. Đầu năm 2019, TP.HCM điều chỉnh chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, như vậy có 1,11% thuộc hộ nghèo và 1,3% hộ cận nghèo. Sau 2 năm thực hiện, TP.HCM chỉ tỷ lệ 0,13% hộ nghèo và 0,62% hộ cận nghèo.

Theo kế hoạch chương trình Giảm nghèo bền vững năm 2022, TP.HCM sẽ tập trung triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, thực hiện giảm 0,35% tỷ lệ hộ nghèo và 0,2% tỷ lệ hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên