Đêm cuối năm trên biên giới Pò Hèn
VOV.VN - “Chúng tôi sẵn sàng hy sinh sức khỏe, thời gian và tất cả những gì có thể, gác lại mọi nỗi nhớ gia đình, quê hương để bám trụ nơi biên giới, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Tổ quốc”, Trung tá Trần Văn Quyên, Đồn Biên phòng Pò Hèn chia sẻ.
Câu chuyện của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) trên chốt kiểm soát biên giới 26 chỉ là một trong hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện của lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Nơi chênh vênh, heo hút lưng trời
Khi Tết Nguyên đán cận kề, công tác phòng chống dịch Covid-19 và ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép trên các lán, chốt biên giới của những người lính quân hàm xanh ở xã biên giới Hải Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh thêm bội phần vất vả. Từ trung tâm TP Móng Cái, qua chặng đường dài hơn 30km, chúng tôi đến với xã biên giới Hải Sơn. Đường từ xã Bắc Sơn lên xã Hải Sơn là cung đường vành đai biên giới với nhiều khúc cua tay áo, chiếc xe máy chở đầy lương thực, nước uống tiếp tế chồm lên chồm xuống như chực lao xuống vực. Đến nơi đã hơn 7 giờ tối, ở cổng Đồn Biên phòng Pò Hèn, 2 chiến sĩ trực chốt kiểm soát số 26 đang đứng chờ chúng tôi.
Tiếp tục băng hơn 2km đường rừng, đứng chân trên mốc biên giới 1348/12+600, chốt kiểm soát số 26 dưới ánh đèn mập mờ trong sương giá dần hiện ra trước mắt. Ở chốt luôn có 6 chiến sĩ túc trực ngày đêm. Pha vội ấm nước chè bằng phích nước mới được tiếp tế, Thiếu tá Trương Minh Đào, tổ trưởng chốt kiểm soát số 26 cho biết: “Nơi đây chỉ cách Trung Quốc một con suối, địa hình lại toàn là rừng núi, sông thì cạn, nước sông chỉ ngang đầu gối. Hơn nữa, xung quanh đa số là bụi tre, đường mòn, lối mở nhiều nên các đối tượng thường xuyên lợi dụng để buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép. Nhiều lúc các cán bộ, chiến sĩ trên chốt đang ăn tối thì nhận được thông tin từ bà con rằng có người nhập cảnh trái phép. Bỏ vội bát cơm, các chiến sĩ nhanh chóng chia nhau ra lùng sục tất cả các khu vực đồi núi, bụi tre hay bờ suối để tìm kiếm đối tượng”.
Càng về cuối năm, các chiến sĩ càng phải tăng cường tuần tra kiểm soát bởi đây là thời điểm hoạt động buôn lậu, đưa người xuất nhập cảnh trái phép diễn ra với tần suất rất lớn. Thời tiết biên giới vốn khắc nghiệt, mới gần 9h tối mà sương giá đã bao phủ toàn bộ khu rừng cạnh chốt, nhiệt độ giảm chỉ còn 7 độ C. Hô điều lệnh xong, chiến sĩ Đặng Ngọc Minh, sinh năm 2001 nhanh nhẹn vác khẩu súng lên vai, đeo lại bao đạn, xung phong đưa chúng tôi “trải nghiệm” 1 vòng tuần tra biên giới.
Nơi chênh vênh heo hút lưng trời, tiếng côn trùng, tiếng gió va vách núi hòa quyện vào nhau, tạo nên bản hòa tấu hoang dã của thiên nhiên. Chiến sĩ Đặng Ngọc Minh vừa đi vừa quan sát xung quanh, ánh sáng le lói từ chiếc đèn pin rọi vào rừng cây rậm rạp. Gắn bó như những người bạn và cũng là “trợ thủ đắc lực” của người lính biên phòng, 2 chú chó nghiệp vụ theo chân suốt quãng đường tuần tra. Chỉ một tiếng động nhỏ bất thường cũng khiến chúng sủa vang núi rừng. Đến khu vực suối biên giới, bên kia đã là Trung Quốc, vội tắt chiếc đèn pin, chiến sĩ Minh giải thích, gần đến khu vực giáp biên thì phải tắt đèn và dùng mắt thường quan sát. Lúc mới lên đây nhận nhiệm vụ, đi tuần 1 đêm Minh cũng rất sợ, nhưng chốt ở gần Đài tưởng niệm Pò Hèn, lịch sử hào hùng của cha anh đã giúp em thêm tự tin để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Minh tâm sự: “Tôi nhập ngũ trùng với thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, đến nay đã 2 năm. Có thể Tết năm nay là cái Tết thứ 2 của tôi trên lán chốt biên giới. Thực hiện nhiệm vụ tại đây trong suốt 2 năm qua, tôi thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của một người lính biên phòng. Hiện tôi chỉ mong dịch Covid-19 được kiểm soát tốt để nhịp sống và làm việc trở về bình thường”.
“Đặc sản” của người lính
Về đêm, nhiệt độ càng xuống thấp, màn sương dày hơn khiến tầm nhìn xa bị hạn chế, sự tập trung của các chiến sĩ được đẩy lên cao độ. Qua ánh đèn mập mờ, từng nhịp thở là từng hơi khói, chúng tôi run lên vì lạnh. Vác vài bó củi thu được từ lúc đi tuần, chiến sĩ Lục Xuân Thống và Đặng Ngọc Minh nhanh chóng đốt một đống lửa sưởi ấm. Ngồi bên đống lửa, các cán bộ, chiến sĩ tranh thủ gọi về cho gia đình, sóng điện thoại ở đây chập chờn, khó khăn lắm mới có thể bắt được một chút sóng để kết nối.
Đã gần 30 năm trong quân ngũ nhưng nhiều lúc Trung tá Trần Văn Quyên vẫn không thể giấu được cảm xúc nhớ gia đình sau mỗi lần gọi điện thoại về nhà. “Thế nhưng chúng tôi sẵn sàng hy sinh sức khỏe, thời gian và tất cả những gì có thể, gác lại mọi nỗi nhớ gia đình, quê hương để bám trụ nơi biên giới, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Tổ quốc. Là một người lính biên phòng, phải xác định đặt nhiệm vụ chính trị, bảo vệ Tổ quốc lên hàng đầu, luôn luôn nhìn về phía sau bởi đó chính là gia đình, người thân, quê hương, dân tộc của mình”, Trung tá Trần Văn Quyên chia sẻ.
Đã hơn 4h sáng, đống lửa bập bùng dường như chỉ xua đi được chút ít giá lạnh. Các chiến sĩ tiếp tục thay ca làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. Chợt có ánh đèn và tiếng xe máy tiến lại gần chốt kiểm soát, thiếu tá Trương Minh Đào vội đứng lên chào hỏi, thì ra là bà con trong xã lên nương từ sớm, ghé qua chốt để gửi tặng các chiến sĩ một nồi cháo hành vừa nấu. Bát cháo bốc khói nghi ngút chỉ sau mấy phút để ngoài trời đã nguội ngắt, nhưng lại ngon hơn bao giờ hết, bởi trong đó là nghĩa tình quân dân nơi núi rừng biên giới. Trung tá Nguyễn Thành Lê, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Hèn cho biết, suốt quãng thời gian gắn bó cùng cán bộ chiến sĩ tại đồn, Trung tá Lê thấu hiểu được sự vất vả của các chiến sĩ cắm chốt trên biên giới. Chính vì vậy, mỗi khi Tết đến xuân về, đơn vị luôn cùng bà con ở xã Hải Sơn lên từng chốt để thăm hỏi, chia sẻ. Những chiếc bánh chưng, cành đào mà bà con mang lên đều mang sắc xuân của ngày Tết, là nguồn động viên to lớn giúp các chiến sĩ vơi bớt nỗi nhớ nhà. “Những ngày Tết, đơn vị luôn đảm bảo chế độ thực phẩm cán bộ chiến sĩ ở lại trực có những ngày Tết đầy đủ, đặc biệt là 10 tổ chốt trên biên giới. Tổ chức vui Xuân đón Tết ở Đồn như thế nào thì trên các chốt cũng như vậy để các cán bộ, chiến sĩ đón một cái Tết giống ở nhà, ấm cúng, tình cảm và đầy sắc xuân”, Trung tá Nguyễn Thành Lê cho hay.
Xa nhà là “đặc sản” của người lính. Thời tiết giá lạnh của những ngày cuối năm càng khiến nỗi nhớ nhà ấy trở nên da diết. Gần 2 năm triển khai các lán, chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới cũng là ngần ấy thời gian cán bộ, chiến sĩ biên phòng bám trụ thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn và khí hậu khắc nghiệt. Tết Nhâm Dần 2022 đang đến gần, gác lại nỗi niềm riêng, những người lính quân hàm xanh vẫn bồng chắc tay súng, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, vừa góp phần từng bước đẩy lùi đại dịch Covid-19. Với những người lính Biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Pò Hèn, thêm 1 cái Tết nữa các anh đón Xuân trên rừng với tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”./.