Điện quang can thiệp cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch

VOV.VN - Sự phát triển các kỹ thuật điện quang can thiệp đã giúp chuyên ngành vượt xa khái niệm “cận lâm sàng” thông thường, trở thành lĩnh vực can thiệp chẩn đoán và điều trị xâm lấn tối thiểu, cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch.

Ngày 22/4, tại Hội nghị điện quang can thiệp toàn quốc lần thứ 9, PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, điện quang can thiệp là một lĩnh vực không thể tách rời, rất quan trọng trong chuyên ngành điện quang gồm chẩn đoán và can thiệp. Sự phát triển các kỹ thuật điện quang can thiệp đã giúp chuyên ngành vượt xa khái niệm “cận lâm sàng” thông thường, mà đã trở thành lĩnh vực can thiệp chẩn đoán và điều trị xâm lấn tối thiểu, tạo nên một kết nối bức tranh hoàn hảo hơn trong chăm sóc, điều trị người bệnh.

GS.TS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, lĩnh vực điện quang can thiệp tại Việt Nam được thực hiện, các bệnh viện lớn đã làm chủ được kỹ thuật tiên tiến này như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115, giúp người bệnh được hưởng các kỹ thuật cao với chi phí, giá thành thấp.

Nhiều kỹ thuật mới được đưa ra và triển khai thành công như: kỹ thuật điều trị phình động mạch não bằng đặt stent đổi hướng dòng chảy; kỹ thuật lấy huyết khối động mạch trong nhồi máu não cấp; kỹ thuật nút mạch cầm máu trong cấp cứu nội khoa (sản khoa, tiêu hoá), trong chấn thương; kỹ thuật can thiệp khối u trong và ngoài mạch máu, nút mạch điều trị khối u…

Tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiều kỹ thuật cao được triển khai thường quy, phối hợp nhiều chuyên khoa cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch. Đơn cử tại Trung tâm Điện quang, ngoài can thiệp cầm máu cấp cứu, các bác sĩ còn thực hiện kỹ thuật can thiệp nút mạch khối u, điều trị phình động mạch não phức tạp bằng đặt stent đổi dòng chảy, chụp Xquang tuyến vú phát hiện ung thư vú sớm và kỹ thuật hút chân không loại bỏ hoàn toàn tổn thương vú…

Điển hình là việc can thiệp thành công ca chảy máu sau đẻ do tổn thương động mạch trực tràng hiếm gặp vào tháng 6/2021 tại Trung tâm Điện quang. Bệnh nhân B.A (33 tuổi), sau khi sinh con bằng phương pháp thường, tử cung đột ngột không co hồi, gây chảy máu liên tục (còn gọi là băng huyết). Dù đã được cắt tử cung để cứu sống mẹ, nhưng máu vẫn chảy không ngừng qua đường âm đạo, ổ bụng có nhiều dịch máu.

Sau khi hội chẩn qua Telehealth, các bác sĩ tuyến dưới quyết định chuyển bệnh nhân lên Trung tâm Điện quang. Nhập viện trong tình trạng mất máu nghiêm trọng, chỉ số hồng cầu của người bệnh chỉ còn 1,4 triệu (bình thường là 4,5-5,5 triệu). Kết quả chụp MSCT cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương chảy máu từ mạch máu quanh trực tràng. Ca bệnh sản phụ này khá phức tạp và mất nhiều thời gian hơn so với ca chảy máu sau đẻ thông thường.

Bình thường, các bác sĩ chỉ gây tắc nhánh mạch tổn thương và cầm máu tạm thời động mạch chậu trong hai bên. Với bệnh nhân này, ekip phẫu thuật cần tìm thêm các nhánh chảy máu quanh trực tràng, gồm 6 nhánh mạch 2 bên: động mạch trực tràng trên, động mạch trực tràng giữa và động mạch trực tràng dưới.

Xác định được nhánh chảy máu, các bác sĩ phải lựa chọn vật liệu gây tắc mạch cũng như vị trí can thiệp để không bị hoại tử trực tràng. Sau 90 phút cân não, ca can thiệp thành công. 36 tiếng theo dõi an toàn, sản phụ đã bình an, xuất viện.

Được biết, hiện cả nước đã có khoảng 30 Bệnh viện thực hiện được các kỹ thuật điện quang can thiệp, trong đó có khoảng gần 20 đơn vị có thể thực hiện được các kỹ thuật điện quang can thiệp thần kinh.

Tuy nhiên, theo GS.TS Phạm Minh Thông, hiện ở nhiều bệnh viện tuyến tỉnh vẫn chưa thể làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến này.

“Hiện nay chúng ta vẫn gặp rất nhiều khó khăn về dụng cụ can thiệp, trang thiết bị và đặc biệt là phải tiếp tục đào tạo cho đội ngũ trẻ. Các trung tâm lớn hiện đã có máy móc mới, hiện đại nhưng tuyến tỉnh chưa có đủ và đặc biệt là đào tạo con người cho các tuyến.

GS Phạm Minh Thông cho rằng, tại các bệnh viện tuyến tỉnh cần đào tạo hơn nữa cho đội ngũ bác sĩ, phải cử người đi học, chuyển giao kỹ thuật. Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục phổ biến kỹ thuật, chuyển giao kỹ thuật cho các tuyến để nâng cao trình độ của các bác sĩ làm điện quang can thiệp.  

PGS.TS Vũ Đăng Lưu, Giám đốc Trung tâm Điện quang can thiệp, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, để thực hiện được các kỹ thuật điện quang can thiệp, cần có sự đồng thuận, phối hợp đa chuyên ngành.

“Ở Bệnh viện Bạch Mai có thuận lợi là sự phối hợp đa chuyên ngành rất tốt. Từ đó sẽ thực hiện các kỹ thuật hiệu quả, khắc phục được những hạn chế khi điều trị bằng các phương pháp đơn thuần trước đây hoặc khó điều trị. Những kỹ thuật này sau khi triển khai sẽ nhân rộng ra khắp cả nước thông qua các chương trình đào tạo”- PGS Vũ Đăng Lưu nêu rõ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Điện quang can thiệp giúp tăng cường khả năng hồi phục của bệnh nhân
Điện quang can thiệp giúp tăng cường khả năng hồi phục của bệnh nhân

VOV.VN - Hội nghị Điện quang can thiệp toàn quốc lần thứ 9 diễn ra từ ngày 22-23/4, là dịp để các bác sĩ trong và ngoài chuyên ngành, các bệnh viện trong cả nước triển khai các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu nhằm chẩn đoán, giúp người bệnh tăng cường khả năng hồi phục.

Điện quang can thiệp giúp tăng cường khả năng hồi phục của bệnh nhân

Điện quang can thiệp giúp tăng cường khả năng hồi phục của bệnh nhân

VOV.VN - Hội nghị Điện quang can thiệp toàn quốc lần thứ 9 diễn ra từ ngày 22-23/4, là dịp để các bác sĩ trong và ngoài chuyên ngành, các bệnh viện trong cả nước triển khai các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu nhằm chẩn đoán, giúp người bệnh tăng cường khả năng hồi phục.