Đối thoại với chủ sử dụng nhà đất trước ngày cưỡng chế tại 48-48A Lý Thường Kiệt
VOV.VN - Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Việc người dân không nhận tiền sẽ làm cho bản thân gia đình người bị thu hồi nhà đất sẽ rất khó khăn trong việc tạo dựng cơ sở ở nơi mới, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ”.
Sáng 14/7, UBND quận Hoàn Kiếm họp đối thoại với các hộ dân trước ngày tổ chức cưỡng chế thu hồi đất theo Thông báo của Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất để triển khai Dự án trùng tu, tôn tạo trụ sở Toà án Nhân dân tối cao số 48-48A Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội (giai đoạn 2) vào 8h ngày 15/7/2022. Việc đối thoại với các hộ dân nhằm tiếp tục tuyên truyền vận động, giải thích các vấn đề chính sách cho các hộ dân còn đang thắc mắc.
Trước đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành 9 Quyết định về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với 8 chủ sử dụng 9 thửa đất tại 48-48A Lý Thường Kiệt.
Tại cuộc đối thoại có mặt đại diện 5 chủ sử dụng nhà đất và đại diện uỷ quyền của một số hộ dân, 3 chủ hộ nhà đất không có mặt.
Trao đổi với các chủ sử dụng nhà đất tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư quận Hoàn Kiếm khẳng định, chính sách hiện nay chính sách bồi thường hỗ trợ cho các chủ sử dụng đất bị thu hồi tại dự án là một trong những chính sách được UBND quận Hoàn Kiếm, UBND TP quan tâm và có cơ chế đặc thù, đảm bảo quyền lợi của người dân được hưởng quyền lợi mức cao nhất trên tất cả các dự án của quận Hoàn Kiếm nói riêng và TP Hà Nội nói chung. Quá trình thiết lập hồ sơ bồi thường hỗ trợ tái định cư người dân cũng được tham gia kiểm kê, kiểm định, kiểm đếm nắm bắt rõ.
Dự án trùng tu, tôn tạo trụ sở Toà án Nhân dân tối cao số 48-48A Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội (giai đoạn 2) có 38 chủ sử dụng nhà đất phải di dời. Trong đó, 30 trường hợp đã nhất trí nhận tiền hỗ trợ bồi thường tái định cư, di chuyển bàn giao mặt bằng.
Theo ông Quân, hiện còn 8 hộ chưa đồng tình, chưa nhận bồi thường hỗ tái định cư và không chấp hành việc bàn giao mặt bằng. Các nội dung khiếu nại của các hộ dân này UBND quận Hoàn Kiếm xem xét và trả lời.
Để đảm bảo tiến độ dự án cũng như công tác giải phóng mặt và sự nghiêm minh của pháp luật quận ban hành các Quyết định cưỡng chế với 8 hộ dân này. Việc 5 hộ dân có mặt tại buổi đối thoại là thể hiện thiện chí tích cực để cùng quận tìm ra tiếng nói chung. Với trách nhiệm là người đứng đầu, chúng tôi rất mong muốn gặp các chủ hộ để trao đổi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các chủ hộ… giải quyết thoả đáng những nhu cầu chính đáng, đúng thẩm quyền, pháp luật cho phép.
Tại cuộc đối thoại, luật sư đại diện uỷ quyền của cho hộ dân và các hộ dân đã tham gia ý kiến nêu các thắc mắc, kiến nghị xoay quanh giá đất đền bù thấp so với khu vực thấp, điều chỉnh giá đất khi có biến động giá, áp vị trí đất, diện tích đất chung, gia đình lão thành cách mạng, diện tích nhà có 2 chủ đứng tên sổ đỏ, 2 sổ hộ khẩu khác nhau nhưng do điều kiện gia đình không ở thường xuyên nhưng xác định của phường là 1 hộ và 4 người ở, … gây thiệt thòi cho người dân.
Trao đổi về một số trường hợp, cụ thể bà Bùi Thị Nội có nguyện vọng muốn nhận nhà ngay nhưng mong muốn sang nơi ở mới ổn định mới bàn giao mặt bằng, ông Nguyễn Anh Quân nhấn mạnh, đối với trường hợp người dân muốn nhận nhà ngay, tổ công tác của Hội đồng hỗ trợ bồi thường sẵn sàng đáp ứng nhưng không có quy trình để sang ở nhà mới rồi mới bàn giao mặt bằng.
“Đặc biệt khi có Quyết định cưỡng chế nếu trước khi có Quyết định cưỡng chế, người dân nhận tiền bồi thường, kiến nghị cho thời gian để sửa chữa nhà, chúng tôi có thẩm quyền giải quyết nhưng đến thời điểm này không thể cho sửa chữa xong mới bàn giao mặt bằng như đề nghị mà chỉ có thể hỗ trợ người dân tiền tạm cư để tạm thuê nhà ở chỗ khác. Việc này nằm trong chính sách hỗ trợ”- ông Quân nói.
Trao đổi về trường hợp ông Nguyễn Vĩnh Hùng không nhận nhà, nên phương án phê duyệt là nhận tiền nhưng đến nay chưa nhận tiền, ông Quân cho biết, bất kể lúc nào tổ công tác cũng có thể hỗ trợ người dân nhận tiền được ngay.
Về giá đất đền bù ông Hùng băn khoăn thấp hơn giá trong khu vực, ông Nguyễn Anh Quân cho biết, mức giá áp dụng theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền của UBND TP vì thế không thay đổi. “Người dân có thể tiếp tục khiếu nại vì việc này không thuộc thẩm quyền của UBND quận Hoàn Kiếm khi nào cơ quan có thẩm quyền trả lời mức giá đền bù hiện tại là sai, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm và khắc phục hậu quả”- ông Quân nói.
Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Việc người dân không nhận tiền sẽ làm cho bản thân gia đình người bị thu hồi nhà đất sẽ rất khó khăn trong việc tạo dựng cơ sở ở nơi mới, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống nên rất thiệt thòi cho chính người dân và gia đình mình”.
Bác bỏ đề xuất từ đại diện uỷ quyền của các hộ dân tạm dừng cưỡng chế, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định, quận Hoàn Kiếm đang thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Việc người dân tiếp tục khiếu nại tố cáo là quyền của công dân. Tuy nhiên, việc khiếu nại tố cáo này không ảnh hưởng, chi phối đến việc cưỡng chế. “Ngày mai (15/7), chúng tôi vẫn thực hiện cưỡng chế theo đúng quy định pháp luật”- ông Quân nhấn mạnh.
Trường hợp hộ bà Trần Thị Tuyết Mai cũng như đại diện uỷ quyền của các hộ dân đề xuất mong muốn xin thêm thời gian 1 tháng để gia đình tự di chuyển, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm khẳng định, khi Quyết định cưỡng chế đã ban hành thì không thể “xin thời hạn”. “Chúng tôi mong muốn cam kết bàn giao mặt bằng từ người dân trước khi ra Quyết định cưỡng chế. Đến giờ phút này không có chuyện cam kết bàn giao mặt bằng”- ông Quân khẳng định./.