Đợt bùng phát dịch Covid-19 tại TP.HCM: Hệ thống y tế bộc lộ điểm yếu
VOV.VN -Sở Y tế TP.HCM nhận định, thời gian chống dịch vừa qua rất nặng nề đối với ngành y tế. Có những giai đoạn TP ghi nhận mỗi ngày hơn 8.000 ca mắc, số ca tử vong là trên 300 ca.
Tại buổi sơ kết công tác phòng chống, dịch Covid-19 - đợt dịch lần thứ 4 trên địa bàn TPHCM do Sở Y tế TP tổ chức chiều 30/10, đã có 10 bài học kinh nghiệm được rút ra từ các hoạt động thực tiễn trong công tác điều hành, quản lý, chăm sóc và điều trị người bệnh Covid-19. Đây là cơ sở để tiếp tục củng cố năng lực ứng phó dịch bệnh, chủ động hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Hệ thống y tế bộc lộ điểm yếu qua đợt dịch thứ 4
Sở Y tế TP.HCM nhận định, thời gian chống dịch vừa qua rất nặng nề đối với ngành y tế. Có những giai đoạn TP ghi nhận mỗi ngày hơn 8.000 ca mắc, số ca tử vong là trên 300 ca. TP đã huy động khoảng 80.000 nhân viên y tế trên địa bàn tham gia phòng chống dịch cùng với 25.000 cán bộ y tế của cả nước đến hỗ trợ thành phố. Đây là sự huy động lớn chưa từng có trong lịch sử.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thừa nhận, vừa qua, ngành y tế vẫn tồn tại nhiều hạn chế, như công tác dự báo chưa theo kịp với diễn biến thực tế của dịch bệnh. Kỹ thuật RT-PCR và năng lực xét nghiệm RT-PCR chưa tương xứng với tốc độ lây lan của chủng Delta. Triển khai chiến dịch tiêm vaccine với quy mô lớn chưa từng có trong một khoảng thời gian rất ngắn nên chưa đảm bảo việc nhập liệu, giãn cách. Đặc biệt, việc cách ly tập trung tất cả các F0 dẫn đến quá tải. Hệ thống y tế và dự phòng chưa được đầu tư đúng mức cũng dẫn đến quá tải, tăng nguy cơ tử vong. F0 được cách ly, điều trị tại nhà cũng bộc lộ những hạn chế từ năng lực y tế cơ sở. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa hiệu quả…
Ngành y tế đã rút ra 10 bài học kinh nghiệm đắt giá để TP chống dịch tốt hơn trong giai đoạn tới. Cụ thể, mỗi phường xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ. Trong đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện và phường, xã, thị trấn đóng vai trò quan trọng. Xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh, cảnh báo dịch. Triển khai xét nghiệm theo hướng trọng tâm, sử dụng kỹ thuật PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên để dập dịch.
Đặc biệt, cách ly F0 có chọn lọc, chỉ cách ly tập trung khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Phát triển các khu cách ly tập trung quy mô nhỏ gắn liền với địa bàn. Đồng thời, chiến lược chăm sóc F0 theo 2 trụ cột: dựa vào cộng đồng và điều trị tại bệnh viện. Phát triển các mô hình chăm sóc F0 tại nhà, bệnh viện 3 tầng… Huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác phòng, chống dịch. Phát huy sự phối hợp với lực lượng công an, quân đội và ngành y.
Bên cạnh đó, củng cố và kiện toàn nâng cao chất lượng, hiệu quả y tế cơ sở, bổ sung chính sách phù hợp nhằm thu hút nhân lực cho trạm y tế phường, xã, thị trấn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, sàng lọc, thu thập dữ liệu về dịch bệnh. Đặc biệt, tiêm vaccine là chiến lược lâu dài và hàng đầu trong phòng chống dịch bệnh.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói: “Trong thời gian tới, đảm bảo nâng cao năng lực của y tế cơ sở, phải kết hợp công tư, giữa y học cổ truyền, y học hiện đại và nguồn lực trong và ngoài ngành y tế. Cần phải xây dựng mô hình điều trị theo cụm, đảm bảo cơ chế chính sách linh hoạt khuyến khích hỗ trợ động viên, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế”.
Y tế cơ sở "ám ảnh" tiếng chuông điện thoại vì quá tải
Bác sĩ Lê Bá Kông, Trưởng trạm y tế phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, TP.HCM cho biết, trong giai đoạn đầu tháng 7, dù đã chuẩn bị các phương án xử lý nhưng số ca F0 tăng quá nhanh, không kịp ngăn chặn. Trạm y tế có 10 nhân sự nhưng 2 người đi học bác sĩ, còn 8 nhân sự làm việc, không kịp truy vết ca bệnh. Trong khi đó, thời điểm này, công nhân khu công nghiệp và các thương lái, tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối trên địa bàn vừa được chích 1 mũi vaccine nên có tâm lý chủ quan, tập trung đông người và không thực hiện quy tắc 5K. Sau đó, dịch bùng phát rất nhanh, trong khi trang thiết bị y tế và thuốc tại trạm không đủ, nhân viên y tế thiếu phương tiện, đồ bảo hộ phòng dịch.
Bác sĩ Kông nhớ lại, có những ngày, trạm phát hiện hơn 100 ca, truy vết đến 700 ca F1, F2, nhân viên y tế quá tải, làm thủ tục hồ sơ, xác minh không xuể. Bác sĩ phải đi khám cho F0 đến tận 2-3h sáng. Có những trường hợp F0 cấp cứu nhưng đi đến 3 bệnh viện mà không có nơi nhận vì không còn chỗ, không có oxy.
Bác sĩ Kông đề xuất cần có những cơ chế, chính sách để tạo cho nhân viên y tế tại tuyến cơ sở có giá trị như các bác sĩ tại bệnh viện, được đào tạo đầy đủ, kết hợp với y tế tư nhân trên địa bàn: “Cần có những cơ chế hợp tác với y tế tư nhân giống như bên công an, có công an khu vực, thì may ra mới chăm sóc từng bệnh nhân tại địa bàn tốt được. Đi chung với công an khu vực là y tế. Vừa qua, lực lượng công an có nhiều người như thế vẫn không quản lý hết số dân, huống chi trạm y tế chỉ có vài người”.
Trung tâm y tế Quận 8 cũng đề xuất mô hình viện – trường – trung tâm y tế để không tách biệt giữa điều trị và dự phòng. Đây là mô hình kiềng 3 chân để giữa khối dự phòng và điều trị cùng trao đổi, liên thông với nhau thành một khối thống nhất, tận dụng được đội ngũ sinh viên y, giảng viên trường y để tăng cường cho mạng lưới y tế cơ sở… Các y bác sĩ tuyến cơ sở sẽ lên các bệnh viện tuyến trên để học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, bác sĩ tuyến trên thì xuống hỗ trợ tuyến dưới…/.