F0 nguy kịch thoát cửa tử: Có lúc như người điên, mơ thấy người quá cố
VOV.VN - Có lúc tôi như một người điên, nhiều đêm mơ thấy những người thân đã mất đến ngồi cạnh, bà Lê Thị Hà (ngụ quận 8, TP.HCM) vừa qua cơn nguy kịch vì COVID-19 nhớ lại.
Nhiều bệnh nhân khi biết mình mắc COVID-19 đã hoảng loạn tinh thần, không biết bản thân có thể vượt qua hay sẽ chết. Nhưng sau nỗi lo âu đó, họ đã trỗi dậy với bản năng sinh tồn mãnh liệt, khao khát sự sống và cứ thế tinh thần dần ổn định trở lại, nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, bệnh ngày càng tiến triển tốt, rồi được chữa khỏi.
“Tôi không muốn nhìn thấy cảnh các con ngày đêm lo lắng, khóc vì tôi và bác sĩ đã vất vả bỏ công ra chăm sóc nên tôi phải cố gắng, nhất định tôi phải sống”, là lời tâm tự của bà Lê Thị Hà, (67 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) - bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại Khoa cấp cứu Bệnh viện dã chiến số 3, phường An Khánh, TP Thủ Đức.
Sau khi phát hiện mắc COVID-19, ngày 28/7, bà Hà được đưa tới Bệnh viện dã chiến số 3 để điều trị. Liên tục mấy ngày sau đó bà Hà có biểu hiện đau rát họng, ho, sốt, nhức đầu, cơ thể mỏi mệt như không còn chút sức lực nào.
Tình trạng sức khỏe bà cứ thế xấu dần đi, có những lúc sốt cao trên 40 độ. Các loại thuốc hạ sốt không còn tác dụng gì với bà nữa. Chỉ mới mấy ngày mà tóc bà ngày càng rụng nhiều, bà rơi dần vào trạng thái lúc tỉnh lúc mê, quên trước quên sau, chỉ số SpO2 chỉ còn 60%. Tiên lượng bệnh ngày một xấu và có thể ảnh hưởng đến tính mạng, bà được các bác sĩ cho thở oxy dòng cao.
Từng thời khắc trôi qua đều dài như vô tận với sự dày vò đau đớn. Trong nhịp thở thoi thóp, có những lúc bà Hà tưởng mình đã bước cả 2 chân sang thế giới bên kia, đau đớn khủng khiếp làm bà tính đến chuyện buông xuôi, mặc cho số phận sắp đặt.
“Tôi không thể thở được, cảm giác như trái tim mình bị ai đó bóp nghẹt. Nó hành hạ thân xác tôi đến cực độ, toàn thân bị xâu xé. Có những lúc tôi như một người điên, la hét um xùm, tôi tháo ống thở... Rồi nhiều đêm tôi mơ thấy những người thân đã mất đến ngồi cạnh, tỉnh dậy toàn thân tôi ướt đẫm mồ hôi”, bà Hà kể.
Cơn đau thể xác ngày càng tăng, kéo thêm đó là nồng độ oxy cứ xuống thấp dần. Bà Hà điện về gia đình chuẩn bị tinh thần cho những diễn biến tồi tệ nhất có thể xảy ra.
“Thôi con ơi, mẹ không chịu được nữa rồi cho mẹ về nhà mẹ chết, lúc đó cha con ở nhà khóc quá trời”, bà Hà kể lại.
Mỗi lúc muốn buông xuôi bà Hà lại nhận được sự động viên tận tình của các y bác sĩ. Bất kể đêm hôm, mỗi khi mở mắt bà đều thấy họ đang bên cạnh mình.
“Một bên là gia đình, một bên bác sĩ khuyên nhủ tôi không được chối bỏ cuộc sống. Lời động viên của bác sĩ như liều thuốc tinh thần cho tôi lúc đó. Tôi dần lấy lại bình tĩnh và thoát khỏi cảm giác sợ hãi, lo lắng, ám ảnh đến bình tĩnh, hy vọng…”, bà Hà bộc bạch.
Hơn 1 tháng chiến đấu với COVID-19 để dành giật sự sống, có những thời điểm cứ ngỡ mất mát sẽ đến với gia đình, cuối cùng bình an cũng đến, bà đã kiên cường vượt qua, sức khỏe vẫn còn yếu nhưng không còn nguy hiểm.
Với sự nỗ lực hết sức, nhờ vào sự giám sát theo dõi chặt chẽ về chỉ số sinh tồn của người bệnh, các bác sỹ đã cấp cứu kịp thời giành lại sự sống cho nữ bệnh nhân từ tay tử thần. Hiện tại, mọi sinh hoạt cá nhân bà đã tự mình làm được và ăn uống lại bình thường.
Bác sĩ Bùi Thị Kim Kha, Bệnh viện dã chiến số 3 cho biết, bệnh nhân Lê Thị Hà là người đầu tiên bệnh viện cho thở oxy dòng cao. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân tinh thần không ổn định, thường xuyên gỡ máy thở ra.
“Bà có cảm giác như sự chết đã cận kề và muốn buông xuôi tất cả và luôn miệng nói để cho bà chết, đừng làm khổ bà nữa. Chúng tôi phải luôn bên cạnh, thấy bà rút oxy ra lúc nào thì ngay lập tức phải gắn vào cho bà. Thời điểm đó chúng tôi phân vân có nên đặt nội khí quản cho bà thở hay không thôi”, bác sĩ Kha nói.
Theo bác sĩ Kha, được sự động viên của gia đình và bác sĩ, bà Hà đã cố gắng từng chút một và đến hiện tại, bà là 1 trong những điển hình của bệnh nhân nặng phục hồi tư sự nỗ lực.
“Hiện tại sức khỏe của bà Hà rất tốt, chúng tôi vừa mới xét nghiệm PCR cho kết quả âm tính nhưng phổi của bà chưa phục hồi hoàn toàn, chỉ số SpO2 đang dao động 95-97 và vẫn phải thở oxy nên chưa cho xuất viện được. Đối với bà Hà như vậy đã tuyệt vời lắm rồi. Tại thời điểm dịch bệnh đang diễn tiến ngày càng phức tạp, sự hồi phục của bệnh nhân là nguồn động viên, khích lệ tinh thần quý giá nhất đối với những người làm trong ngành y chúng tôi”, bác sĩ Kha chia sẻ./.