Giao thông hỗn loạn mạnh ai nấy đi ở đường gom cao tốc Hà Nội-Bắc Giang
VOV.VN - Đường gom cao tốc Hà Nội-Bắc Giang được mở rộng nhưng chưa đồng bộ, cộng với ý thức kém của người đi đường khiến giao thông trở nên hỗn loạn, bát nháo.
Đường cao tốc Hà Nội–Bắc Giang có chiều dài hơn 45km bắt đầu từ Gia Lâm, Hà Nội đến nút giao với quốc lộ 31, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang dài 17,91km từ Km114+090 đến Km132+00 (ngã tư giao quốc lộ 31 đến cầu Như Nguyệt).
Tuyến đường này có hệ thống đường gom dân sinh dọc hai bên tuyến với kết cấu mặt đường thảm bê tông nhựa, bề rộng mặt đường từ 5,5 - 11,0m. Thời gian qua, tuyến đường gom qua địa phận huyện Việt Yên (Bắc Giang) được nâng cấp, sửa chữa và mở rộng hơn 10m nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập, lưu lượng giao thông quá lớn khiến nguy hiểm luôn rình rập người đi đường.
Có mặt tại khu vực tuyến đường gom trên địa bàn huyện Việt Yên (Bắc Giang), đoạn lối đi vào KCN Vân Trung vào giờ cao điểm, PV VTC News tận mắt thấy hàng vạn xe máy, ô tô, thậm chí cả xe tải lớn chen chúc nhau khiến giao thông trở nên hỗn loạn.
Đặc biệt, hàng vạn công nhân ùa ra đường cùng một thời điểm, ai cũng muốn kịp giờ làm nên bất chấp nguy hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn... Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.
Để đến công ty làm việc, công nhân phải đi qua 2 cây cầu vượt hoặc các hầm chui dân sinh. Tuy nhiên, các hầm chui này chỉ rộng hơn 2m đã tạo nên những “nút thắt cổ chai”, khi các xe ô tô đi vào thì lập tức gây tắc đường. Không chỉ chật hẹp, thiếu hệ thống chiếu sáng, một số hầm chui thường xuyên bị ngập nước khi trời đổ mưa.
Chị Bùi Thị Hoàn, công nhân Công ty SJ Tech Việt Nam (KCN Vân Trung) cho biết, chị thuê trọ trong thôn My Điền (xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên) cách công ty 2km nhưng ngày nào cũng phải đi sớm hơn 20 phút để tránh cảnh tắc đường.
“Làm việc vất vả cả ngày, nhưng khi tan ca tôi lại mệt mỏi thêm khi phải mất đến nửa tiếng đi lại cho quãng đường 2km để trở về phòng trọ vì tắc đường. Va chạm giao thông luôn chực chờ nếu cứ mạnh ai nấy đi thì rất nguy hiểm, nhất là những người đi bộ như tôi”, chị Hoàn ngao ngán nói.
Chị Vàng Thị Si, công nhân Công ty TNHH YJE Vina (KCN Vân Trung) chia sẻ, chị thuê trọ cách công ty 3km. Nếu không bị tắc đường thì chỉ 7 phút chạy xe máy là đến chỗ làm, nhưng chị thường xuyên phải đi mất 30 phút.
“Vào giờ đi làm hay tan tầm thì ở 2 cầu vượt và các hầm chui dân sinh luôn kẹt cứng người qua lại. Tôi sợ nhất là những ngày trời mưa, hầm ngập nước khiến việc đi lại khó khăn, tầm nhìn hạn chế, rất hay xảy ra va chạm tại các điểm nối hầm chui này”, chị Si cho biết.
Cũng như nhiều công nhân, chị Đào Thị Hải, Công ty TNHH Luxshare-ICT (KCN Vân Trung) cho biết, cứ vào giờ đi làm thì các trục đường ở đây luôn bị quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc cục bộ tại các cầu vượt và hầm chui.
"Cứ vào giờ cao điểm là đường gom sẽ tắc, ùn ứ. Nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành luật giao thông của nhiều người kém. Chỉ vì đúng giờ đi làm, nhiều người phóng nhanh, vượt ẩu không làm chủ tốc độ dẫn đến tai nạn, chị Hải bức xúc nói.
Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, trong khi đó, tuyến đường gom xuất hiện nhiều điểm lấn chiếm hành lang giao thông, nhiều hộ kinh doanh lấn chiếm để buôn bán làm che khuất tầm nhìn của nhiều phương tiện. Ngoài ra, các điểm đón, trả công nhân tự phát khiến tình trạng mất an toàn giao thông luôn chực chờ người dân.
Là người dân địa phương, anh Nguyễn Đức Văn (thôn My Điền, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, Bắc Giang) cho biết, tuyến đường gom dân sinh gần đây được nâng cấp thoáng, rộng, chất lượng tốt nhưng tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông không giảm mà còn tăng.
"Đường rộng, đẹp nhưng do chưa có đèn tín hiệu nên nhiều phương tiện đi khá nhanh khi qua hầm chui và cứ mạnh ai nấy đi, không nhường đường cho các phương tiện khác. Đây cũng là nguyên nhân gây ùn ứ vào giờ cao điểm và khiếm tai nạn giao thông không giảm mà còn tăng", anh Văn lý giải thêm.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, trên tuyến đường gom cao tốc thuộc địa phận huyện Việt Yên với chiều dài hơn 10km đã xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông, làm 9 người chết và 11 người bị thương. Ngoài ra, trên tuyến đường này cũng xảy ra hàng chục vụ va chạm xe. Đặc biệt, từ 8/8 đến 2/9 xảy ra liên tiếp 3 vụ tai nạn làm 4 người chết, hàng chục vụ va chạm giao thông khiến nhiều người bị thương.
Trả lời VTC News, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Việt Yên cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng là do hạ tầng giao thông đường bộ quá tải và ý thức của người tham gia giao thông kém.
Người dân khi ra đường thường không chú ý quan sát, không nhường đường, vượt xe không bảo đảm an toàn, không đi đúng phần đường, không tuân thủ các quy tắc nhường đường tại vị trí đường giao nhau, tình trạng xe máy đi ngược chiều, lấn làn đường vẫn ngang nhiên diễn ra... khiến tình trạng giao thông thường xuyên hỗn loạn, ùn tắc cục bộ xảy ra vào giờ cao điểm.
“Chúng tôi phối hợp với lực lượng chức năng để cắm biển báo, cấm xe tải trọng từ 3,5 tấn đi vào khung cao điểm từ 6h đến 8h và từ 17h đến 19h hằng ngày. Đồng thời, tổ chức phân luồng, phân tuyến tại khu vực đường gom khu công nghiệp vào các khung giờ cao điểm buổi sáng, buổi chiều (đầu giờ làm việc và lúc tan tầm).
Đồng thời đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện, Ban An toàn giao thông huyện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phối hợp với Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao huyện đẩy mạnh tuyên truyền nội dung chấp hành quy định Luật Giao thông đường bộ đến nhân dân.
Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu mở rộng hầm chui dân sinh, tạo lối đi riêng cho người đi bộ nhằm góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông kéo dài, phòng ngừa tai nạn xảy ra trên đường gom”- Thiếu tá Hùng cho biết./.