Hàng ngàn bộ đội hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn để chống dịch ở TP.HCM
VOV.VN - Rạng sáng 23/8, gần 4.000 cán bộ chiến sỹ của Quân khu 7 đã được điều động ra các chốt kiểm soát dịch và các tuyến y tế cơ sở ở địa bàn quận, huyện, TP.Thủ Đức của TP.HCM.
Rạng sáng 23/8, gần 1.400 cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 302 được Quân khu 7 phân bổ về các quận: 4, 5, 6, 7, 10 và huyện Nhà Bè để hỗ trợ việc cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống và thuốc điều trị đến từng người dân trên địa bàn. Chiến sỹ cũng được điều phối hỗ trợ ngành chức năng địa phương áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong thực hiện giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, ngay sau khi có mặt tại TP.HCM, hơn 2.000 cán bộ chiến sỹ thuộc Sư đoàn 5, Quân khu 7 đã triển khai lực lượng tại nhiều quận, huyện Quận 6, 12, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè.... hỗ trợ các tuyến kiểm soát dịch bệnh COVID-19, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động di chuyển trên các tuyến đường ở vùng ven và ngoại thành.
Thượng úy Lê Quang Dục, thuộc Sư đoàn 5 đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch bệnh khu vực ngã tư Ga, Quận 12 cho biết, các cán bộ chiến sỹ luôn đồng lòng, chủ động khắc phục khó khăn, không ngại gian khổ hy sinh, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
“Mới đầu công việc có hơi bỡ ngỡ chút, tuy nhiên chúng tôi đã được chỉ huy đơn vị tập huấn kỹ càng về kỹ năng giao tiếp và phòng trách dịch nên chúng tôi khá vững tin, không cảm thấy lo sợ. Thực sự xuất phát từ lòng tin yêu của nhân dân cán bộ chiến sỹ phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ này để đẩy lùi dịch Covid-19”, Thượng úy Lê Quang Dục chia sẻ.
Ngoài lực lượng hơn 4.000 cán bộ chiến sỹ được tăng cường, Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, Quân khu 9 cũng đã huy động thêm 2.000 y, bác sĩ để hỗ trợ TP.HCM. Trong số những người được tăng cường lần này còn có cả những y, bác sĩ quân y đã nghỉ hưu, tình nguyện cùng lực lượng y bác sĩ tuyến đầu tham gia công tác lấy mẫu, xét nghiệm, khám bệnh và điều trị chăm sóc người đang điều trị bệnh COVID-19.
Đại tá - Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hồng Nga, nguyên Chủ nhiệm Quân y, Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết: “Hiện nay chúng tôi tham gia chăm sóc, điều trị tại các bệnh viện. Nhưng khi cần chúng tôi cũng sẽ phối hợp nhất là lĩnh vực gây mê hồi sức. Các cựu quân y chuyên khoa gây mê hồi sức cũng sẽ tham gia, vì hiện nay ngành này đang thiếu nhân lực. Do vậy nếu Bộ Tư lệnh TP và Sở Y tế có yêu cầu, chúng tôi cũng sẵn sàng tham gia ngay những công tác này”.
Cũng trong sáng nay, Bộ Quốc phòng đã bàn giao 30 xe cứu thương chuyên dụng của quân y cùng 60 lái xe, nhân viên y tế và trang thiết bị y tế cho Sở Y tế TP.HCM. Đội ngũ này sẽ giúp giảm tải cho lực lượng y tế địa phương trong vận chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 đi điều trị. Sau buổi tiếp nhận, 30 xe cứu thương được Sở Y tế thành phố bàn giao về cho trung tâm cấp cứu 115 và các bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị COVID-19.
“Ngay từ khởi phát dịch, Bộ Tư lệnh cùng với ngành y tế TP cũng đã triển khai có hiệu quả các bệnh viện dã chiến. Ngày 22/8, Bộ Quốc phòng cũng đã triển khai thêm các tổ quân y, để tiếp nhận triển khai các phòng, trạm y tế lưu động trên địa bàn TP. Hôm nay bàn giao thêm xe cứu thương, phải nói là sự hỗ trợ rất hiệu quả để giúp TP thực hiện mục tiêu trong 3 tuần phải chiến thắng đại dịch Covid này”, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay.
Ngoài lực lượng quân đội chi viện tăng cường cho TP.HCM, Bộ Công an cũng đã điều động 310 cán bộ chiến sỹ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên "thần tốc" có mặt tại TP.HCM, phối hợp với công an các quận, huyện, TP.Thủ Đức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát trên các tuyến đường.
Lực lượng này sẽ đảm đương vai trò chính trong phối hợp với Công an TP.HCM và Cục Cảnh sát hình sự làm nhiệm vụ tại 12 chốt cửa ngõ TP. Với tinh thần và trách nhiệm cao nhất, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang quyết tâm sẽ hoàn thành nhiệm vụ bằng tất cả sự nỗ lực để góp phần sớm đưa cuộc sống bình yên trở lại với nhân dân TP.HCM./.