Hơn 3.600 bức tranh của học sinh vẽ về chủ đề “Vui vẽ tranh, góp rừng xanh”
VOV.VN - Trong thời gian phát động, kết quả cuộc thi thực sự ấn tượng, với hơn 3.600 bức tranh nhận được từ hơn 3.000 học sinh tham gia sẽ được đơn vị đối tác chuyển đổi thành số lượng cây rừng được trồng mới tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (tỉnh Thanh Hóa).
Ngày 17/6, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị tổ chức lễ trao giải cuộc thi "Vui vẽ tranh, Góp rừng xanh" và ký kết Thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường hợp tác trong các hoạt động về môi trường trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cho biết, cuộc thi "Vui vẽ tranh, góp rừng xanh" là hoạt động hợp tác ý nghĩa của Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị được khởi động từ tháng 3/2022, để hưởng ứng sự kiện Giờ Trái đất. Cuộc thi nhằm tạo ra hoạt động vui chơi, kích thích sự sáng tạo của học sinh trên cả nước, đồng thời, giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, trồng rừng và hưởng ứng Chương trình "1 tỷ cây xanh" của Chính phủ cho các bạn trẻ, nhất là những bạn đang trong lứa tuổi học sinh. Cùng với đó, đây là hoạt động giúp tăng cường trồng rừng trong nỗ lực hiện thực hóa cam kết giảm thiểu phát thải CO2.
Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên, học sinh trên khắp Việt Nam có thể tham gia đóng góp trồng rừng, góp phần kiến tạo một Việt Nam xanh thông qua một hoạt động đầy sáng tạo và kỳ thú. Theo đó, mỗi tác phẩm dự thi sẽ được quy đổi tương ứng với 1 cây rừng được các đơn vị đối tác trồng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa), góp phần giảm phát thải C02, phục hồi hệ sinh thái rừng nghèo kiệt, cải thiện nguồn nước, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện sức khỏe của “Mẹ Thiên nhiên” và sức khỏe của cộng đồng.
“Cuộc thi đã mang đến cho chúng tôi những góc nhìn thú vị của các em học sinh về vấn đề môi trường. Tôi rất bất ngờ khi nhận thấy các em học sinh ngày nay có những hiểu biết và ý thức rất sâu sắc về bảo vệ môi trường. Các em đã cho chúng ta thấy rằng, chính nhận thức của những người lớn chúng ta cần thay đổi chứ không phải của các em. Với sự hợp tác này, hôm nay chúng tôi sẽ bắt tay hành động để triển khai chương trình “vì trường học bền vững”, nhằm tạo sân chơi ý nghĩa và bổ ích cho các em học sinh với định hướng truyền tải kiến thức về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Dũng chia sẻ.
Theo Ban Tổ chức, trong thời gian phát động, kết quả cuộc thi thực sự ấn tượng, với hơn 3.600 bức tranh nhận được từ hơn 3.000 học sinh tham gia sẽ được đơn vị đối tác chuyển đổi thành số lượng cây rừng được trồng mới tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (tỉnh Thanh Hóa) theo 2 đợt, gồm 1.500 cây trồng vào tháng 4 vừa qua, và số còn lại được trồng vào tháng 8/2022.
Để đẩy mạnh các hoạt động về bảo vệ môi trường trong thời gian tới, ông Nguyễn Việt Dũng cũng cho biết, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị đối tác sẽ tiếp tục cùng nhau hành động để triển khai chương trình “vì trường học bền vững”, nhằm tạo sân chơi ý nghĩa và bổ ích cho các em học sinh với định hướng truyền tải kiến thức về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu; STEM trải nghiệm qua hai hình thức hoạt động là tại các trường học địa phương và thông qua các công cụ trực tuyến.
Em Vũ Thị Kiều Trang, Trường tiểu học Trung Hòa 1 (tỉnh Hưng Yên) là một trong những học sinh đạt giải cao trong cuộc thi chia sẻ: "Thiên nhiên đang rất ô nhiễm như: Ô nhiễm từ không khí, ô nhiễm nguồn nước...gây rất nhiều tác hại đến đời sống của chúng ta. Khi tham gia cuộc thi này em hiểu nhiều hơn về thiên nhiên. Vì thế em muốn truyền đạt tới mọi người rằng thiên nhiên rất quan trọng, cho nên chúng ta phải biết gìn giữ và bảo vệ thiên nhiên xung quanh mình. Chính vì vậy nên em đã có vẽ bức tranh trồng cây để lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến các bạn khác".
Tại buổi Lễ, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị đã ký kết Thỏa thuận hợp tác nhằm đẩy mạnh các hoạt động về môi trường đến năm 2025, bao gồm giáo dục và trải nghiệm STEM thông qua hai hình thức chính là chương trình tại các trường học và trực tuyến./.