Hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại trong 2 năm qua
VOV.VN - Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021, cả nước có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 trẻ là nữ.
Các trường hợp trẻ em bị xâm hại trong giai đoạn 2019-2021 trong độ tuổi 13-16 tuổi là hơn 2.600 trường hợp, chiếm hơn 66%. Đặc bi ệt có hơn 293 trường hợp là trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại. Con số này có xu hướng năm sau cao hơn năm trước.
Cụ thể, số trẻ bị xâm hại từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020 là hơn 1.700 trường hợp, còn từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021 là hơn 2.200 trường hợp, tăng hơn 430 trường hợp. Đối tượng xâm hại trẻ em trong 2 năm qua chủ yếu vẫn là nam giới (chiếm 95%), trong đó, hơn 3.400 đối tượng trên 18 tuổi xâm hại trẻ em , chiếm 77%, thuộc đủ các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Cơ quan chức năng xác định, có hơn 1.000 vụ hiếp dâm, 1500 vụ giao cấu với trẻ em . Trong 2 năm, cả nước xảy ra hơn 110 vụ án giết trẻ em với 120 nạn nhân. Bộ Công an đã xử lý 3.370 vụ án, trong đó xử lý hình sự 3.462 đối tượng...
Theo bà Lê Hồng Loan - Trưởng chương trình bảo vệ trẻ em Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), dịch bệnh COVID-19-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống khác khiến ngày càng ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, trong đó có vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột trẻ em, sử dụng mạng để xâm hại trẻ em, trẻ em di cư, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em. Dự báo trong thời gian tới, tình hình xâm hại trẻ em sẽ có diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng cả trong đời thực và không gian mạng.
“Theo báo cáo đánh giá nhanh của 3 cơ quan Liên hợp quốc và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có khoảng 73% trẻ em chịu các hình thức kỷ luật, bạo lực và xâm hại trong thời gian đại dịch COVID-19. Tỷ lệ này ở nông thôn cao hơn 77% còn thành thị là 70%. Cứ 10 trẻ em thì có 1 trẻ em phải trải qua các trải nghiệm liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục ở các hình thức khác nhau trên mạng internet trong thời gian đại dịch COVID-19”, bà Loan nói.
Thực tế, nhiều loại hình xâm hại, bóc lột trẻ em hiện vẫn chưa có chế tài đủ nghiêm khắc. Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành và triển khai nhiều quy định, mang lại hiệu quả tích cực trong việc tiếp nhận thông tin, giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em; Tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em; đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng, chống xâm hại trẻ em, phù hợp với điều ước quốc tế.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và trong thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường. Phát triển mạng lưới, nâng cao năng lực người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, vận động nguồn lực để phát triển mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại cơ sở, cộng đồng dân cư.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị: “Các Đài truyền hình, các cơ quan thông tin đại chúng cần phải hình thành các chuyên mục ưu tiên nội dung truyền thông về chăm sóc thể chất, tinh thần, bảo vệ trẻ em, phòng ngừa xâm hại trẻ em. Chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm việc lồng ghép kiến thức, kĩ năng để phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em cho học sinh thông qua các bài giảng trực tuyến; tăng cường liên ngành và huy động sự tham gia của các hội, các tổ chức, của cộng đồng, các nhóm bác sĩ tình nguyện, các chuyên gia, tư vấn trị liệu tâm lý để tạo thành mạng lưới kết nối hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19, đặc biệt, là chăm sóc về sức khỏe tâm thần để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”./.