Long An rà soát, lấy mẫu 6.000 chuyên gia, người lao động nước ngoài
VOV.VN - Trước mối lo dịch bệnh Covid-19 xảy ra tại các khu công nghiệp nơi, tỉnh Long An đang tiến hành lấy mẫu tầm soát toàn bộ các chuyên gia nước ngoài và hàng chục ngàn công nhân tại 16 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.
Những ngày qua, tại nhiều khu công nghiệp (KCN) ở các tỉnh, thành phố như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng ghi nhận nhiều trường hợp mắc Covid-19. Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ lây lan, bùng phát dịch tại các KCN là rất lớn do mật độ công nhân tập trung đông, công nhân đi lại bằng phương tiện công cộng và thuê trọ ở chung... Tại Long An - một tỉnh tiếp giáp với biên giới Campuchia và địa bàn TPHCM, trước những nỗi lo về dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, lực lượng chức năng phòng, chống dịch; Ban Quản lý các KCN, các doanh nghiệp trong các KCN đã kích hoạt mức phòng chống dịch cao nhất để luôn ở thế chủ động ứng phó dịch. Lực lượng y tế địa phương tầm soát gần 6.000 mẫu đối với chuyên gia, người lao động nước ngoài đang làm việc tại đây. Dù chưa phát hiện tình huống đột biến liên quan đến Covid-19, song ngành chức năng địa phương tiếp tục có kế hoạch giám sát lịch sử di chuyển, quá trình tự cách ly tại chỗ sau khi thực hiện xong quy trình cách ly tập trung.
Ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An (LAEZA) cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo nhiều doanh nghiệp xây dựng kịch bản xử lý tình huống như thế nào, giãn cách ra sao khi có tình huống F0 và F1. Trước mắt vẫn yêu cầu thực hiện đúng 5K, các chủ doanh nghiệp cũng rất đồng tình. Vấn đề hậu cách ly của chuyên gia cũng được rà soát, trước đây 14 ngày nhưng nay phải đảm bảo 21 ngày, sau đó về phải tự cách ly tại công ty thêm 7 ngày nữa. Chúng tôi yêu cầu phải thực hiện đúng và nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế".
Cùng với việc kiểm tra, giám sát về nguy cơ dịch bệnh Covid-19 đối với các chuyên gia, người lao động nước ngoài, các ngành chức năng cũng đã tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên đối với công nhân lao động và lực lượng làm công tác tuyên truyền vận động tại các khu công nghiệp. Chỉ trong 2 ngày 18 và 19/5, tỉnh Long An đã lấy khoảng 1.000 mẫu xét nghiệm để tiến hành rà soát, đánh giá mức độ an toàn tại những khu vực được cho là tiềm ẩn rủi ro cao về dịch bệnh.
Bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Long An cho biết: "Đa số các doanh nghiệp, cơ sở họ đề xuất công đoàn kiến nghị được chích ngừa vaccine để đảm bảo trong công việc. Rất nhiều cán bộ giao tiếp trong khu công nghiệp rất nhiều, như chuyên gia, khách hàng… đôi khi vì lo lắng thì đã tự phải cách ly tại nhà, nên rất mất thời gian và hạn chế trong công việc. Cũng mong Đảng, Nhà nước, chính quyền tỉnh quan tâm hỗ trợ nguồn vaccine để chích ngừa cho lực lượng này".
Hiện Long An có 16 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với gần 150.000 công nhân lao động. Nhiều khu công nghiệp ở khu vực biên giới với nước bạn Campuchia. Đa số các chuyên gia, người lao động nước ngoài đến từ các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và một số quốc gia Châu Âu… Sở Y tế tỉnh Long An cho biết đã kiểm tra, tầm soát đối với những công ty, xí nghiệp để có đánh giá mức độ an toàn. Trong tình huống phát sinh, ngành chức năng sẽ chủ động mở rộng vùng rà soát cũng như số lượng sàng lọc để tăng hiệu quả phòng chống dịch.
Giám đốc Sở Y tế Long An Huỳnh Minh Phúc cho biết sẽ cương quyết xử lý các doanh nghiệp không chấp hành các quy định về phòng chống dịch Covid-19: "Khi kiểm tra thì có các mức độ: an toàn thấp, không an toàn và an toàn, thì sẽ căn cứ vào quy định mà đánh giá. Đối với những nơi đã kiểm tra nhiều lần mà mức độ rủi ro không an toàn và để tái diễn kéo dài thì có khả năng là đình chỉ ngay hoạt động".
Cùng với việc kiểm tra, đánh giá lại công tác phòng chống Covid-19, đợt này ngành chức năng tỉnh Long An cũng huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm lượng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn và một số vật dụng y tế phòng dịch với số tiền gần 1 tỷ đồng. Công tác phòng chống dịch tại Long An được kích hoạt ở mức độ cao nhất, nhằm làm tốt hơn nữa công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là thời điểm bầu cử đang cận kề./.